Khởi nghiệp

Đưa sản phẩm Quảng Nam vươn xa

Những năm qua, với sự tác động của nhiều nguồn lực, hằng trăm sản phẩm từ chương trình OCOP, dự án khởi nghiệp được sản xuất và công bố. Thế nhưng, câu chuyện quảng cáo, thương mại hoá cũng cần sự đầu tư nghiêm túc để mang các sản phẩm đó đến những thị trường lớn hơn.

“Sợi ngọc xứ Quảng” đã dành nhiều giải thưởng khởi nghiệp.

Chủ động phát triển thị trường

Với dự án “Sợi ngọc xứ Quảng”, chị Kiều Bảo Hân (quê xã Đại Đồng, Đại Lộc, Quảng Nam), đã đạt giải khuyến khích cuộc thi Dự án Khởi nghiệp Thanh niên nông thôn 2021 của Trung ương Đoàn, Top 10 chương trình Dự án Khởi nghiệp Quốc gia về Khởi nghiệp tạo tác động xã hội năm 2021. Ngoài các sản phẩm mỳ Quảng khô, bún khô, phở khô, bánh tráng Đại Lộc, dầu đậu phộng, bơ đậu phộng, vừa qua, công ty TNHH Hapinut đã ra mắt sản phẩm mới là những gói nước sốt tươi được chế biến sâu theo công nghệ retort đi kèm với các sợi khô, gọi là bộ kit trọn vị Hapinut.

Một cảnh trong video quảng cáo sản phẩm bộ kit trọn vị của Hapinut.

“Trước đây, sản phẩm sợi khô đưa ra thị trường gặp nhiều trở ngại vì đâu phải khách hàng nào cũng có thể nấu được món ăn chuẩn vị. Và nay, với bộ kit trọn vị Hapinut thì khách hàng hoàn toàn có thể chế biến món mỳ Quảng, bún bò hay phở chỉ trong vài phút mà vẫn rất đậm đà. Đây không phải là dạng thực phẩm ăn liền, dành cho người có ít thời gian và muốn ăn… qua bữa. Bộ kit trọn vị hướng đến khách hàng là những người muốn ăn đặc sản một cách chỉn chu, đúng vị nhưng không tốn quá nhiều thời gian và cầu kỳ về phương pháp nấu” – chị Hân nói.

Cũng theo chị Hân, Quảng Nam là vùng đất mà Hapinut chọn là nơi sản xuất và xác định thị trường phải là những thành phố lớn, đông dân cư, có sức tiêu dùng mạnh. Điều này là thách thức đối với các đặc sản địa phương. Vì vậy, ngoài việc đẩy mạnh truyền thông trên các kênh mạng xã hội, tại những điểm bán lẻ, Hapinut cũng thường xuyên tổ chức các chương trình đồng hành cùng khách hàng. Vừa qua, khi liên kết với chuỗi siêu thị mini Kingfoodmart, tại một điểm bán ở TP.Hồ Chí Minh, Hapinut tổ chức cho khách hàng trải nghiệm bánh tráng cuốn Đại Lộc. Hoạt động này khá hiệu quả trong việc giới thiệu sản phẩm tới khách hàng và kích cầu doanh thu.

Hapinut nỗ lực đồng hành cùng khách hàng ở các điểm bán trực tiếp cùng đối tác.

“Hapinut đang xây dựng nhà máy rộng khoảng 5.000m2 tại Khu Công nghiệp Tam Anh – Hàn Quốc ở huyện Núi Thành, dự kiến đi vào hoạt động năm 2024. Tại đây, chúng tôi tận dụng lợi thế địa phương như nguyên liệu, lao động để sản xuất các sản phẩm chế biến sâu sau gạo. Không chỉ là đặc sản Quảng Nam như mỳ Quảng, bánh tráng, đây sẽ là nơi sản xuất những sản phẩm từ gạo theo một cách thức dễ nấu hơn, tiện lợi hơn nhưng vẫn đảm bảo dinh dưỡng nhằm xuất khẩu ra thị trường nước ngoài” – chị Hân khẳng định.

Đưa sản phẩm xuất khẩu

Trong một hội nghị thuộc khuôn khổ chương trình Những ngày đồng hương Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh năm 2023, ông Trần Ngọc Đính – Phó Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh cho biết, công ty của ông đang xúc tiến việc đầu tư một Trung tâm trưng bày – thương mại các sản phẩm OCOP và khởi nghiệp Quảng Nam. Dự kiến, năm 2024, khi tình hình kinh tế ở khu phía nam có những khởi sắc mới, trung tâm này sẽ được khai trương và đưa vào hoạt động.

Dự án nói trên nhằm mục đích “gom” sản phẩm lại và trưng bày quảng bá, marketing cho người tiêu dùng ở thành phố biết tới. “Câu chuyện dễ thấy, những đại lý, siêu thị ở miền Nam rất khó tiêu thụ sản phẩm đặc sản, được cho là rất ngon ở miền Trung. Ví dụ, khẩu vị người miền nam thích ăn ngọt chứ không ăn cay, mặn như miền Trung, hay họ cũng thích chả lụa chứ không thích chả bò,… Nên chúng ta phải tập trung nhiều vào marketing, tiếp thị trực tiếp trong một thời gian dài, tập cho khách hàng biết, quen rồi mới chuyển qua dùng thường xuyên” – ông Đính nói.

Cũng theo ông Đính, dự án Trung tâm trưng bày – thương mại đặc sản Quảng Nam chỉ là bước đệm trong việc hình thành một hệ thống thương mại đa quốc gia dành cho các sản phẩm Quảng Nam nói riêng và đặc sản của Việt Nam nói chung. Với mô hình vận chuyển tương tự như các hãng “xe ôm công nghệ” hiện nay, ông Đính sẽ tổ chức cho đội ngũ shiper vận chuyển hàng hoá tới tay người tiêu dùng thông qua ứng dụng riêng. Tận dụng đội ngũ này, truyền thông quảng cáo trực quan trên đồng phục, phương tiện và tiếp thị trực tiếp sản phẩm đặc sản địa phương tới khách hàng qua quá trình giao tận tay.

Hapinut nỗ lực đồng hành cùng khách hàng ở các điểm bán trực tiếp cùng đối tác.

Vừa qua, ông Đính cũng hợp tác với ứng dụng Hahalolo – một ứng dụng thương mại điện tử tại Mỹ, nhằm đưa những sản phẩm OCOP, khởi nghiệp của Việt Nam lên sàn giao dịch này. Ông cũng vừa thành lập công ty và xây dựng trung tâm thương mại sản phẩm Việt Nam tại TP.Okland (bang California, Mỹ).

“Chúng tôi sẽ lo tất cả thủ tục, quy trình xuất khẩu, tiếp cận đại lý bán lẻ và hệ thống logistic đưa sản phẩm Quảng Nam nói riêng và Việt Nam nói chung đến tận tay người tiêu dùng trên khắp đất nước Mỹ và các quốc lân cận trong thời gian tới” – ông Đính cho biết thêm./.

 

Tác giả: Phan Vinh

Comment here