Bản tin Khởi nghiệpTin tức sự kiện

Quảng Nam kết nối sản phẩm khởi nghiệp vào thị trường du lịch

Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn là cơ hội để quảng bá, giới thiệu nông sản địa phương, đặc biệt là các sản phẩm khởi nghiệp, OCOP. Sản phẩm càng mang trưng vùng miền thì càng có sức hấp dẫn với du khách. Nhiều năm qua, rất nhiều chủ thể khởi nghiệp Quảng Nam đã gắn việc phát triển sản phẩm với du lịch.

Gắn kết sản phẩm

Là tỉnh có thế mạnh về du lịch và các sản phẩm khởi nghiệp OCOP, các chủ thể, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã nghĩ đến việc sẽ kết nối với nhau để phát triển. Tuy nhiên, để “bắt tay” được với du lịch, sản phẩm khởi nghiệp, OCOP cần hiện diện nhiều hơn trên các “cung đường vàng” mà du lịch đi qua.

TP.Hội An thúc đẩy sự gắn kết giữa hệ thống sản phẩm khởi nghiệp, OCOP với thị trường du lịch thông qua các gian hàng, cơ sở hiện hữu. Ảnh: A.N

Ví dụ điển hình ở TP.Hội An, đây là thị trường tiêu thụ mạnh bởi lượng khách du lịch đến đây hàng năm rất lớn. Vì vậy, TP.Hội An thể hiện mong muốn thúc đẩy sự gắn kết giữa hệ thống sản phẩm khởi nghiệp, OCOP với thị trường du lịch thông qua các gian hàng, cơ sở hiện hữu.

Bà Phạm Thị Duy Mỹ – Chủ cơ sở sản xuất Ngũ Cốc Duy Oanh (huyện Duy Xuyên) cho hay, tại địa phương có nhiều lợi thế cho việc kết nối sản phẩm khởi nghiệp, OCOP vào du lịch. Theo bà Mỹ, trên hành trình du khách đi từ các địa điểm khác đến với Khu đền tháp Mỹ Sơn nên có một điểm dừng chân để tham quan, trải nghiệm. Tại đây, các gian hàng kết nối sản phẩm khởi nghiệp, OCOP sẽ được trưng bày để tiếp cận khách du lịch.

“Qua đó có thể gia tăng cơ hội để khách du lịch hiểu hơn về hệ thống sản phẩm địa phương. Từng bước, mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua các sứ giả marketing miễn phí chính là khách du lịch. Trong việc này, địa phương và các chủ thể khởi nghiệp có thể phối hợp với nhau để cùng làm, cùng phát triển” – bà Mỹ nói.

Đặc thù địa phương

Hiện nay, ngành du lịch Quảng Nam đang chuyển động theo hướng “xanh”, hướng đến sự bền vững, trong khi các sản phẩm khởi nghiệp, OCOP của tỉnh là các sản phẩm đặc trưng. Có thể thấy giữa hai bên có sự kết nối với nhau mật thiết, nếu khai thác một cách hiệu quả có thể giúp nâng cao giá trị gia tăng của cả hai lĩnh vực này lên gấp nhiều lần. Bình quân mỗi năm có hơn 350 nghìn lượt khách (hơn 5%) tham gia trải nghiệm các loại hình du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh với gần 20 sản phẩm ở nhóm dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng nằm trong danh mục OCOP của tỉnh nên hướng phát triển rất rộng mở.

Các sản phẩm khởi nghiệp, OCOP của huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam đang được bày bán rộng rãi trên thị trường. Ảnh: A.N

Là địa phương có hệ thống sản phẩm khởi nghiệp, OCOP phát triển rất mạnh, tạo được dấu ấn lớn nên từ cuối năm ngoái, UBND huyện Tiên Phước đã đưa vào hoạt động Trung tâm trưng bày sản phẩm OCOP, từng bước trở thành đầu mối phân phối hàng hóa khởi nghiệp, OCOP của huyện và một số địa phương khác để quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ và là một điểm dịch vụ tăng thêm trong “hệ sinh thái” du lịch làng cổ Lộc Yên được Tập đoàn Thiên Minh hỗ trợ cải tạo, phát triển. Hiện nay, Sở NN&PTNT đã chủ trì phối hợp với Sở VH-TT&DL cùng hai huyện Tiên Phước, Đông Giang triển khai mô hình thí điểm làng văn hóa du lịch cổ Lộc Yên và làng Bhờ Hồng theo chương trình mỗi xã một sản phẩm để nâng cao chất lượng điểm đến, sản phẩm OCOP của hai đơn vị này.

Phát triển bền vững

Theo ông Phan Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, chủ trương thúc đẩy chương trình khởi nghiệp, OCOP là định hướng đúng đắn, nhưng để có chỗ đứng trong thị trường du lịch thì điều quan trọng nhất là sản phẩm khởi nghiệp, OCOP phải viết được câu chuyện văn hóa vào sản phẩm, phải đi đúng theo thông điệp “mỗi xã một sản phẩm”

“Cả làng cùng hướng vào một hệ giá trị, đưa văn hóa làng vào sản phẩm để có thể chạm đến cảm xúc của du khách. Sản phẩm khởi nghiệp, OCOP cần chuyển từ lượng sang chất, chất ở đây là giá trị văn hóa, giá trị nền tảng bản địa mà địa phương đang có. Nhiều doanh nghiệp có thể rất muốn đưa sản phẩm của địa phương vào khách sạn nhưng thực sự là đến giờ không có sự kết nối nào và chưa có điểm nhìn chung giữa các chủ thể. Nếu sản phẩm phát triển đủ chiều sâu thì một số doanh nghiệp du lịch có thể đứng ra bảo trợ” – Ông Thanh nói.

Hội nghị kết nối sản phẩm khởi nghiệp, OCOP, sản phẩm CNNTTB, đặc trưng của Hội An, Quảng Nam với các doanh nghiệp du lịch. Ảnh: A.N

Hy vọng trong các năm tới, các địa phương cần tạo điều kiện hơn nữa để tạo sự liên kết sản phẩm khởi nghiệp, OCOP với du lịch, qua đó quảng bá được sản phẩm địa phương và giúp cho người lao động, nghệ nhân tăng thu nhập…

Ngoài ra, các địa phương cũng cần liên kết với nhau trao đổi, học hỏi… cùng nhau hoàn thiện, tương trợ nhau trong việc đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng, khách du lịch, để mối liên kết giữa sản phẩm khởi nghiệp, OCOP và du lịch được phát huy hiệu quả nhằm phát triển sản phẩm gắn với giá trị văn hóa địa phương, sản phẩm làng nghề truyền thống vươn cao, bay xa.

 

Tác giả: An Nhiên

Comment here