TechFest Quảng NamTechFest Quảng Nam 2019Tin Quảng NamTin tức sự kiện

Phụ nữ khởi nghiệp, sáng tạo

Những năm gần đây, nhiều hội viên phụ nữ ở Duy Xuyên mạnh dạn xây dựng các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao. Từ đó, góp phần tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong việc kinh doanh, khởi nghiệp, vươn lên làm giàu chính đáng.

Chị Trần Thị Yến ở thị trấn Nam Phước nỗ lực đưa sản phẩm lụa Mã Châu ra thị trường. Ảnh: H.N
Chị Trần Thị Yến ở thị trấn Nam Phước nỗ lực đưa sản phẩm lụa Mã Châu ra thị trường. Ảnh: H.N

Là sinh viên năm 3 Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng, cô gái trẻ Dương Diễm My ở thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên) đã tìm hiểu, tiếp cận với văn hóa bản địa để phục vụ cho việc học và khám phá hướng đi mới để có thể khởi nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường. Từ Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, My nảy ra ý tưởng khởi nghiệp từ ẩm thực người Chăm. Nghĩ là làm, Diễm My đến Ninh Thuận tham quan, học hỏi văn hóa ẩm thực Chăm. Sau khi trở lại quê nhà, Diễm My cùng một số cộng sự thuê địa điểm cách di tích Mỹ Sơn khoảng 3km mở quán ẩm thực Chăm, giới thiệu đến du khách các món như canh chua lá me nấu thịt trâu, thịt dê, canh môn ngọt và nhông nướng… My chia sẻ: “Hiện quán chỉ phục vụ ẩm thực Chăm vào ngày Chủ nhật hàng tuần với lượng khách khoảng 15 – 20 người. Bước đầu, hầu hết du khách nước ngoài cảm thấy thích các món ăn dân dã này và trực tiếp tham gia vào việc nấu nướng. Về lâu dài, chúng tôi sẽ kết nối với các tour du lịch để có lượng khách ổn định thưởng thức loại hình ẩm thực này”.

Hiện nay, nhiều hội viên phụ nữ ở Duy Xuyên cũng mạnh dạn khởi nghiệp bằng nhiều cách làm hay. Như chị Trần Thị Yến (Nam Phước) với mô hình khôi phục và phát triển ngành nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa gắn với du lịch trải nghiệm làng nghề Mã Châu; chị Võ Thị An (Duy Vinh) với mô hình phát triển nghề tráng mỳ truyền thống của gia đình gắn với du lịch trải nghiệm hay việc thành lập hợp tác xã sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn Vietgap của chị Lê Thị Bích Liên (Nam Phước)… Bà Lâm Thị Vỹ – Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Duy Xuyên cho biết, các mô hình khởi nghiệp đã và đang có những đóng góp không nhỏ vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Nhiều tấm gương phụ nữ sản xuất – kinh doanh giỏi không chỉ mang lại lợi ích cho xã hội mà còn tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. “Để tạo điều kiện hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, Hội LHPN huyện đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề cho phụ nữ gắn kết chặt chẽ với việc giới thiệu, hỗ trợ tạo việc làm cho lao động nữ. Đồng thời mời các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong việc khởi nghiệp về nói chuyện, trao đổi nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cùng với hội viên phụ nữ” – bà Vỹ chia sẻ.

Cũng theo bà Lâm Thị Vỹ, để khơi nguồn sáng tạo cho phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh, thời gian đến các cấp hội phụ nữ Duy Xuyên sẽ tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động kết nối, hỗ trợ chị em khởi nghiệp tiếp cận các dịch vụ, nguồn lực và tăng cường khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay ưu đãi. Vì vậy, mỗi hội viên cần chủ động học hỏi, tự tin đổi mới, chấp nhận sự thay đổi để tạo ra sản phẩm, dịch vụ đáp ứng được nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường…

Tác giả: