Sự kiện khởi nghiệp

Mang hương rừng ra phố

Vượt qua hơn 400 dự án khởi nghiệp cả nước, dự án “Cô gái Bh.nong – mang hương rừng ra phố” của chị Võ Thị Minh Nga – Giám đốc Công ty TNHH Minh Nga đã xuất sắc dành giải nhì Chương trình phát triển dự án khởi nghiệp quốc gia năm 2021 (tiền thân là cuộc thi khởi nghiệp quốc gia).

Sau nhiều năm khởi nghiệp, chị Võ Thị Minh Nga đã xây dựng được hệ sinh thái sản phẩm từ gạo lứt. Ảnh NVCC

Hệ sinh thái “Bh.nong”

Chị Võ Thị Minh Nga – Giám đốc Công ty TNHH Minh Nga, tác giả dự án “Cô gái Bh.nong – mang hương rừng ra phố” cùng với 6 dự án tiêu biểu cả nước đã tham gia vòng chung kết Chương trình phát triển dự án khởi nghiệp quốc gia qua hình thức trực tuyến.

Sau khi lần lượt lọt vô top 20 rồi top 10 và góp mặt ở vòng chung kết (top 6), dự án “Cô gái Bh.nong – mang hương rừng ra phố” đã đạt giải Á quân (giải nhì) của chương trình năm nay.

Chia sẻ về kết quả, chị Nga cho biết: “Vinh dự là đại diện duy nhất cho Quảng Nam tham gia cuộc thi mang tầm quốc gia và đi tới chặng đua cuối cùng với giải thưởng ngoài sự mong đợi. Xin cảm ơn tất cả sự ghi nhận và tình yêu thương dành cho Bh.nong – một doanh nghiệp xã hội”.

Chương trình phát triển dự án khởi nghiệp quốc gia do Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức, dưới sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI). Chương trình nhằm tìm kiếm, tôn vinh những dự án khởi nghiệp xuất sắc của các doanh nghiệp khởi nghiệp trên khắp đất nước.

Tại vòng chung kết, các thí sinh trình bày trực tuyến dự án của mình trong thời gian 5 phút, sau đó trả lời các câu hỏi của ban giám khảo đặt ra trong thời lượng 7 phút. Chị Võ Thị Minh Nga được ban giám khảo đánh giá cao về phần trình bày dự án trôi chảy, đảm bảo thời gian quy định trong 5 phút.

Chị Võ Thị Minh Nga với dự án “Cô gái Bh.nong – mang hương rừng ra phố”.

Chị Nga cho biết, năm 2017 rời TP.Hồ Chí Minh về quê khởi nghiệp, nhưng ngay năm đó gặp thất bại. Lý do là một hệ sinh thái các sản phẩm mang thương hiệu “Bh.nong” khá nhàm chán, bao bì không bắt mắt và đóng gói không tiện lợi, mô hình kinh doanh không mới, sản phẩm không giải quyết được nhu cầu khách hàng…

Không bỏ cuộc, Bh.nông đưa ra 3 giải pháp, trong đó căn cơ nhất là về sản phẩm – tổ chức chế biến chuyên sâu thành các sản phẩm mang tính tiện lợi, tiện dụng hơn, có bao bì đẹp và nhãn mác đẹp, cùng một hệ sinh thái đa dạng. Đồng thời tận dụng được nguồn nguyên liệu – gạo lứt baton ngay chính quê hương và bắt tay với người dân tộc thiểu số xây dựng nguồn nguyên liệu bền vững.

“Nỗ lực không ngừng, đến nay Bh.nong đã xây dựng được hệ sinh thái về gạo lứt đa dạng, mang đậm tính văn hóa vùng miền, đặc biệt là chú trọng các sản phẩm mang tính tiện lợi, tiện ích để làm sao khách hàng có thể cầm nắm, có thể sử dụng mọi lúc mọi nơi mà không tốn quá nhiều thời gian” – chị Nga cho biết.

Kiến tạo giá trị xã hội

Chị Võ Thị Minh Nga cho biết, năm 2020, Bh.nong phục vụ khoảng 42 nghìn lượt khách hàng, con số này năm 2021 khoảng 65 nghìn khách hàng. Với phương châm “Mang hương rừng ra phố”, đối tượng Bh.nong tập trung hướng đến là người thành thị, thu nhập khá trở lên; người quan tâm đến ăn uống thực dưỡng, healthy, gặp các bệnh lý về tiểu đường, thừa cân, béo phì…

Doanh thu hiện tại của Bh.nong chủ yếu đến từ phân phối qua các hệ thống đại lý và 20% còn lại là bán lẻ và gia công cho một số thương hiệu khác. Bh.nong hiện là hệ sinh thái gạo lứt vùng cao tiên phong trên thị trường với nguyên liệu độc đáo, mang đậm giá trị văn hóa vùng miền, sản phẩm được chế biến khá tiện dụng và phù hợp với xu thế tiêu dùng. Đội ngũ Bh.nong là những người trẻ, “bỏ phố về quê”, trải qua nhiều khó khăn trong quá trình khởi nghiệp của mình.

Chị Nga nói: “Với lợi thế của người từng làm truyền thông, báo chí, Bh.nong hoàn toàn có thể truyền tải được câu chuyện về văn hóa sản phẩm, giá trị sản phẩm một cách hiệu quả đến khách hàng. Bh.nong chủ trương không bán sản phẩm mà bán văn hóa sử dụng hệ sinh thái sản phẩm về gạo lứt”.

Năm 2021 ghi nhận những cột mốc đáng nhớ của Bh.nong. Tháng 6.2021, Bh.nong đã xây dựng được nhà máy tại thị trấn Tân Bình (Hiệp Đức) đạt các tiêu chuẩn ISO, HACAP, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đến tháng 11.2021, Bh.nong dành được giải nhất Cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Quảng Nam. Đến tháng 12.2021, Bh.nong đạt doanh thu 10 tỷ đồng. Đến nay, Bh.nong có hơn 200 nhà phân phối, đại lý khắp cả nước.

Mục tiêu của Bh.nong là phủ sóng hệ thống đại lý nhà phân phối; tháng 1.2022 sẽ xây dựng cửa hàng đầu tiên trong chuỗi cửa hàng Bh.nong. Đồng thời tiến hành cổ phần hóa nhằm huy động thêm sức người, sức của cho công ty vào năm 2022; từ đó có kế hoạch mở rộng nhà máy với diện tích khoảng 5ha và đạt doanh thu 50 tỷ đồng vào năm 2023…

“Với tinh thần khởi nghiệp không ngại khó, không ngại khổ, Bh.nong hy vọng không chỉ “Mang hương rừng ra phố”, mà những hạt lúa rẫy gạo lứt sẽ ra khắp thế giới trong thời gian ngắn” – chị Nga nói.

Xây dựng nhà máy để nâng tầm giá trị, nâng tầm nông sản, góp phần tạo việc làm cho người dân. Ngoài những mục tiêu đó, chị Nga còn hướng đến doanh nghiệp tạo tác động xã hội. Hằng năm công ty sẽ trích lợi nhuận từ sản phẩm để thực hiện các hoạt động từ thiện; cùng những người bạn thành lập quỹ từ thiện nuôi trẻ mồ côi trên cả nước…

Dự án Hapinut – Sợi ngọc xứ Quảng lọt vào top 10

Cùng với dự án “Cô gái Bh.nong – mang hương rừng ra phố”, dự án Hapinut – Sợi ngọc xứ Quảng của chị Kiều Bảo Hân (Đại Lộc) cũng xuất sắc lọt vào top 10 Chương trình phát triển dự án khởi nghiệp quốc gia năm 2021.

Đây là dấu ấn lớn của các đại diện Quảng Nam trong các lần tham gia sân chơi khởi nghiệp quốc gia này. Dự án của chị Kiều Bảo Hân dừng lại ở top 10 và tiếp tục được ban tổ chức đồng hành, hỗ trợ phát triển dự án.

Theo chia sẻ của chị Kiều Bảo Hân tại vòng bán kết (top 10), dự án kỳ vọng nâng tầm giá trị sản phẩm bún, mì trở thành đặc sản Quảng Nam. Đồng thời thương mại hóa sản phẩm với công nghệ làm khô nhưng vẫn giữ nguyên vị xứ Quảng đặc trưng.

Hapinut ra đời với mục tiêu phát triển các sản phẩm hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ (Organic) và phát triển bền vững. Ngoài ra cho ra đời hệ sinh thái sản phẩm sợi từ hạt gạo, làm giàu văn hóa ẩm thực Quảng Nam; đặc biệt là dòng sản phẩm mì Quảng ăn liền cao cấp không những tiện lợi mà còn có nhiều dinh dưỡng, giúp tôn vinh văn hóa ẩm thực con người Việt Nam vươn ra thế giới.

Mặt khác, Hapinut cũng nhắm tới xây dựng làng nghề, xây dựng văn hóa cho người dân xứ Quảng để làm giàu văn hóa ẩm thực địa phương; nâng cao năng suất sản xuất đặc sản bún, mì Quảng cũng như cải tiến công nghệ, giúp tăng năng suất và phát triển bền vững: bảo vệ môi trường, tiết kiệm nguyên liệu, nguồn nguôn nước vệ sinh.

Các sản phẩm của dự án đều được sản xuất và phát triển thương hiệu “Sợi ngọc xứ Quảng” trên hương vị, công thức truyền thống gia truyền, để nâng tầm giá trị đặc sản quê hương. Bởi hiện nay, đối với thị trường tỉnh Quảng Nam hầu như chưa có thương hiệu mì Quảng tươi nào đảm bảo chất lượng để thương mại cũng như phân phối rộng khắp.

Đối với sản phẩm mì Quảng khô thì chưa có đơn vị nào trên thị trường làm tốt và thương mại được. Đánh giá về tính rủi ro của dự án, chị Kiều Bảo Hân cho biết, Hapinut không đủ chi phí hoàn thiện công nghệ, vận hành cho sản phẩm cần cung cấp số lượng lớn mỗi ngày.

Mặt khác, Hapinut chọn việc lấy sản phẩm ngách là mì Quảng để xây dựng hệ sinh thái sợi từ hạt: phở, bún, miến đặc sản… Do đó, cần phải xây dựng tính đặc trưng và tạo sự khác biệt qua tính vùng miền, vị nguyên bản và giá trị câu chuyện thương hiệu của sản phẩm làm yếu tố cốt lõi.

Theo baoquangnam.vn

Tác giả: