Hiện nay, việc livestream bán sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội như facebook, tiktok … đã không còn xa lạ. Để tăng năng suất tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường thì trong Tuần lễ khởi nghiệp sáng tạo lần thứ 5 – TechFest Quang Nam 2024 vừa qua, Các Câu lạc bộ (CLB) như CLB Phụ nữ khởi nghiệp TP.Tam Kì, CLB Phụ nữ khởi nghiệp huyện Đại Lộc hay Hội Khởi nghiệp sáng tạo Duy Xuyên đã mở các phiên livestream bán hàng và đã tạo được hiệu ứng tích cực ban đầu.
Bán chéo sản phẩm, chia sẻ khách hàng cho nhau
Hiện nay, CLB Phụ nữ khởi nghiệp Tam Kỳ có khoảng 50 thành viên với hơn 120 sản phẩm, trong đó có gần 50 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Còn CLB Phụ nữ khởi nghiệp huyện Đại Lộc có 18 thành viên với hơn 70 sản phẩm, trong đó, có 25 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Cả 2 đơn vị có nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao.
Chị Bùi Thị Tuyết Nhung – Phó Chủ nhiệm CLB Phụ nữ khởi nghiệp TP.Tam Kỳ cho biết, vừa qua, đơn vị đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác lâu dài cùng CLB Phụ nữ khởi nghiệp huyện Đại Lộc. Theo đó, một nội dung rất quan trọng trong biên bản này là hỗ trợ nhau tiêu thụ sản phẩm. Ngoài hình thức là đại lý phân phối khi khách hàng có nhu cầu, 2 đơn vị sẽ tổ chức livestream bán sản phẩm chéo cho nhau trên nền tảng mạng xã hội.
” CLB Phụ nữ huyện Đại Lộc sẽ livestream bán các sản phẩm của chị em phụ nữ Tam Kỳ vào ngày 15 hàng tháng, đến ngày 30 thì CLB Phụ nữ TP.Tam Kỳ livestream bán các sản phẩm của chị em phụ nữ Đại Lộc. Và trong Tuần lễ khởi nghiệp sáng tạo lần thứ 5 – TechFest Quang Nam 2024 lần này, 2 đơn vị đã tiến hành phiên livestream đầu tiên, mở đầu cho hoạt động thường xuyên này” – chị Nhung chia sẽ.
Các sản phẩm của phụ nữ khởi nghiệp Tam Kỳ và Đại Lộc có nhiều nét tương đồng về tệp khách hàng, nên khi kết hợp bán chéo sản phẩm cho nhau, thành viên của 2 CLB khởi nghiệp sẽ có thêm tệp khách hàng nhiều hơn theo cấp số nhân.
Kết nối, lan tỏa sản phẩm địa phương
Trong khuôn khổ Tuần lễ Khởi nghiệp sáng tạo tỉnh lần thứ 5 – TechFest Quang Nam 2024, bà Phạm Thị Duy Mỹ – Phó Chủ tịch Hôi Khởi nghiệp sáng tạo Duy Xuyên cho biết, có 8 chủ thể tham gia phiên livestream. Có nhiều sản phẩm đặc trưng của địa phương được giới thiệu, quảng bá như chổi đốt Nhất Tuấn, nước mắm Lành, mắm nhĩ Cửa Đại, bột ngũ cốc Duy Oanh, thanh gạo lứt hạt và rong biển Duy Oanh…
“Sản phẩm của Duy Xuyên khá đa dạng, thích hợp với nhu cầu người tiêu dùng. Hy vọng các sản phẩm được tiếp cận trên nhiều nền tảng mạng xã hội để quảng bá sâu rộng hình ảnh, chất lượng, giá trị sản phẩm đặc trưng tới người tiêu dùng khắp mọi nơi” – bà Mỹ nói.
Tham gia phiên livestream,còn có Hội Bảo trợ người khuyết tật, quyền trẻ em và bệnh nhân nghèo huyện Duy Xuyên chào mời các sản phẩm như giỏ hoa, túi xách, gối tựa lưng.. do các hội viên khuyết tật làm ra.
Các phiên livestream như thế này đã tạo được hiệu ứng tích cực và là tiền đề để các chủ thể khởi nghiệp cùng nhau đầu tư bài bản, kết nối, lan tỏa sản phẩm của mình trên các trang mạng xã hội. Từ đó, thu hút được nguồn khách hàng, tiêu thụ được sản phẩm một cách nhanh và hiệu quả.
Tác giả: An Nhiên
Comment here