Tin tức sự kiện

Bà đỡ cho các khởi nghiệp

Đứng trước nhiệm vụ nặng nề là cầu nối giữa Nhà nước và cộng đồng khởi nghiệp, sự ra đời của Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo TP.HCM sẽ hỗ trợ các start-up đi đúng định hướng phát triển kinh tế – xã hội của TP.HCM.

Với quyết tâm trở thành thành phố khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo dẫn đầu khu vực Đông Nam Á, TP.HCM đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo TP.HCM (Sihub) và giao trung tâm này cho Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM quản lý.

Theo đó, Sihub sẽ đóng vai trò là cầu nối giữa Nhà nước và cộng đồng khởi nghiệp với mục tiêu nâng cao năng lực, phát triển đúng định hướng phát triển kinh tế – xã hội của thành phố.

Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc điều hành Sihub, đồng thời là Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM (Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) chia sẻ với DOANH NHÂN góc nhìn về vai trò của Nhà nước trong hoạt động khởi nghiệp.

– Theo ông, ý tưởng nào để một cơ quan Nhà nước tham gia vào hoạt động hỗ trợ cho cộng đồng khởi nghiệp?

Khi phân tích các dự án khởi nghiệp thành công chúng tôi thấy rằng, luôn cần có một hệ sinh thái hữu ích hỗ trợ đằng sau đó. Nhưng sự tham gia của Nhà nước vào cộng đồng khởi nghiệp lại hết sức đặc biệt, đó là: không tham gia quá sâu, xác định đúng vị trí trong từng hành động và chỉ thực hiện vai trò kiến tạo cùng các hoạt động hỗ trợ.

Thực tế từ 5 năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã tham gia vào hoạt động khởi nghiệp, nhưng chỉ với hình thức hỗ trợ cho từng dự án cụ thể. Từ năm 2015, thành phố thấy rằng, cần có hệ thống mang tính bền vững hơn để hỗ trợ cho cộng đồng khởi nghiệp. Với việc cộng đồng khởi nghiệp hiện còn yếu về ý tưởng, thiếu tính sáng tạo, phát triển manh mún, chưa mang tính liên kết, cần có bàn tay Nhà nước hỗ trợ để phát triển bền vững. Hệ thống hỗ trợ cho hệ sinh thái khởi nghiệp trải dài trên rất nhiều lĩnh vực như nguồn lực tài chính, hạ tầng với phòng thí nghiệm, nhà xưởng, văn phòng… được cung cấp miễn phí, kết nối mối quan hệ và đào tạo. Nhà nước còn giúp định hướng các dự án khởi nghiệp vào các ngành công nghiệp trọng điểm như: chế biến lương thực thực phẩm, hóa chất – cao su, cơ khí và điện tử – công nghệ thông tin. Trên các nền tảng này mà Sihub ra đời.

Cách làm của Sihub trong thời gian qua đã bước đầu chứng minh có hiệu quả và đem lại niềm tin về một quyết sách đúng

– Vậy cách làm của Sihub có gì khác biệt?

Sihub đóng vai trò kết nối các thành phần như start-up, quỹ đầu tư, tổ chức quốc tế, các viện/trường, vườn ươm… nhằm tận dụng nguồn lực lẫn nhau, tạo ra sức mạnh cho cộng đồng khởi nghiệp, khắc phục các điểm yếu trước đây.

Sihub còn là đầu mối tiếp nhận các nguồn lực từ chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của Nhà nước, từ các tổ chức tài chính quốc tế, chương trình hợp tác trong và ngoài nước. Sau đó trung tâm sẽ giới thiệu, điều phối các nguồn lực để cộng đồng khởi nghiệp tiếp cận và triển khai, trên cơ sở lựa chọn những đơn vị chuyên nghiệp nhất, làm tốt nhất, đảm bảo sử dụng nguồn lực có hiệu quả.

Như vậy có thể hiểu, Sihub không làm việc ươm tạo start-up như các vườn ươm đang làm mà chủ yếu phân bổ các nguồn lực công cho các đơn vị chuyên môn để hỗ trợ nâng cao năng lực cho start-up. Chẳng hạn, start-up cần thực hiện các nghiên cứu sản phẩm, Sihub sẽ kết nối đến các viện/trường có phòng thí nghiệm đạt chuẩn và trả tiền cho các dịch vụ để start-up sử dụng. Hoặc Sihub sẽ thuê các đơn vị đào tạo cho start-up về cách tiếp cận thị trường, hoạch định chiến lược kinh doanh, xây dựng các chiến dịch tiếp thị… Đặc biệt, Nhà nước không ôm mọi thứ mà ủy quyền cho đơn vị khác, từ đó mới phát triển start- up hiệu quả và nhanh chóng được.

– Việc sử dụng các nguồn lực công để đầu tư cho start-up sẽ gặp các rào cản nào?

Về nguyên tắc, Sihub phải tuân thủ các quy định của Nhà nước và tất nhiên, quy trình giải ngân là rất khó khăn. Nhưng start-up không phải lo các chuyện đó vì Sihub sẽ hỗ trợ, đảm nhiệm lo thủ tục cho cộng đồng khởi nghiệp, cam kết mọi việc sẽ nhanh chóng. Trung tâm đảm bảo start-up sẽ tiếp nhận nguồn lực tài chính dễ dàng và chỉ thông qua “một cửa” là Sihub.

– Nhưng bất kỳ khoản đầu tư nào cũng phải có lợi nhuận, vậy Sihub sẽ kiếm lợi nhuận ra sao từ start-up?

Có 2 cách hiểu về vấn đề này. Sihub sẽ tiếp cận và đầu tư vào start-up ở những giai đoạn không ai dám hỗ trợ. Đây là thời điểm start-up đầu tư về mặt ý tưởng để hình thành nên sản phẩm. Ở giai đoạn này độ rủi ro cao, khả năng thu hồi vốn thấp. Nhưng đổi lại, nếu dự án thành công sẽ tạo ra những bước đột phá cho nền kinh tế cũng như tiềm năng tạo ra lợi nhuận lớn.

Nếu start-up phát triển đến giai đoạn thị trường chấp nhận sản phẩm, Sihub sẽ cùng góp vốn đầu tư theo dạng cổ phần. Khi start-up lớn mạnh thì Sihub thoái vốn, tích lũy lợi nhuận để tái đầu tư cho các start-up khác.

Cũng cần lưu ý rằng, Nhà nước sẽ không chạy đua với các quỹ đầu tư, tổ chức tài chính để đầu tư vào các start-up với mục tiêu đơn thuần là kiếm lợi nhuận. Về nguyên tắc, Nhà nước sẽ không làm hết những gì mà xã hội có thể đảm nhận được. Nếu quỹ đầu tư hỗ trợ tốt cho start-up, Nhà nước sẽ không cần tham gia.

– Vậy đâu là tiêu chuẩn để một start-up có thể tham gia vào Sihub?

Quá trình khởi nghiệp của một start-up trải qua nhiều giai đoạn, từ khởi điểm ý tưởng cho đến lúc phát triển thành doanh nghiệp. Và sự hỗ trợ của Nhà nước sẽ theo từng bước phát triển của start-up; cứ thành công qua mỗi công đoạn lại tiếp tục đầu tư, ngược lại thì sẽ dừng hỗ trợ.

Mọi start-up đều được chào đón đến Sihub mà không có sự phân biệt. Thậm chí ngay cả việc tiếp cận nguồn tài chính công, các start-up đều có cơ hội như nhau, miễn là đáp ứng được các tiêu chí, thang điểm, định hướng mục tiêu mà Nhà nước đặt ra.

– Mục tiêu Sihub đặt ra là khá tham vọng, vậy có khả năng đạt được hay không, thưa ông?

Quả thật mục tiêu Sihub đặt ra là khá cao trong giai đoạn từ 2016-2020, chẳng hạn hỗ trợ 2.000 dự án khởi nghiệp sáng tạo thông qua các hoạt động tư vấn, đào tạo, kết nối, ươm tạo. Thành thực mà nói, mục tiêu này là quá tầm tay nếu một mình Sihub tự làm, vì nếu nhìn sang các vườn ươm do Nhà nước quản lý thì cả chục năm chỉ ươm tạo được vài chục dự án. Tuy nhiên, cách làm của Sihub là giao các nguồn lực công cho các đơn vị chuyên môn để họ hỗ trợ ươm tạo các start-up và Nhà nước hi vọng sẽ hoàn toàn đáp ứng được mọi kỳ vọng, mục tiêu đặt ra.

– Vậy chiến lược phát triển trong tương lai của Sihub sẽ như thế nào?

Cách làm của Sihub trong thời gian qua đã chứng minh có hiệu quả và đem lại niềm tin về một quyết sách đúng của thành phố. Đó là tạo ra một cộng đồng khởi nghiệp hùng hậu thông qua kết nối các thành phần. Nguồn lực công được phân bổ đúng địa chỉ và đầu tư hiệu quả vào start-up. Trong tương lai, trên nền tảng căn bản này, Sihub sẽ mở rộng đầu tư, hợp tác để mang thêm nhiều lợi ích cho cộng đồng khởi nghiệp.

2.000 dự án khởi nghiệp sáng tạo sẽ được Sihub hỗ trợ từ nay đến 2020

Hiện nay, Sihub đang hợp tác rất mạnh mẽ với các tổ chức quốc tế hỗ trợ khởi nghiệp như: MBI, ADB, IPP, Tekes, USAID, UNICEF, SECO…, hay với các tổ chức tài chính như Dragon Capital, Hanwa, Lotus Fund… Có thể thấy rằng, sự hiện diện của đại diện Nhà nước trong cộng đồng khởi nghiệp đã giúp thu hút nhiều nguồn lực trong và ngoài nước, cũng như mở rộng hợp tác, kết nối với các tổ chức quốc tế nhằm có các nguồn tài chính, mở rộng thị trường, cơ sở hạ tầng để phục vụ cho cộng đồng khởi nghiệp.

– Qua quá trình làm việc, ông nhận thấy các start-up Việt có những thuận lợi nào và hạn chế ra sao?

Nhìn về ưu điểm thì các bạn được đào tạo bài bản, có tinh thần khởi nghiệp rất mạnh mẽ, cùng với đó là sự hỗ trợ tốt về mặt chính sách, có các cố vấn từ các viện/trường giúp đỡ nhiều về phát triển công nghệ.

Tuy nhiên, hạn chế là nhiều bạn không có trải nghiệm làm việc tại các doanh nghiệp hay tập đoàn lớn để triển khai các ý tưởng tốt, biết tận dụng công nghệ để phát triển sản phẩm. Ngoài ra, điểm yếu nữa là nắm bắt thị trường rất hạn chế, không tìm hiểu kỹ đối thủ nên sản phẩm đưa ra thị trường bị cạnh tranh khốc liệt hoặc chỉ vào được những phân khúc nhỏ.

Như trên đã nói, trước thực trạng này, sự ra đời của Trung tâm Sihub TP.HCM là vô cùng cần thiết và hữu ích cho sự phát triển bền vững của cộng đồng khởi nghiệp, với mục tiêu đưa TP.HCM trở thành thành phố khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.

– Xin cảm ơn ông!

Tác giả:

Comment here