Tin Quảng NamTin tức sự kiện

Vướng mắc trong quản lý và điều hành quỹ hỗ trợ khởi nghiệp

ừ khi thành lập đến nay, Câu lạc bộ (CLB) Khởi nghiệp (KN) sáng tạo Điện Bàn đã tiếp nhận nhiều dự án KN để xem xét giúp đỡ, hỗ trợ. Tuy nhiên, hoạt động này đang bị vướng bởi những quy định về xây dựng và quản lý quỹ.

Nhiều mô hình khởi nghiệp ở TX.Điện Bàn đang rất cần vốn đề phát triển. Ảnh: PHAN VINH
Nhiều mô hình KN ở Điện Bàn đang rất cần vốn đề phát triển. Ảnh: PHAN VINH

Cần vốn đầu tư

Đến nay, trong cộng đồng KN nói chung và KN với nông nghiệp công nghệ cao theo phương pháp rau thủy canh nói riêng trên địa bàn tỉnh không còn xa lạ với câu chuyện của anh Hồ Công Thái (xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn). Năm 2016, anh Thái cùng cộng sự sang Thái Lan học phương pháp làm rau thủy canh. Về nước, anh đầu tư vườn rau rộng hơn 4.000m2 với vốn gần 1 tỷ đồng. Sau nhiều nỗ lực, bước qua thất bại, mô hình KN của anh hiện cung cấp hơn 70kg rau mỗi ngày tại thị trường Hội An và Đà Nẵng, lãi ròng khoảng 30 triệu đồng mỗi tháng.

Anh Thái chia sẻ, đến hiện tại, mong muốn cơ bản của anh đã hoàn thành, đó là hình thành và phát triển vườn rau thủy canh ở quê nhà. Tuy nhiên, anh còn đang ấp ủ một giấc mơ lớn hơn, là mở rộng quy mô trại rau và mở nhiều cửa hàng cung ứng cũng như liên kết cung ứng cho chuỗi nhà hàng, khách sạn, siêu thị. Và để hiện thực hóa giấc mơ này, điều anh đang cần là nguồn vốn.

Mô hình rau thủy canh của anh Hồ Công Thái ở xã Điện Tiến, TX.Điện Bàn cũng đang cần vốn mở rộng quy mô. Ảnh: PHAN VINH
Mô hình rau thủy canh của anh Hồ Công Thái (xã Điện Tiến, Điện Bàn) cũng đang cần vốn mở rộng quy mô. Ảnh: PHAN VINH

“Tôi đã tham gia vào hợp tác xã, tham gia hoạt động KN của địa phương và cũng đề xuất xin được hỗ trợ vốn KN từ CLB KN Điện Bàn, nhưng đến nay vẫn chưa có được nguồn vốn cần thiết. Vì đang trong giai đoạn KN nên tôi cần vốn ưu đãi. Nếu được vay vốn hỗ trợ lãi suất thì ý tưởng KN của tôi sẽ có điều kiện phát triển hơn” – anh Thái mong mỏi.

Không riêng trường hợp anh Thái mà trong thời gian qua, đã có hơn 10 ý tưởng KN của các startup trên địa bàn thị xã Điện Bàn tìm đến CLB KN Điện Bàn để xin được hỗ trợ, giúp đỡ, trong đó có vấn đề nguồn vốn. Trong khoảng 10 ý tưởng KN đó, có khoảng 6 ý tưởng mang tính khả thi cao, và tất cả đều đang cần vốn đầu tư, phát triển để cụ thể hóa.

Vướng pháp lý

Anh Phan Văn Lực – Phó Chủ nhiệm CLB KN Điện Bàn cho biết, từ khi thành lập đến nay, CLB đã nhận được sự hỗ trợ từ 2 doanh nghiệp là VN Đà Thành và DaNa Home Land với mức đầu tư mạo hiểm không hoàn lãi 400 triệu đồng (mỗi doanh nghiệp 200 triệu đồng). Tuy nhiên, đến nay CLB vẫn chưa thể nhận và sử dụng nguồn đầu tư này để hỗ trợ cho các ý tưởng KN trên địa bàn do vướng cơ chế pháp lý.

Cụ thể, theo Nghị định 38/2018/NĐ-CP ngày 11.3.2018 của Chính phủ quy định chi tiết về đầu tư KN cho doanh nghiệp nhỏ và vừa KN sáng tạo, để thành lập quỹ đầu tư KN thì cần phải thuê đơn vị thứ 3 là một công ty độc lập quản lý quỹ. Ngoài ra, đơn vị đầu tư KN cũng có thể thành lập tổ quản lý quỹ. Điều đáng nói, Nghị định 38 không đề cập đến việc giao quyền thành lập và quản lý quỹ này cho CLB KN điều hành.

“Nếu thuê công ty thứ 3 thì không được, vì thuê phải tốn phí, mà đây là nguồn xã hội hóa, không có lời lãi thì làm sao có kinh phí để thuê ai. Còn việc thành lập tổ quản lý quỹ, trong Nghị định 38 không nêu rõ thành phần tổ gồm những ai, phòng ban, đơn vị, địa phương nào nên cũng không ai dám đứng ra nhận số tiền này. Hiện tại chúng tôi đang gặp khó, các startup thì rất cần tiền, trong khi tiền có đó mà không làm gì được” – anh Lực cho biết.

Dù có nhà đầu tư mạo hiểm hỗ trợ nguồn vốn nhưng CLB KN Điện Bàn vẫn chưa thể sử dụng để hỗ trợ KN. Ảnh: PHAN VINH
Dù có nhà đầu tư mạo hiểm hỗ trợ nguồn vốn nhưng CLB KN Điện Bàn vẫn chưa thể sử dụng để hỗ trợ KN. Ảnh: PHAN VINH

Theo ông Phạm Ngọc Sinh – Phó Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ, Tổ trưởng Tổ công tác hỗ trợ KN sáng tạo tỉnh, vấn đề mà CLB KN Điện Bàn đang gặp phải là thực trạng chung của toàn tỉnh và nhiều địa phương khác trong việc hỗ trợ KN sáng tạo. Đối với Nghị định 38 thì chưa được cụ thể hóa bằng thông tư hướng dẫn. Tuy nhiên, trường hợp của CLB KN Điện Bàn, nguồn tiền được các doanh nghiệp đầu tư mạo hiểm là nguồn xã hội hóa nên có thể áp dụng theo Nghị định 30/2012/NĐ-CP ngày 12.4.2012 về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện.

“Theo đó, CLB KN Điện Bàn cần thành lập quỹ hỗ trợ KN dưới hình thức xã hội hóa, được UBND tỉnh ủy quyền cho UBND thị xã Điện Bàn cấp giấy phép thành lập. Sau đó, ủy quyền giữ quỹ này cho một đơn vị ngân hàng. CLB KN Điện Bàn khi thông qua ý tưởng KN nào đó thì có thể làm giấy đề xuất trích quỹ gửi lên ngân hàng để hỗ trợ cho startup. Trong khi chờ quy định cụ thể về Nghị định 38, các CLB KN khác trên địa bàn tỉnh cần tuân thủ đúng quy định pháp lý. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo với chuyên đề xây dựng và quản lý quỹ KN trên địa bàn tỉnh để cùng nhau tháo gỡ thêm những vướng mắc khác” – ông Sinh cho biết thêm.

Tác giả: