Khởi nghiệpTin Quảng NamTin tức sự kiện

Chàng trai xứ Quảng biến những gốc, cây gỗ mục thành trang sức quý hiếm

Nhờ mối quan hệ và sản phẩm làm đẹp, bắt mắt, từ đó Tuấn đã có dịp “xuất ngoại” được nhiều sản phẩm của mình sang các nước như Anh, Đức, Mỹ, Canada,…

Lớn lên tại núi rừng, anh Nguyễn Trần Tuấn (SN 1987, thôn 2, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) thường cùng bạn bè thám hiểm những cánh rừng sâu, nhờ vậy, mà kiến thức về các loài gỗ quý, anh đều nắm trong lòng bàn tay. Từ đó, Tuấn đã chọn cho mình một con đường làm nên thương hiệu của núi rừng, đó là chế tác vòng tay phong thuỷ từ những loại gỗ rục, không còn giá trị của gốc mục huỳnh đàn, trầm hương,…

Làm nên thương hiệu từ những gốc cây, gỗ mục

Huyện Nam Trà My, Quảng Nam giờ đây đã là một địa danh không còn xa lạ với nhiều người, khi được cấp chỉ dẫn địa lý cho loài dược liệu quý giá nhất Việt Nam, đó là sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên, trước đây, nơi này khá hẻo lánh, là khu vực sinh sống của đồng bào Xê Đăng, Ca Dong,… người vùng xuôi lên đây chủ yếu để buôn bán, đưa sản phẩm ở đồng bằng lên rồi thu mua lâm sản vùng cao về.

Gia đình anh Nguyễn Trần Tuấn cũng vậy, anh theo cha mẹ lên đây định cư để thuận lợi cho việc làm ăn, thế nhưng, hơi thở của núi rừng tự lúc nào đã luồng sâu, bám chặt vào con người anh.

Chàng trai xứ Quảng biến những gốc, cây gỗ mục thành trang sức quý hiếm - Ảnh 1.

Chàng trai xứ Quảng Nguyễn Trần Tuấn bên những gốc cây, gỗ huỳnh đàn mục chờ sản xuất ra những sản phẩm quý giá làm trang sức. Ảnh: P.V

Tuấn thường cùng bạn bè thám hiểm những cánh rừng sâu, nhờ vậy, mà kiến thức về các loài gỗ quý, anh đều nắm trong lòng bàn tay. Năm 2005, người dân vùng xuôi săn tìm loài gỗ huỳnh đàn (còn gọi là sưa đỏ, quỳnh đàn,…) khắp các nẻo cao, vì một số đặc tính của quý hiếm và các quan niệm về phong thuỷ tích cực xung quanh loại gỗ này.

Lúc bấy giờ, Tuấn đã đi tìm hiểu và phát hiện cách nhà mình khoảng 20km có một cánh rừng huỳnh đàn cổ thụ, anh cùng người dân địa phương tìm kiếm những cây có nguy cơ ngã đổ để chế tác thành phẩm bán về vùng xuôi, cũng từ việc băng rừng đó mà Tuấn đã xây dựng được thương hiệu “Nù Huỳnh Đàn”.

Chàng trai xứ Quảng biến những gốc, cây gỗ mục thành trang sức quý hiếm - Ảnh 2.

Sản phẩm quý giá từ gỗ huỳnh đàn mục mà Tuấn đã chế tác bán khắp nơi trên địa bàn. Ảnh: P.V

Khi sách đỏ Việt Nam được công bố vào ngày 26/6/2008, bổ sung danh mục cây gỗ huỳnh đàn vào loại gỗ nhóm I, lực lượng chức năng đã thông tin, tuyên truyền và bảo vệ chặt chẽ hơn những cánh rừng huỳnh đàn, anh Tuấn nghiêm chỉnh chấp hành và vận động bạn bè, người quen tuân thủ đúng quy định mới.

“Tại thời điểm đó, chắc chắn mình không làm đồ nội thất từ huỳnh đàn được nữa, nên phải tìm hướng đi mới. Lúc bấy giờ, người dân các huyện Tiên Phước, Đại Lộc, Nông Sơn,… đang rộ lên trào lưu chế tác các sản phẩm phong thuỷ từ trầm hương để bán sang Trung Quốc.

Mình nhìn lại những gốc huỳnh đàn rục, gốc mục không còn giá trị và ý tưởng loé lên trong đầu là tại sao không làm các loại vòng tay, tượng phong thuỷ phù hợp với nguyên liệu còn dư. Vì nếu không tận dụng thì người dân ở đây cũng chỉ mang đi làm củi đốt…”, Tuấn chia sẻ.

Ươm giống và bảo tồn gỗ quý

Nghĩ là làm, anh nhập máy móc về chế tác ra các loại vòng tay đủ loại nhờ những gốc gỗ huỳnh đàn mục không còn giá trị. Khi huỳnh đàn được đưa vào “sách đỏ”, độ hiếm của loại gỗ này càng được nâng cao đến ngày nay. Đặc biệt hơn, cũng giống như trầm hương, huỳnh đàn được giới đại gia xem như một loại gỗ quý hiếm, thu hút và mang đến những điều may mắn trong cuộc sống và kinh doanh.

Chính vì vậy, những sản phẩm Nguyễn Trần Tuấn làm ra nhanh chóng được nhiều người ưa thích và biết đến rộng rãi. Chỉ trong một thời gian ngắn, sản phẩm của Tuấn đã xuất hiện trên hầu hết các tỉnh thành trong cả nước, mang về doanh thu từ 300 – 500 triệu đồng mỗi tháng.

Đặc biệt, nhờ mối quan hệ từ việc buôn bán đồ nội thất trước đây, anh quen với nhiều “đại gia”, và sản phẩm của Tuấn có dịp được “xuất ngoại” sang các nước như Anh, Đức, Mỹ, Canada,…

Chàng trai xứ Quảng biến những gốc, cây gỗ mục thành trang sức quý hiếm - Ảnh 3.

Để bảo tồn loại gỗ quý hiếm này, hiện nay Tuấn đã xây dựng vườn ươm giống huỳnh đàn để phục vụ sản xuất các loại sản phẩm quý giá từ loại gỗ này. Ảnh: P.V

Chị Trần Thị Ánh Tuyết (Việt kiều Anh) là một khách quen nhiều năm nay của anh Tuấn chia sẻ: “Chồng mình là người Anh, làm nghề bình luận viên thể thao, phải đi đây đi đó nhiều nên mình tặng anh ấy vòng tay huỳnh đàn để cầu bình an và may mắn. Tuy là người nước ngoài nhưng anh rất thích những sản phẩm phong thuỷ từ thương hiệu “Nù Huỳnh Đàn” của Tuấn và cũng thường xuyên đặt mua thêm, làm quà tặng cho bạn bè, đồng nghiệp”.

Hiện nay, Nguyễn Trần Tuấn đã phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm từ trầm hương để đa dạng hơn, phục vụ khách hàng được tốt hơn. Khi bắt tay vào làm nghề gỗ phong thuỷ, Tuấn đã nghĩ đến việc bảo tồn nguồn gen và phát triển nguyên liệu.

Năm 2017, trong khi vừa thu mua gốc gỗ mục huỳnh đàn trên những rẫy keo của người dân sau khi đốt thực bì, anh đã xây dựng vườn ươm giống huỳnh đàn của mình. Năng suất vườn ươm hiện tại ước đạt khoảng 5.000 cây mỗi năm. Ngoài cung cấp giống cây cho người dân, anh Tuấn còn chủ động trồng 1 vườn huỳnh đàn với gần 6.000 cây tại huyện Tiên Phước. Trong đó, cây lớn nhất đến nay đã được 5 năm tuổi, với đường kính gần 20cm.

Chàng trai xứ Quảng biến những gốc, cây gỗ mục thành trang sức quý hiếm - Ảnh 4.

Cây gỗ huỳnh đàn được Tuấn trồng trong vườn hiện đang phát triển tốt. Ảnh: P.V

“Mình đang kinh doanh mặt hàng phong thuỷ, thì bản thân mình phải sống có trước, có sau, chúng ta không thể tận thu, chặt gỗ rừng về rồi làm trang sức và bảo với người mang nó sẽ được may mắn. Như vậy là trái đạo lý, trái với phong thuỷ.

Tâm luôn hướng tới điều tốt đẹp thì mới chính là cốt lõi của phong thuỷ, vật phẩm chỉ là hỗ trợ, là niềm tin trong mỗi người. Hiện nay, nguồn nguyên liệu đã sẵn sàng, sắp tới mình sẽ phát triển thị trường hơn nữa, đặc biệt là thị trường trực tuyến để nhiều người biết đến thương hiệu Nù Huỳnh Đàn nhiều hơn…”, anh Tuấn nói.

Tác giả: Phan Vinh

Comment here