Tin tức sự kiện

Xây dựng mạng lưới chuyên gia hỗ trợ khởi nghiệp

Lực lượng hỗ trợ khởi nghiệp đóng vai trò chân kiềng, quyết định thành công cho hệ sinh thái khởi nghiệp. Với ý nghĩa đó, từ nay đến năm 2024, Quảng Nam đặt mục tiêu đào tạo, cấp chứng chỉ cho 60 giảng viên khởi nghiệp.

Hội LHPN TP.Tam Kỳ tổ chức diễn đàn hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Ảnh: VINH ANH
Hội LHPN TP.Tam Kỳ tổ chức diễn đàn hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Ảnh: VINH ANH

Đào tào giảng viên khởi nghiệp

Theo báo cáo, từ năm 2017 – 2021, có 52 lượt cán bộ của Ban Điều hành hỗ trợ khởi nghiệp (KN) tỉnh tham các khóa đào tạo về cố vấn KN, giảng viên KN (TOT). Mạng lưới hỗ trợ KN trong tỉnh không ngừng được quan tâm, phát triển.

UBND tỉnh quyết định thành lập hai đơn vị sự nghiệp công lập gắn với chức năng, nhiệm vụ hỗ trợ KN, gồm: Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ KN (Sở Kế hoạch – Đầu tư), Trung tâm Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (Sở Khoa học & Công nghệ).

Thông qua ký kết 14 chương trình hợp tác (trong đó có 3 chương trình cấp tỉnh với UBND TP.Đà Nẵng, Đại học Huế và Quỹ khởi nghiệp Khoa học & Công nghệ Việt Nam), Quảng Nam đã huy động nguồn lực, nhất là đội ngũ chuyên gia, cố vấn KN hàng đầu về với địa phương…

Theo ông Phạm Ngọc Sinh – Trưởng ban Điều hành hỗ trợ KN sáng tạo tỉnh, ngay từ khi khởi động xây dựng hệ sinh thái KN vào năm 2017, Quảng Nam nhận thức, lực lượng hỗ trợ KN (giảng viên, cố vấn, chuyên gia…) đóng vai trò chân kiềng, quyết định thành công cho hệ sinh thái.

Bên cạnh thành lập Hội đồng Cố vấn KN tỉnh, ký kết nhiều chương trình hợp tác, thu hút lực lượng chuyên gia KN hàng đầu cả nước, ngày 28.9.2021, UBND tỉnh có Quyết định 2747 phê duyệt đề án “Đào tạo giảng viên giảng dạy KN đổi mới sáng giai đoạn 2021 – 2025” do Ban Điều hành hỗ trợ KN sáng tạo tỉnh chủ trì triển khai thực hiện.

Theo ông Sinh, đó là những nét khác biệt, tạo nên sự thành công của hệ sinh thái KN Quảng Nam.

Với đề án đào tạo giảng viên KN, Quảng Nam hướng đến việc chủ động nguồn nhân lực phục vụ công tác giảng dạy KN, thúc đẩy tăng tốc KN, xây dựng hệ sinh thái KN đổi mới sáng tạo.

Với đề án này, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2024, đào tạo cấp chứng chỉ cho 60 giảng viên. Đối tượng đào tạo là cán bộ các cơ quan triển khai đề án và chương trình KN của cơ quan trung ương trên địa bàn tỉnh; cơ quan tham gia Ban Điều hành hỗ trợ KN sáng tạo tỉnh; cán bộ cơ quan tham mưu cấp huyện và hội/câu lạc bộ KN sáng tạo các huyện, thị xã, thành phố; giáo viên trường đại học, cao đẳng, trung cấp, THPT; doanh nhân và cộng đồng KN tỉnh.

Công tác xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp Quảng Nam không ngừng được quan tâm. Trong ảnh: Tổ chức hội thảo “Kết nội mạng lưới hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo miền Tung - Tây Nguyên” năm 2021 tại Quảng Nam. Ảnh: V.A
Công tác xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp Quảng Nam không ngừng được quan tâm. Trong ảnh: Tổ chức hội thảo “Kết nội mạng lưới hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo miền Tung – Tây Nguyên” năm 2021 tại Quảng Nam. Ảnh: V.A

Theo kế hoạch từ nay đến năm 2024, mỗi năm Ban Điều hành hỗ trợ KN sáng tạo tỉnh phối hợp tổ chức một lớp đào tạo giảng viên KN với khoảng 20 người. Sau năm 2024, lực lượng này sẽ quay trở lại tham gia đào tạo giảng viên KN cho tỉnh.

Phát triển đội ngũ cơ sở

Theo các chuyên gia, xây dựng hệ sinh thái KN phải đi từ những địa phương, chứ không phải ở cấp trung ương. Từng hệ sinh thái nhỏ sẽ đóng góp làm nên hệ sinh thái lớn ở tầm quốc gia. Trong đó, hệ sinh thái KN địa phương phải do cộng đồng doanh nghiệp KN và do chính người địa phương dẫn dắt.

Ông Lê Minh Nhựt – Quỹ khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam – SVF cho rằng, bên cạnh yếu tố doanh nghiệp KN dẫn dắt thì một nhân tố quyết định quan trọng cho một hệ sinh thái KN có sức sống là hoạt động cố vấn KN (mentoring).

Tại các địa phương hiện nay, khái niệm cố vấn KN vẫn còn khá mới mẻ, có thể khái niệm cố vấn (mentor) được hiểu nhầm lẫn với tư vấn (advisor) và đào tạo (trainer)… Các bạn trẻ KN có thể gặp khó khăn trong việc kết nối những người có chuyên môn, kinh nghiệm từ mạng lưới doanh nghiệp lớn tham gia đồng hành, cũng như thiếu tính cam kết dẫn đến việc duy trì mối quan hệ cố vấn KN tại các địa phương còn nhiều trở ngại.

Ông Nguyễn Văn Dũng – Chủ tịch Hội đồng cố vấn KN tỉnh cho rằng, mạng lưới hỗ trợ KN Quảng Nam đã được quan tâm, phát triển nhưng vẫn còn mỏng, chưa được đào tạo chuyên sâu. Đội ngũ cố vấn hỗ trợ KN từng bước hình thành nhưng vẫn mang tính tự phát, thiếu tính liên kết.

Quảng Nam cần đẩy mạnh hoạt động đào tạo giảng viên giảng dạy KN đổi mới sáng tạo; xã hội hoá hoạt động cố vấn KN với nguyên tắc lấy chủ thể KN làm trung tâm để nâng cao, đề cao sự cống hiến giá trị của chuyên gia, cán bộ công chức nhà nước; xác định chủ thể KN đổi mới sáng tạo là đối tác để phục vụ chứ không phải đối tượng để quản lý. Đa dạng hình thức, nội dung, không gian hoạt động cố vấn nhằm ổn định tài chính hoạt động, kết nối bền vững hoạt động cố vấn…

Theo ông Phạm Ngọc Sinh, các địa phương đã ban hành kế hoạch xây dựng hệ sinh thái KN cấp huyện. Quảng Nam trở thành địa phương đầu tiên và duy nhất vận hành hệ sinh thái KN tận cơ sở. Vì thế, lực lượng chuyên gia, giảng viên nguồn địa phương cần được quan tâm nhiều hơn.

“Mục tiêu đến năm 2025, hình thành một lực lượng chuyên gia, cố vấn, giảng viên khắp toàn tỉnh; trong đó, mỗi địa phương cần có 2 – 3 người. Chúng tôi sẽ chỉ đạo Hội đồng Cố vấn KN tỉnh triển khai hoạt động sâu rộng đến cấp huyện, kể cả cấp xã. Song, cũng cần lưu ý rằng, các địa phương phải bắt đầu ngay công tác xây dựng đội ngũ hỗ trợ KN. Thực sự tạo hệ sinh thái KN bền vững” – ông Sinh nói.

Nguồn: baoquangnam

Tác giả:

Comment here