Khởi nghiệpTin tức sự kiện

Hành trình hồi sinh lụa Mã Châu của cô gái xứ Quảng

Cái tên Mã Châu lừng danh một thời ở xứ Quảng dần chìm vào quên lãng, mãi khi cô gái sinh ra từ vùng đất này dấn thân vào nghiệp dâu tằm, nghề dệt lụa của làng mới sống lại và dần phục hưng.

Chị Trần Thị Yến bên những tấm vải đang dệt. Ảnh: A.N

Sinh ra từ làng lụa Mã Châu ( khối Châu Hiệp, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam). Chị Trần Thị Yến (31 tuổi) đã quá quen thuộc với tiếng thoi đưa khung dệt của các bà, các mẹ.

Làng Mã Châu trước đây có hơn 300 hộ dân ươm tơ với 4.000 khung dệt lụa. Thế nhưng, khi tơ tằm Việt Nam trải qua giai đoạn khủng hoảng, thị trường xuất hiện nhiều loại vải, người dân làng lụa Mã Châu phải đau đáu với bài toán nan giải tìm đầu ra cho sản phẩm của mình. Để rồi, ai nấy phải lần lượt từ giã cái nghề ươm tơ dệt lụa. Duy chỉ có ba của chị Yến – Ông Trần Hữu Phương ( truyền nhân lụa Mã Châu đời thứ 18 ) vẫn quyết tâm bám trụ với nghề.

Dù có đói khổ đến đâu, ông Phương vẫn một lòng dốc sức cho làng lụa Mã Châu. Ảnh: A.N

Thương ba một đời gắn bó với tấm lụa quê hương, một phần không muốn nghề dệt lụa bị mai một. Chị Yến đã quyết định nghỉ công việc ngân hàng để cùng ba vực dậy làng lụa.

Chị Yến chia sẽ: “ Sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế Đà Nẵng, một ngân hàng đã nhận mình rồi nhưng sau khi ngồi nói chuyện với ba và nghe ba mình chia sẽ về lụa, mình đã quyết cùng ba theo đuổi con đường này ngay mà không đắn đo gì. Dù bước đầu chỉ là con số không và rất nhiều khó khăn phía trước”.

Bỏ lại mọi dự định và ước mơ sau khi ra trường, chị Yến theo chân ông Phương cùng các cô chú thạo nghề trồng dâu, dệt lụa trong làng để học hỏi. Từ đó, chuỗi ngày thức khuya, dậy sớm tập nuôi tằm lấy tơ bắt đầu.

Nuôi tằm ăn lá dâu để lấy kén kéo sợi tơ dệt vải của làng lụa Mã Châu. Ảnh: A.N

Dù chân yếu tay mềm, chị Yến không quản ngại ra ruộng dâu cắt cỏ, tỉa lá. Chị kể: “Muốn biết rõ hơn về lụa, trước hết phải học cách làm ra nó từ những cái căn bản đầu tiên. Người ta khởi nghiệp từ con số không, còn tôi bắt đầu khởi nghiệp lại từ con số âm vì hợp tác xã của ba tôi đang nợ hàng trăm triệu đồng”.

Tất cả mọi thứ về lụa, chị Yến đều ra sức học hỏi từ nguyên lí hoạt động của máy dệt, cách phân biệt sợi tơ đến các kỹ năng luộc kén, ươm tơ…Chị còn mang những tấm vải được dệt 100% sợi tơ tự nhiên đến nhiều cửa hàng ở Thành phố Hội An chào bán song chỉ nhận được những cái lắc đầu. Họ cho rằng đây là hàng giả vì nay làm gì còn lụa Mã Châu.

Sau gần nửa năm tìm hiểu, nghiên cứu và tập tành làm đúng quy trình sản xuất lụa, chị Yến như bị “thôi miên” bởi cái hồn của những dải lụa tự nhiên ấy. Cùng lúc đó, chị tìm ra câu trả lời về lý do lụa Mã Châu dần mai một. Chị Yến lý giải: “Trước kia, những người thợ ở đây chỉ dệt hàng thô, sau đó xuất bán đi các nơi. Từ hàng thô của mình, qua các công đoạn hoàn thiện như trụi mềm, nhuộm, in hoa văn…, người ta cho ra một sản phẩm lụa với thương hiệu khác chứ không phải lụa Mã Châu. Hẳn vì thế mà cái tên lụa Mã Châu dần trôi vào quên lãng”.

Dệt vải lụa Mã Châu từ 100% tơ tằm tự nhiên. Ảnh: A.N

Năm 2013, Chị Yến chính thức trở về làm việc tại Công ty TNHH lụa Mã Châu và xem đây là “cái nôi” tìm lại dư âm đời sống tơ lụa xưa. Bước đầu, cô gái trẻ thuyết phục cả công ty không xuất bán hàng thô nữa. Thay vào đó, các xưởng dệt được cơi nới thêm ra, khâu hoàn thiện sản phẩm, nhuộm và in hoa văn cũng được xúc tiến. Đặc biệt, chị Yến đứng ra làm marketing, định hướng người tiêu dùng nhận ra giá trị của dòng sản phẩm lụa 100% tơ tằm. Nhận trọng trách chìa vai gánh vác cả hướng đi của sản phẩm lụa Mã Châu, chị Yến buộc mình theo những đường quay tơ và không cho phép nó đứt nối thêm lần nào nữa.

Chị Yến tiếp tục mang vải đi chào hàng ở các thành phố lớn, hội chợ, gửi mẫu giới thiệu ở các cửa hàng và giới thiệu về lụa Mã Châu trên mạng xã hội. Chị Yến cũng tìm cách kết nối với một số nhà thiết kế trẻ, mời họ sử dụng lụa Mã Châu cho các sản phẩm thời trang.

Sau một thời gian khách hàng sử dụng, thấy chất lượng tốt nên vải được bán ra nhiều hơn, chị bắt đầu có thu nhập. Từ những sản phẩm tầm trung, khách tìm đến mặt hàng cao cấp hơn. “Đây là tín hiệu để phát triển”, chị Yến nói, cho biết từ lúc đó ngoài các khung dệt bằng gỗ truyền thống, chị đã đầu tư nhiều máy móc hiện đại để tăng chất lượng sản phẩm.

Lụa Mã Châu được du khách rất ưa chuộng. Ảnh: A.N

Chỉ trong bốn năm 2018-2022, chị Yến dùng hơn 10 tỷ đồng từ tiền lợi nhuận và vay mượn ngân hàng, người thân, để đầu tư nhiều máy móc hiện đại. Đó là công nghệ lập trình kỹ thuật số dệt hoa văn trên nền vải lụa tự nhiên cùng với hệ thống máy cán sấy định hình, nhuộm màu từ thảo mộc.

Hiện nay, mỗi tháng xưởng dệt cung cấp ra thị trường 3.000 mét vải, giá dao động 130.000 đồng đến 1,8 triệu đồng mỗi mét. Sản phẩm được các thương hiệu thời trang nổi tiếng đặt mua; nhiều doanh nghiệp đặt hàng theo mẫu mã riêng cũng được công ty đáp ứng. Sản phẩm được ưa chuộng giúp chị Yến đạt tổng doanh thu mỗi năm hơn 2 tỷ đồng.

                                                                 Lụa Mã Châu được nhà thiết kế nổi tiếng Lê Thanh Hòa sử dụng cho show thời trang của mình

Năm 2018, logo nhận diện tơ lụa Mã Châu ra đời. Cũng trong năm này, tổ chức KIPO, KIPA Hàn Quốc đã lựa chọn Mã Châu là thương hiệu duy nhất tại Việt Nam được bảo hộ thương hiệu toàn cầu. Năm 2021, sản phẩm khăn lụa Mã Châu được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao của Quảng Nam.

Ông Lê Thái Vũ – Phó Chủ tịch Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam chia sẻ, trong vòng 5 năm trở lại đây, cùng với các làng nghề tơ lụa, thổ cẩm nổi tiếng của Việt Nam như Bảo Lộc Silk, Vạn Phúc, Nha Xá, Mỹ Đức, Nam Cao…, làng lụa Mã Châu đã có sự bứt phá mạnh mẽ. Tại 5 mùa lễ hội “Văn hóa Tơ lụa, Thổ cẩm Việt Nam – Thế giới” diễn ra định kỳ hằng năm ở phố cổ Hội An, lụa Mã Châu được người yêu lụa trong nước và nước ngoài đặc biệt ưa chuộng.

“Đặc biệt, sự phát triển phồn thịnh của lụa Mã Châu trong những năm gần đây có sự đóng góp công sức, trí tuệ không nhỏ của Trần Thị Yến. Với tài năng và tình yêu da diết dành cho xứ lụa quê mình, tôi tin trong tương lai, Yến sẽ tiếp tục gặt hái thành công”, ông Vũ nói.

 

Tác giả: An Nhiên

Comment here