Dự án Khởi nghiệpTin Quảng NamTin tức sự kiện

Nuôi gà khởi nghiệp

Quyết chí làm giàu trên đất quê nhà, chàng trai Mai Văn Thuật (SN 1992, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành) không ít lần nếm thất bại… Nhưng mọi khó khăn không làm nản lòng chàng thanh niên này. Gầy dựng đàn gà, làm nấm bào ngư, sản xuất phân hữu cơ vi sinh… là hướng đi vững chắc trong bước đường đầu khởi nghiệp của Thuật.

Mô hình nuôi gà theo phương pháp bán chăn thả, áp dụng kỹ thuật đệm lót sinh học của anh Mai Văn Thuật - Ảnh: Thái Cường
Mô hình nuôi gà theo phương pháp bán chăn thả, áp dụng kỹ thuật đệm lót sinh học của anh Mai Văn Thuật. Ảnh: THÁI CƯỜNG

Muốn tự làm chủ công việc của mình, chàng trai trẻ Mai Văn Thuật đã nhiều lần tìm cách tận dụng mảnh đất vườn rộng 1,8ha để làm kinh tế.

Năm 2016, sau lần nuôi trùn quế kết hợp với bò không thành do non kinh nghiệm và ít vốn, anh Thuật chuyển hướng sang nuôi gà. 

Năm 2017, từ số vốn 3 triệu đồng, anh mua 200 gà kiến thùng nuôi thí điểm, sau 3 tháng dày công chăm sóc, anh xuất bán và thu lãi khoảng 7 triệu đồng. Nhận thấy việc nuôi gà phù hợp với điều kiện tại địa phương, anh Thuật mạnh dạn đầu tư 120 triệu đồng xây dựng hệ thống chuồng trại kiên cố với hệ thống máng ăn tự động và quạt gió để nuôi gà theo phương pháp bán chăn thả, áp dụng kỹ thuật đệm lót sinh học.

Tưởng chừng việc nuôi gà suôn sẻ, anh đầu tư mua 4.000 giống thả nuôi, khi gà tầm 2 tháng tuổi thì nhiễm bệnh và chết dần, khiến anh thiệt hại gần 180 triệu đồng. 

Điều quan trọng trong nuôi gà là chọn con giống có chất lượng cao - Ảnh: Thái Cường
Sau thất bại đầu tiên, anh Thuật rất chú ý khâu chọn con giống chất lượng cao. Ảnh: THÁI CƯỜNG

Sau lần thất bại, anh Thuật bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến kỹ thuật nuôi gà, nhất là việc lựa chọn con giống, anh Thuật chọn gà giống Dabaco để nuôi với số lượng lớn. Giống gà này có đặc điểm giống gà thả vườn nên đầu ra cho sản phẩm rất ổn định. Hiện tại, anh Thuật đã nhân đàn lên 7.000 con, nuôi trong 4 khu chuồng khác nhau. Trung bình, hơn 3 tháng anh bán đi một chuồng và tái đàn 3 lần, thu lời gần 500 triệu đồng/năm.

Việc nuôi gà bắt đầu ổn định, anh đầu tư thêm trại trồng nấm bào ngư xám rộng chừng 200m2. Với giá trung bình 45 nghìn đồng/ký, mỗi năm thu lời hơn 50 triệu đồng.

“Ngoài trồng nấm, trước đây tôi thu mua phân gà bán vào các tỉnh Tây Nguyên để kiếm thêm thu nhập. Làm nông nghiệp cần phải kết hợp nhiều việc khác để đảm bảo nguồn thu nhập thường xuyên và có vốn để tái sản xuất các loại khác thì mới mang lại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, nếu muốn thành công thì phải cần có quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng sự thích ứng và đặc tính của từng loại cây trồng, con vật nuôi gắn với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương” – anh Thuật cho hay.

Trồng thêm nấm bào ngư xám để tăng thu nhập và tận dụng phế phẩm nông nghiệp - Ảnh: Thái Cường
Anh Thuật trồng thêm nấm bào ngư xám để tăng thu nhập và tận dụng phế phẩm nông nghiệp. Ảnh: THÁI CƯỜNG

Để hạn chế tình trạng ô nhiễm và tận dụng phế phẩm nông nghiệp, anh Thuật đang nghiên cứu sản xuất phân hữu cơ vi sinh tận dụng phân gà và phôi nấm đã qua sử dụng. Anh Thuật cho biết, hiện tại lượng trâu bò phục vụ nông nghiệp đang có xu hướng giảm dần nên nguồn phân chuồng đang dần cạn kiệt. Trong khi đó, lượng chất đạm trong phân gà cao hơn so với các loại con vật nuôi khác, rất phù hợp cho việc trồng trọt của người dân.

Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khởi nghiệp sáng tạo Chu Lai – Núi Thành, anh Lê Văn Phải cho hay, mô hình khởi nghiệp của Thuật mang lại hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với đặc điểm của địa phương. “Thuật là thanh niên có ý chí vươn lên trong khởi nghiệp và rất nhiệt tình trong việc kết nối, hỗ trợ các anh em thanh niên khác đang có nhu cầu, ý định khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương” – anh Phải nói.

Tác giả: