Dự án Khởi nghiệpTin tức sự kiện

Hành trình nâng tầm sản phẩm Quế Trà My Minh Phúc

Từ thương hiệu Tinh dầu quế Trà My Minh Phúc của hộ kinh doanh Nguyễn Thị Việt, sau khi nhận nhượng quyền, Hợp tác xã (HTX) Quế Trà My Minh Phúc bắt đầu hành trình xây dựng và nâng tầm thương hiệu. Trước đó, sản phẩm tinh dầu quế Minh Phúc đã được biết đến trên thị trường, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Vỏ quế thô Trà My được trưng bày trong các hội chợ. Ảnh: A.N

Từ lâu, Quế Trà My không chỉ dừng lại là một dạng hàng hóa, mà đã đi vào tâm thức của người dân như một biểu tượng, một giá trị kinh tế, một nét văn hóa tại mảnh đất xứ Quảng. Thời nhà Nguyễn, Quế Trà My được xem như “Cao Sơn Ngọc Quế” là sản vật quý dùng để tiến vua hàng năm ở Cung đình Huế.

Không chỉ là sản phẩm thuần bán thô, quế Trà My ngày nay được đầu tư vùng nguyên liệu chất lượng cao và tập trung vào chế biến. Với hàm lượng tinh dầu cao, thân, cành, ngọn, lá, vỏ quế Trà My đều có thể sử dụng làm nguyên liệu để chế biến sâu. HTX Quế Trà My – Minh Phúc là một trong những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực này. Đối với nguồn nguyên liệu, dù HTX nằm ngay tại vùng trồng quế nhưng việc thu mua nguyên liệu gặp nhiều khó khăn do rừng quế cách xa đường xe, công vận chuyển nhiều nên giá thành cao, lượng cành lá quế hiện có chưa đủ đáp ứng cho việc sản xuất. Các hộ trồng quế quy mô lớn hầu hết là người đồng bào dân tộc thiểu số, chưa hiểu rõ về sản phẩm và chưa mạnh dạn tham gia các tổ hợp tác, HTX.

Các sản phẩm từ quế Trà My được chế biến sâu. Ảnh: A.N

Để giải quyết vấn đề này. Bà Nguyễn Thị Hồng Lê – Giám đốc HTX Quế Trà My – Minh Phúc cho biết: “Để đảm bảo nguồn nguyên liệu bền vững, HTX đã liên kết với 2 nhóm 26 hộ ở xã Trà Giác và Trà Giáp với tổng diện tích quế hơn 56ha. HTX phối hợp tập huấn cho các hộ trồng và khai thác quế theo tiêu chuẩn GACP. Nhờ được tập huấn, bà con trồng và thu hoạch quế cạo vỏ theo đúng tiêu chuẩn GACP. HTX ký hợp đồng với các đối tác Hàn Quốc để bán 500kg quế cạo vỏ”.

Tuy khó khăn nhưng HTX vẫn quyết tâm nâng tầm sản phẩm tinh dầu quế. HTX đã đầu tư hệ thống chiết tách tinh dầu trong năm 2021 với tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng. HTX đã thực hiện thủ tục để được hỗ trợ sau đầu tư theo Quyết định 17 của UBND tỉnh, huyện đã nghiệm thu hệ thống, dự kiến được hỗ trợ 400 triệu đồng. HTX tiến hành thu mua nguyên liệu, phân loại và phơi khô.

Với hệ thống chiết xuất mới, việc sản xuất tinh dầu sẽ đảm bảo chất lượng. Sau khi thu tinh dầu thô, tiến hành tách bỏ cặn, tinh lọc và cho vào hệ thống chiết rót, đóng chai.Hệ thống này giúp đảm bảo an toàn, đảm bảo đúng dung tích khi đóng chai. Do còn khó khăn về kinh phí, nên việc dán nhãn vẫn còn đang làm thủ công, chưa đầu tư được máy móc. Toàn bộ quá trình sản xuất được theo dõi chặt chẽ, tuân thủ theo quy trình chất lượng ISO 9001:2015.

Từ kết quả kiểm nghiệm, tinh dầu quế Trà My Minh Phúc đã cho thấy các hoạt chất vượt trội, ít có sản phẩm cùng loại trên thị trường đạt được. Tinh chất trong quế có khả năng hỗ trợ miễn dịch tốt, ngăn chặn nhiều vi khuẩn và nấm gây hại nhờ đặc tính cay nóng, tính kháng khuẩn.

Sản phẩm của quế Trà My Minh Phúc được khách hàng ưa chuộng. Ảnh: A.N

Tinh dầu quế Trà My Minh Phúc được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao vào cuối năm 2021 đã giúp sản phẩm được quảng bá mạnh mẽ hơn, tiếp cận được nhiều khách hàng thông qua các kênh quảng bá của tỉnh, OCOP, Liên minh HTX, được hỗ trợ kinh phí sau đầu tư. Đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm quế Trà My đến thị trường truyền thống tại các nước Đông Âu, Nga, Trung Quốc, phát triển thị trường mới tại Thái Lan, Singapore, Nhật Bản và tiếp cận thêm thị trường Âu – Mỹ.

Ông Nguyễn Hồng Vương – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My cho biết: “Bắc Trà My đang xây dựng bộ quy trình phát triển cây quế theo các phương thức trồng, bảo đảm tiêu chuẩn từ xác định vùng trồng, cây giống, chăm sóc, phòng trừ dịch hại, thu hoạch, chế biến, bảo quản sản phẩm đạt tiêu chuẩn cho từng phân khúc thị trường trong nước và quốc tế.

Đồng thời xây dựng một số mô hình phát triển cây quế theo chuỗi giá trị để làm cơ sở thúc đẩy, nhân rộng, phát triển hướng sản xuất hàng hóa bền vững. Hiện nay, lợi nhuận trung bình một tấn quế vỏ bán ra khoảng 75 triệu đồng. Đây là mũi nhọn kinh tế của Bắc Trà My, góp phần quan trong trọng công tác giảm nghèo, bảo vệ rừng bền vững”.

Vừa qua, tham gia cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” diễn ra tại tỉnh Phú Yên, dự án “Nước rửa chén bát, nước lau sàn Quế Trà My Minh Phúc” của HTX đã đạt giải Nhì cấp vùng miền Trung.

 

 

Tác giả: An Nhiên

Comment here