Báo cáo của Topica năm 2018 cho biết các khoản đầu tư vào các công ty khởi nghiệp Việt Nam đạt 889 triệu USD, cao gấp 3 lần so với Mỹ năm 2017, khoảng 291 triệu USD.
Sáng ngày 10/6, Diễn đàn Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (Vietnam Venture Summit 2019) đã được khai mạc. Đây là diễn đàn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ và Quỹ Đầu tư Golden Gate Ventures phối hợp tổ chức.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, được cộng đồng quốc tế nhìn nhận, đánh giá là một nền kinh tế năng động, hội nhập sâu rộng, cải cách và mở cửa ở khu vực.
Tuy nhiên, để đảm bảo một tương lai phát triển nhanh, bền vững, nhất là trong bối cảnh Cách mạng 4.0, Bộ trưởng nhấn mạnh Việt Nam cần tích cực cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm nâng cao năng suất, đồng thời coi đổi mới, sáng tạo là một động lực quan trọng, là chìa khóa của tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững.
Theo Bộ trưởng, nền kinh tế Việt Nam đã có những dấu hiệu cho thấy đổi mới, sáng tạo đã có những bước tiến đáng kể, góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế. Báo cáo của Topica năm 2018 cho biết các khoản đầu tư vào các công ty khởi nghiệp Việt Nam đạt 889 triệu USD, cao gấp 3 lần so với Mỹ năm 2017, khoảng 291 triệu USD.
Việt Nam được đánh giá là nơi có nguồn nhân lực công nghệ dồi dào, thị trường năng động, cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng.
Nhiều công ty khởi nghiệp có mức độ công nghệ và đổi mới sáng tạo cao, không lặp lại các mô hình và ý tưởng kinh doanh đã được triển khai ở các quốc gia khác. Nhiều công ty khởi nghiệp Việt Nam đang vươn ra khu vực và thế giới, nhận được đầu tư của nhiều dòng vốn quốc tế.
Theo Bộ trưởng, hiện Chính phủ đã và đang nỗ lực xây dựng và thực hiện nhiều chính sách, nhằm hoàn thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho đổi mới sáng tạo phát triển.
Tại Vietnam Venture Summit, Bộ trưởng Dũng cũng đưa ra 3 cam kết chính với cộng đồng các nhà đầu tư.
Thứ nhất, ông cam kết đối thoại và thảo luận thường xuyên với cộng đồng các nhà đầu tư mạo hiểm, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan liên quan triển khai xây dựng các giải pháp thích hợp, nhanh chóng giải quyết các khó khăn để khơi thông và không ngừng tăng cường dòng vốn vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Bộ cũng sẽ đúc kết kinh nghiệm tổ chức để Hội nghị trở thành sự kiện thường niên của cộng đồng các nhà đầu tư mạo hiểm.
Thứ hai, theo Bộ trưởng, thông qua Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia và các sáng kiến phát triển nguồn nhân lực và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, Bộ cam kết sẽ hỗ trợ giới khởi nghiệp để các startup có nhiều cơ hội tiếp cận các nguồn tài trợ đối với các startup đã được thẩm định, được kết nối và hỗ trợ của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước, để có điều kiện phát triển hơn và để cộng đồng các nhà đầu tư có cơ hội tiếp cận với nhiều cơ hội đầu tư chất lượng hơn.
Thứ ba là thông qua mạng lưới các tổ chức trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng cam kết hỗ trợ hết sức cho một cộng đồng đổi mới sáng tạo năng động, gắn kết và chất lượng cao ở Việt Nam và các nước để tất cả những người tham gia cộng đồng được có cơ hội học hỏi, nâng cao các kỹ năng tìm kiếm được các nguồn tài chính để có điều kiện phát triển, hoàn thiện ý tưởng công nghệ của mình, đặc biệt là các công nghệ chuyên sâu.
“Tôi hy vọng, sau nhiều năm nhìn lại chúng ta có thể nói rằng đây chính là thời điểm Việt Nam đạt được sự tăng trưởng vượt bậc về nguồn vốn đầu tư vào đổi mới sáng tạo, nhằm thúc đẩy năng lực sáng tạo của Việt Nam và đóng góp vào bước chuyển mình mạnh mẽ của nền kinh tế theo hướng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo”, Bộ trưởng nói thêm.
Tác giả: