Khởi nghiệpTấm gương khởi nghiệp

Rượu sim Nông Sơn “say lòng” khách đến

Từ thức uống dân gian thơm ngon, ý vị, chị Cao Thị Hằng (xã Quế Lộc, Nông Sơn) đã nâng tầm sản phẩm, đưa rượu sim “Cao Hoàng” mang hương vị đặc trưng của vùng đất Nông Sơn đến với thị trường trong và ngoài tỉnh.

Thành quả bước đầu

Chị Cao Thị Hằng (thôn Lộc Trung, xã Quế Lộc, Nông Sơn) sinh trưởng trong gia đình khó khăn, từ nhỏ miệt mài buôn bán, kinh doanh nên cũng tích luỹ được nhiều kinh nghiệm trên lĩnh vực này.

Cách đây không lâu, khi tham gia sinh hoạt tại Chi hội Phụ nữ thôn Lộc Trung, chị Hằng đã tiếp cận với Đề án khởi nghiệp 939 và từng bước hình thành ý tưởng khởi nghiệp với nghề nấu rượu truyền thống của gia đình. Chị tìm hiểu kinh nghiệm sản xuất rượu sim truyền thống và ra tận Phú Quốc học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm để hoàn thiện sản phẩm.

Từ sự giới thiệu của Hội LHPN xã Quế Lộc và huyện Nông Sơn, chị Hằng tham gia cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp trong phụ nữ năm 2022” và đưa sản phẩm trưng bày tại hội chợ, triển lãm trong và ngoài địa phương.

Chị Hằng đầu tư nhà xưởng rộng 35m2 cùng hệ thống ủ, chiết rót rượu và xây dựng nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc, phát triển thương hiệu rượu sim “Cao Hoàng”. Qua mấy năm khởi nghiệp, chị Hằng đã gặt hái những kết quả bước đầu.

Rượu sim “Cao Hoàng” hiện đã có mặt tại các cửa hàng tạp hóa, quán ăn tại Nông Sơn và được nhiều người dân tin dùng. Bên cạnh rượu sim đặc sản, chị còn phát triển thêm một số loại rượu khác như rượu nếp cẩm, rượu chuối hột… nhằm đa dạng sản phẩm, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.

Mỗi tháng, chị Hằng sản xuất 500 lít rượu sim, chiết rót được 1.000 chai 500ml. Sau khi trừ chi phí, cơ sở của chị Hằng đạt lợi nhuận khoảng 15 triệu đồng/tháng, tạo việc làm ổn định cho một số lao động.

Cơ sở của chị Hằng hiện đã trang bị hệ thống máy lọc, chiết, rót, khử andehyt, chum sành ủ rượu, thùng ủ rượu với quy trình sản xuất rất nghiêm ngặt, lấy chất lượng sản phẩm và lợi ích người tiêu dùng làm hàng đầu.

Để tạo thứ rượu sim thơm ngon, quả sim được thu hái tự nhiên, phân loại, loại bỏ những quả sim không đạt yêu cầu rồi rửa sạch, phơi khô. Sim dùng để ủ rượu là hồng sim, được thu hoạch khi vừa chín tới, sau đó cắt bỏ phần đầu, ướp chung với đường và ủ trong những chiếc lu đậy kín trong 40 – 45 ngày, tạo thành mật sim.

Mật sim sau khi thu được sẽ đem pha với rượu trắng theo tỷ lệ nhất định, phụ thuộc vào bí quyết của người sản xuất, sẽ cho ra loại rượu sim thơm ngon, sau đó lọc cặn, chiết rót vào chai. Rượu sim “Cao Hoàng” có vị ngọt, chua và hơi chát chát, nồng cay nhẹ, có vị thơm đặc trưng của sim.

Tạo vùng nguyên liệu ổn định

Thành phần đơn giản của rượu sim chỉ có trái sim rừng lên men và rượu trắng đã lọc, khử andehyt. Rượu sim được xem là thức uống hỗ trợ, tăng cường sức đề kháng cũng như hỗ trợ điều trị một số loại bệnh như tan sỏi, giúp kích thích ăn ngon hơn, ngủ tốt hơn, chống nhức mỏi cho người già, tốt cho những người ăn uống không tiêu, trúng thực. Dùng 1 – 2 ly rượu sim sau mỗi bữa ăn sẽ rất tốt cho sức khỏe.

Cơ sở của chị Hằng đang hoàn thành nhà xưởng và các thiết bị cần thiết đáp ứng vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng hoàn chỉnh và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng đạt tiêu chuẩn VietGAP…

Sản phẩm đang được giới thiệu và bán tại một số gian trưng bày tại Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ, chuỗi siêu thị sạch tại Tam Kỳ, cửa hàng trưng bày các sản phẩm OCOP, các cửa hàng bán đồ đặc sản phục vụ du lịch tại Đà Nẵng, chuỗi siêu thị An Phú Farm…

Chị Hằng hướng tới mở rộng thêm 200 điểm bán hàng là các cửa hàng thực phẩm sạch, mini mart tại các tỉnh thành và đẩy mạnh bán hàng qua mạng, xây dựng website: cskdcaohoang.com. Hiện giá bán sản phẩm rượu sim là 80 nghìn đồng/chai 500ml.

Để có nguyên liệu ổn định, chị Hằng đẩy mạnh liên kết sản xuất lẫn tiêu thụ. “Chúng tôi hướng tới mở rộng vùng trồng sim nguyên liệu, tạo điều kiện cho chị em phát triển kinh tế, tham gia vào chuỗi hệ thống sản xuất rượu sim, quảng bá và phát triển thương hiệu, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.

Thực tế, vùng gò đồi Nông Sơn rất phù hợp với cây sim. Cơ sở của tôi đang nỗ lực liên kết với một số hộ để trồng cây sim rừng phục vụ sản xuất với diện tích hàng chục héc ta.

Sim rừng là một loại cây có giá trị kinh tế cao, có thể chế biến ra nhiều loại thực phẩm khác nhau có lợi cho sức khỏe, đa dạng sản phẩm bản địa, nâng cao thu nhập cho người dân. Ngoài rượu sim, có thể chế biến mật sim, siro sim, kẹo sim, rượu vang sim” – chị Hằng chia sẻ.

Tác giả: Thu Trang

Comment here