Thực hiện chương trình công tác năm 2020, từ ngày 19 đến 20/02/2020, đoàn công tác Ban Điều hành Hỗ trợ Khởi nghiệp sáng tạo tỉnh do ông Phạm Ngọc Sinh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Trưởng Ban Điều hành đã có buổi làm việc với các huyện Đông Giang và Tây Giang để triển khai xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo cấp huyện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; khảo sát dự án khởi nghiệp trên địa bàn huyện.
Theo báo cáo, thực hiện Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 22/02/2019 của UBND tỉnh về đẩy mạnh xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh, đến nay, huyện Tây Giang và Đông Giang đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cấp huyện và đã thành lập Tổ Công tác Hỗ trợ KNST cấp huyện; triển khai hỗ trợ kết nối, phát triển các dự án khởi nghiệp và tham gia các hoạt động khởi nghiệp do tỉnh tổ chức.
Trao tặng sách về khởi nghiệp cho huyện Tây Giang
Đoàn công tác làm việc với UBND huyện Đông Giang
Sau khi nghe báo cáo và đề xuất của huyện, ý kiến phát biểu của các thành viên trong đoàn, thừa ủy quyền của UBND tỉnh, Trưởng Ban Điều hành Hỗ trợ KNST tỉnh đánh giá: công tác hỗ trợ khởi nghiệp của Đông Giang và Tây Giang được lãnh đạo quan tâm, lãnh đạo huyện tổ chức đối thoại với cộng đồng khởi nghiệp, nhiều dự án khởi nghiệp đã định hình và dần khẳng định cả về chất lượng sản phẩm và tiếp cận thị trường; tham gia tích cực công tác hỗ trợ KNST tỉnh và có dự án được UBND tỉnh công nhận là “Dự án khởi nghiệp cấp tỉnh năm 2019”. Trong thời gian đến, nhất là năm 2020 – năm tăng tốc dự án khởi nghiệp của tỉnh, ông Phạm Ngọc Sinh đề nghị: Đông Giang và Tây Giang cần tập trung quan tâm đẩy mạnh công tác hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn huyện, xem đây là nội dung trọng tâm, đột phá trong Báo cáo chính trị của Đảng bộ huyện sắp đến. Về nhiệm vụ cụ thể, Ban Điều hành Hỗ trợ KNST tỉnh lưu ý: đề nghị đồng chí Chủ tịch UBND cấp huyện phân công một đồng chí trong Thường trực UBND cấp huyện trực tiếp theo dõi, chỉ đạo triển khai xây dựng và thực hiện Hệ sinh thái trên địa bàn; thành lập Tổ Công tác Hỗ trợ KNST cấp huyện; đẩy mạnh công tác tuyên truyển, phổ biến và nâng cao nhận thức, kỹ năng về tạo lập, xây dựng Hệ sinh thái; xem xét, đánh giá tuyển chọn các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn, khởi nghiệp từ sản phẩm thế mạnh của địa phương và tham gia xét chọn, công nhận dự án khởi nghiệp sáng tạo cấp tỉnh; quan tâm đào tạo chuyên môn cho các dự án khởi nghiệp, cho các cá nhân có nguyện vọng tham gia khởi nghiệp và làm việc với các startups để tháo gỡ khó khăn, xem xét nguyện vọng, kiến nghị của startups; nghiên cứu tổ chức Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo từng huyện hoặc liên huyện trên cơ sở kết hợp hoạt động khởi nghiệp của thanh niên, nông dân, phụ nữ, sinh viên, học sinh THPT trên địa bàn; kết hợp hoạt động trưng bày, quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu của địa phương để kết nối các nhà đầu tư, các chuyên gia khởi nghiệp nhằm phát triển Hệ sinh thái, dự án khởi nghiệp của địa phương mình; tổ chức xây dựng Câu Lạc bộ Khởi nghiệp sáng tạo theo mô hình tự nguyện; tuyển chọn cán bộ, doanh nhân, giáo viên, các startups trên địa bàn đam mê, có khả năng thuyết trình, am hiểu để gởi tham gia các khóa đào tạo chuyên gia tại chỗ/ giảng viên nguồn để phục vụ cho công tác hỗ trợ xây dựng Hệ sinh thái của địa phương mình trước mắt và lâu dài; vận động lập Quỹ, tổ chức vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện tham gia đóng góp xây dựng Quỹ của huyện mình.
Tác giả: