Tin Quảng NamTin trong nướcTin tức sự kiện

Làng khởi nghiệp xứ Quảng

Ngày hội khởi nghiệp quốc gia – TechFest Viet Nam hàng năm đã trở thành nơi gặp gỡ của những ý tưởng sáng tạo – những ý tưởng điên rồ của những người đam mê khởi nghiệp Việt Nam. Tại các diễn đàn diễn ra trong khuôn khổ TechFest người ta thấy xuất hiện các gương mặt “quần rin, áo phông” trẻ trung, “bụi” một tí với các ngôn từ xưng hô với các đồng chí lãnh đạo như “đại ca”, “thủ lĩnh”,…

Cái chất “khởi nghiệp” ấy càng thể hiện rõ hơn tại Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia – TechFest Viet Nam 2017 được tổ chức từ ngày 13 – 15/11/2017 tại Thủ đô Hà Nội. Và, cái chất “khởi nghiệp” ấy lan tỏa, thấm đẫm trong lời phát biểu của Phó Thủ tướng Chính phủ – người thay mặt Thủ tướng ký quyết định ban hành Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (mà cộng đồng khởi nghiệp thường gọi theo số Quyết định: Đề án 844), khi Phó Thủ tướng không đứng tại bục phát biểu, mà đứng chính giữa sân khấu phát biểu. Một phong cách gần gũi, không giấy tờ khuôn mẫu, song rất chính xác, cụ thể, từ tốn nhưng rất đam mê, rực lửa… như hình ảnh rất quen thuộc của anh em khởi nghiệp khi trình bày thuyết trình ý tưởng của mình.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu Khai mạc. Ảnh Võ Văn Nghi

Kết nối khởi nghiệp từ Làng

Techfest Viet Nam 2017 với Chủ đề “ECOSYSTEM CONNECT – Kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp”, đã thu hút từ 4.000 đến 4.500 người đến tham dự, 200 doanh nghiệp khởi nghiệp, 130 nhà đầu tư và quỹ đầu tư quốc tế, 80 doanh nghiệp cùng các tập đoàn kinh tế lớn và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, đông đảo phóng viên các cơ quan báo chí trong và ngoài nước đến đưa tin về sự kiện.

Ban Tổ chức cho biết, Techfest 2017 có quy mô lớn hơn với nhiều điểm mới so với năm 2016. Không gian tổ chức được chia theo 6 lĩnh vực cụ thể dành cho các Làng khởi nghiệp, gồm có: Làng Các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Community village); Làng Công nghệ nông nghiệp (AgriTech village); Làng Công nghệ giáo dục (EdTech village); Làng Công nghệ Y tế (MedTech village); Làng Công nghệ du lịch và ẩm thực (Tourism and Food & Beverage village); Làng Công nghệ tiềm năng (Emerging Tech village) và Công nghệ tiên phong (Frontier and Fin Tech).

Các Làng khởi nghiệp sẽ xây dựng nội dung chương trình riêng trong từng lĩnh vực để thu hút các đối tượng tham gia (doanh nghiệp khởi nghiệp, nhà đầu tư, diễn giả, chuyên gia tư vấn…). Với nhiều hoạt động phong phú như hội thảo chuyên đề, cuộc thi tìm kiếm ý tưởng sáng tạo…, các Làng khởi nghiệp sẽ địa chỉ hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp và các nhóm khởi nghiệp.

Techfest VietNam 2017 còn có nhiều hoạt động quan trọng như: Chuỗi hội thảo chuyên sâu về đổi mới sáng tạo, kết nối đầu tư giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp khởi nghiệp, cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, triển lãm sản phẩm, dịch vụ khởi nghiệp đổi mới của các Làng khởi nghiệp, lễ tôn vinh doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Năm 2017 đánh dấu sự phát triển là lan tỏa mạnh mẽ của phong trào khởi nghiệp trong cả nước. Nhiều tỉnh và thành phố có hoạt động khởi nghiệp phát triển mạnh.

Phó Thủ tưởng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thăm các gian hàng giới thiệu ý tưởng sáng tạo. Ảnh BTC

Village – Làng, trong văn hóa người Việt, đó là nơi chôn nhau cắt rốn, nơi cất tiếng khóc chào đời. Và, nơi ấy, theo năm tháng, có thể lúc nào đó đi rất xa, bỗng nhớ về tuổi thơ gốc rạ, bờ tre,…Làng là hiện thân của cố kết cộng đồng, nơi chia xẻ và gánh vác. Ấy là nơi khởi đầu. Hẳn là có lý, khi Ban Tổ chức lấy từ Village – Làng tưởng rất xa xưa trong ký ức để gắn cho cái mới định hình hôm nay như để nói lên một điều tưởng rất xa vời, nhưng vô cùng giản dị: khởi nghiệp bắt đầu từ gốc như ta bắt đầu bằng tiếng khóc nơi làng quê xưa. Nhưng có lẽ, ý nghĩa cốt lõi cố kết, nương tựa “tối lửa tắt đèn có nhau” trong văn hóa Làng là nền tảng để Ban Tổ chức lấy để làm biểu trưng ý nghĩa cho Chủ đề  “ECOSYSTEM CONNECT”.

Quảng Nam kết nối khởi nghiệp quốc gia

Dẫn đầu cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo Quảng Nam tham gia Techfest VietNam 2017 là đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, người đam mê khởi nghiệp và sẵn sàng đến tận anh em để động viên, với phương châm: làm nhiều hơn bàn bạc, được anh em khởi nghiệp gọi bằng cái tên trìu mến: Thủ lĩnh khởi nghiệp xứ Quảng. Bỗng nhớ, nhiều lần, anh em khởi nghiệp Chu Lai – Núi Thành giới thiệu mình với tư cách Tổ trưởng Tổ Công tác Khởi nghiệp sáng tạo tỉnh lên phát biểu động viên mà hào hứng hô: Xin mời Đại ca khởi nghiệp Quảng “Nôm”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh (người đứng thứ 4, bên phải sang) tại Lễ Khai mạc . Ảnh: Võ Văn Nghi

Quảng Nam là địa phương bắt đầu khởi động Chương trình khởi nghiệp Quý I năm 2017. Bây giờ đã là cuối năm. Nhớ ngày họp đầu tiên nhận nhiệm vụ, anh em trong Tổ Công tác ngơ ngác nhìn nhau như…con nai vàng. Thôi thì, cứ đi sẽ đến; cứ băng rừng, tất sẽ dần dần có đường mòn và cứ dò đá qua sông. Quả thật, nguồn động viên lớn nhất là sự ủng hộ của Thủ lĩnh khởi nghiệp xứ Quảng và ngọn lửa của niềm đam mê đang bùng cháy. Tĩnh tâm nhìn lại, cũng thấy nhiều việc đã làm, như: Các yếu tố hình thành Hệ sinh thái khởi nghiệp đã được xây dựng, nhất là mạng lưới Câu Lạc bộ, không gian khởi nghiệp, công tác truyền thông, đào tạo, tập huấn; tổ chức các diễn đàn;….Các văn bản dần dần được định hình. Chỉ vài chữ như vậy, nhưng quả thật, cứ trung bình khoảng 10 ngày (kể cả ngày nghỉ) lại có một sự kiện cần phải làm. Mà để diễn ra một sự kiện thì các khâu chuẩn bị phải được “lật qua lật lại” và diễn ra trong hầu hết thời gian trước đó, chưa kể chuyện “gói ghém” lại sau khi kết thúc. Cứ thế, công việc nối nhau. Nói nôm na, cũng giống như câu chuyện chuẩn bị để lên mâm lên bát vậy.

Rồi đến câu chuyện, Quảng Nam lồng ghép Đề án 939 với Đề án 844 của Chính phủ về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và nay lại tiếp tục lồng ghép với Đề án 1665 của Chính phủ về hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp,…cũng là chuyện có nhiều ý kiến khác nhau. Có một sự nghi ngờ về cái sự “chông chênh” chăng? Không sao, cứ làm. Tháng 6 năm 2017, Quảng Nam tổ chức Diễn đàn “Sinh viên Quảng Nam với khởi nghiệp sáng tạo”; tiếp là tháng 8, Quảng Nam tổ chức các tập huấn “Phụ nữ Quảng Nam sáng tạo đồng hành cùng khởi nghiệp”,…Suy cho cùng, sự khởi nghiệp sáng tạo nào lại không bắt đầu từ khởi nghiệp và trên nền khởi nghiệp. Bây giờ thì rõ rồi, Chính phủ chỉ đạo “lồng ghép các hoạt động của Đề án với các chương trình, đề án hỗ trợ khởi nghiệp tại địa phương” (Đề án 1665).

Tổ Công tác và Hội LHPN tỉnh tổ chức tập huấn KNST cho cán bộ Hội Phụ nữ toàn tỉnh. Ảnh: Tư liệu

Cái được và chưa được với một công việc, mà công việc rất mới âu cũng là lẽ thường. Nhưng có lẽ, cái được nhất là cộng đồng khởi nghiệp Quảng Nam đã được kết nối với cộng đồng khởi nghiệp quốc gia, cả quốc tế nữa. Cái được thứ hai là dần dần định hình được cách đi cho riêng mình. Thiết nghĩ, cần nói rõ: cách đi riêng không phải là đi một mình.

Đoàn công tác khởi nghiệp sáng tạo Quảng Nam tại Hà Nội. Ảnh: Lê Duy

Nhiệm vụ khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam năm 2018 và có lẽ là các năm tiếp theo được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao nhiệm vụ trong phát biểu tại Lễ Khai mạc TechFest 2017 là: Thứ nhất, muốn khởi nghiệp được thì cần phải có vốn và phải có thật nhiều vốn, nhiều nhà đầu tư và các quỹ tham gia vào. Thứ hai, phải có cơ chế tài chính phù hợp – tức là cách Nhà nước vận hành các quỹ đầu tư. Thứ ba, thủ tục giấy tờ phải hợp lý, không làm khó cho doanh nghiệp. Thứ tư, là phải làm rõ, làm chặt về vấn đề bản quyền cũng như sở hữu trí tuệ.

Đó cũng là nhiệm vụ mà Quảng Nam đã khởi động suốt trong năm 2017 để đặt nền móng cho Kế hoạch xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, đúng như tinh thần Phó Thủ tướng chia xẻ “Hãy dũng cảm, đặc biệt sáng tạo trong khởi nghiệp và đừng lo lắng ý tưởng của mình lạc lõng hay sẽ thất bại, bởi không làm sẽ không có thành công. Và không ai thành công mà không thất bại“.

Làng khởi nghiệp xứ Quảng đã định hình trong Quốc gia khởi nghiệp.

Tác giả: