Tin Quảng NamTin tức sự kiện

Khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp: Nhiều trở lực

Chiều qua 22.10, Sở NN&PTNT phối hợp với Tổ Công tác hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh tổ chức diễn đàn “Khởi nghiệp nông nghiệp Quảng Nam – cơ hội & thách thức”. Diễn đàn đã thu hút nhiều ý kiến chia sẻ của các start-up.

Các sản phẩm từ khởi nghiệp nông nghiệp tham gia trưng bày tại diễn đàn. Ảnh: A.S
Các sản phẩm từ khởi nghiệp nông nghiệp tham gia trưng bày tại diễn đàn. Ảnh: A.S

Dư địa khởi nghiệp nông nghiệp lớn

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, mặc dù hiện nay Quảng Nam tập trung đẩy mạnh phát triển lĩnh vực công nghiệp – dịch vụ nhưng bên cạnh đó cũng đặc biệt chú trọng hỗ trợ phát triển lĩnh vực nông nghiệp theo phương thức hàng hóa và bền vững.

“Với mong muốn tạo cú hích mạnh cho lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn, UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT phối hợp với Tổ Công tác hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh tổ chức diễn đàn “Khởi nghiệp nông nghiệp Quảng Nam – cơ hội & thách thức” nhằm tiếp thu những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, những nhà quản lý, các doanh nghiệp và nhất là những bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp trên lĩnh vực nông nghiệp. Từ đó, tỉnh sẽ có cái nhìn tổng quan và đưa ra những cơ chế chính sách, giải pháp hữu hiệu nhất để tiếp sức cho những tập thể, cá nhân, đặc biệt là những người trẻ trong hành trình khởi nghiệp” – ông Thanh nói.

Ông Lê Ngọc Trung – Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, đến nay trên địa bàn tỉnh có 232 mô hình, dự án, hợp tác xã khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp (chiếm 72% tổng số các dự án khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh). Trong đó có hơn 30 hợp tác xã khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp tiêu biểu. Các ngành nghề khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đa dạng, từ trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất dược liệu, nuôi trồng chế biến thủy hải sản đến nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch, chế biến kinh doanh nông sản…

Ông Trung cho rằng, hiện nay nông nghiệp là lĩnh vực được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm với nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó có hỗ trợ cho khởi nghiệp nông nghiệp. Bên cạnh những điều kiện thuận lợi, Quảng Nam đã ban hành nhiều chính sách vượt trội về thu hút đầu tư nông nghiệp, nông thôn, trong đó có chính sách hỗ trợ cho khởi nghiệp nông nghiệp. Điển hình, Quảng Nam là một trong những tỉnh đầu tiên ban hành và triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

“Dư địa khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó kể cả du lịch nông nghiệp ở Quảng Nam còn rất nhiều; các doanh nghiệp lớn, các nhà đầu tư, nhất là những người con Quảng Nam thành đạt luôn đồng hành và hỗ trợ, tiếp sức cho cộng đồng khởi nghiệp nói chung, trong đó có khởi nghiệp nông nghiệp” – ông Trung nói.

Nhiều khó khăn

Nếu nói khởi nghiệp là cả quá trình đầy những thách thức thì khởi nghiệp nông nghiệp chứa đựng nhiều cam go, thách thức hơn hết. Vì nông nghiệp luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó có yếu tố chủ quan về thiên tai, dịch bệnh, thị trường…

Ông Lê Ngọc Trung cho rằng, sự hỗ trợ về kỹ thuật, khoa học công nghệ cho các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp chưa kịp thời, có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là thông tin kết nối giữa doanh nghiệp, hợp tác xã khởi nghiệp. Ngoài ra, phần lớn mô hình khởi nghiệp đầu tư kỹ thuật, khoa học công nghệ vào sản xuất chưa đồng bộ nên hiệu quả chưa cao. Một số dự án chưa thiết lập được kênh phân phối, chưa xây dựng được chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ. Phần lớn các bạn trẻ khởi nghiệp nông nghiệp rất khó khăn về vốn trong khi việc tiếp cận vay vốn rất khó. Trong khi đó, Quảng Nam còn thiếu hệ thống các nhà đầu tư thiên thần, đầu tư mạo hiểm cho nông nghiệp, thiếu hệ thống các chuyên gia hỗ trợ, các mentor trên nhiều lĩnh vực cho các dự án khởi nghiệp nông nghiệp.

Ông Lê Tùng Vương – đại diện Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Trường Thành (huyện Phú Ninh) cho biết, thời gian qua đơn vị chuyên sản xuất và cung ứng các mặt hàng rau củ quả sạch cho ít nhất 300 khách hàng lớn tại Tam Kỳ, Núi Thành, Đà Nẵng. Ông Vương cho biết, đơn vị tập hợp những người trẻ tuổi, ít kinh nghiệm và thiếu vốn. Trước nhu cầu khá lớn của thị trường, hợp tác xã có dự định mở rộng thêm 3,5ha đất trồng rau củ quả sạch nhưng trở lực lớn nhất lúc này là không có vốn. “Tôi mong muốn lãnh đạo UBND tỉnh và các ngành liên quan cần sớm quan tâm hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi để thời gian tới chúng tôi có điều kiện đầu tư mở rộng quy mô sản xuất” – ông Vương nói.

Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn – chủ trang trại chăn nuôi tổng hợp ở xã Tam Hiệp (Núi Thành), trong khởi nghiệp nông nghiệp, nguồn vốn chỉ là một phần nhỏ, ý tưởng khởi nghiệp và định hướng đầu tư mới là yếu tố quyết định. Chính vì vậy, các cấp ngành cần quan tâm hỗ trợ, tư vấn cụ thể cho những bạn trẻ trong việc lựa chọn hướng đi, đảm bảo phù hợp với xu hướng phát triển.

Còn anh Huỳnh Văn Thiện – chủ trang trại trồng hoa lan Mokara ở thôn Tây Sơn Tây (xã Duy Hải, Duy Xuyên) thì nhìn nhận, mặc dù thời gian qua ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương của tỉnh đã tập trung thực hiện dồn điền đổi thửa nhưng diện tích đất sản xuất vẫn còn quá manh mún, nhỏ lẻ. Đây là nguyên nhân chính khiến việc xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn chưa nhiều. Do vậy, những dự án cần diện tích đất sản xuất lớn gặp khó khăn trong việc thuê đất hoặc liên kết với nông dân tổ chức sản xuất hàng hóa…

Tác giả: