Tin Quảng NamTin tức sự kiện

Những câu chuyện khởi nghiệp của các nữ trẻ startup

Khởi nghiệp được bắt nguồn từ những ý tưởng có tính đột phá và khác biệt trong nhiều lĩnh vực, nhiều hoạt động của đời sống xã hội,… Tuy nhiên, để khởi nghiệp thành công, mang lại những giá trị cho cuộc sống, không nhất thiết là phải khởi nghiệp bằng những ý tưởng quá lớn lao hoặc cao xa, mà có thể khởi nghiệp từ những công việc rất gần gũi, thiết thực, phù hợp với những gì mà xã hội đang cần.

Xuất phát từ thực tiễn đó, các bạn nữ trẻ startup dưới đây đều có chung  niềm đam mê, sức sáng tạo và năng động đã tạo lập cho riêng mình con đường khởi nghiệp, các bạn còn là một trong số 20 dự án được Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam công nhận và công bố ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo cấp tỉnh năm 2019, một số bạn được Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Bộ KHCN cấp giấy Chứng nhận đã tham gia Dự án Ngày Hội khởi nghiệp ĐMST Vùng Tây nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ năm 2019 tại Lâm Đồng.

1.Tìm hướng đi để khởi nghiệp từ món ăn của Mẹ

Thời gian gần đây tại các cuộc triển lãm, trưng bày hàng nông sản trong và ngoài tỉnh, có một sản phẩm “Hương bột- phát triển cùng nông dân”, đó là sản phẩm khởi nghiệp của cô gái trẻ Nguyễn Thị Hương, còn gọi là “Hương bột” ở khối phố 6, phường Vĩnh Điện, TX. Điện Bàn. Được biết, ngày trước trên cơ thể Hương xuất hiện nhiều khối u nên Mẹ lo và thương cho con gái. Hằng ngày Mẹ Hương tần tảo trồng các loại đậu quanh vườn hái phơi khô, rang chín rồi xay thành bột bổ sung thêm dinh dưỡng cho Hương. Cứ thế, mỗi ngày Hương đều uống ngũ cốc từ tay Mẹ, nhờ đó sức khỏe Hương dần khá lên, da hồng hào, căn mịn, cân nặng theo đó cũng tăng. Và từ đó Lê Thị Hương nảy sinh lấy món ăn của Mẹ để làm ý tưởng khởi nghiệp.

Mục tiêu đầu tiên mà Hương hướng đến chính là đem lại sức khỏe cho bản thân và người tiêu dùng. Với thông điệp “gói ghém yêu thương” từ món ăn của Mẹ, sau một thời gian làm thử nghiệm, năm 2015 Hương cho ra sản phẩm ngũ cốc mang thương hiệu “Hương bột” được nhiều người tin dùng. Bột ngũ cốc của Hương đầy đủ các loại đậu đen xanh lòng, đậu đỏ, đậu trắng, đậu nành, mè đen, hạt sen, đậu ngự, gạo lức, hạnh nhân, lúa mạch và những loại hạt được thu mua tại địa phương… (gạo lức được thu mua từ người dân ở huyện Bắc Trà My). Đặc biệt, tất cả công đoạn từ chọn hạt, rang hạt, thiết kế bao bì, nhãn mác,… đến đóng gói đều một tay của cô gái trẻ.

  Lê Thị Hương với những sản phẩm của mình

Cơ sở sản xuất sản phẩm xanh Hương bột- mỗi tháng cho ra thị trường hơn 100kg bột ngũ cốc, giá bán 200.000 đồng/kg (tùy loại). Ngoài bột ngũ cốc, thời gian gần đây Hương còn có các sản phẩm như: trà đậu rang mộc, muối rang lá chanh sả ớt, đặt biệt sản phẩm muối rang của Hương được nhiều khách hàng ưa chuộng. Hương cho biết, khó khăn hiện nay để duy trì khởi nghiệp đó là vốn; còn về quá trình chế biến, để rang được mẻ đậu ngon phải rang đi rang lại và phải đổi mẻ rang liên tục thì đậu mới thơm, ngon. Đến nay, sản phẩm của Hương đã có mặt trên các thị trường Điện Bàn, Hội An, Tam Kỳ, TP.Đà Nẵng, TP.HCM, một số khách hàng còn đặt lượng lớn bột ngũ cốc gửi biếu người thân ở nước ngoài. Trên trang facebook cá nhân, Hương chia sẻ ”Bao năm đèn sách, bao năm ngồi văn phòng Hương nhận ra một điều rằng ánh mặt trời chứa nhiều vitamin D hơn là máy điều hoà”…

  1. “Trên con đường chạy đua không giành cho những người bỏ cuộc giữa chừng”…

Đó là câu nói của Cơ Lâu Lanh – cô gái Cơ Tu ở làng Pà Zíh, xã A Ting, huyện Đông Giang.

Được cử tuyển vào Trường Đại học Khoa học Huế, năm 2013 sau khi tốt nghiệp chuyên ngành báo chí, Cơ Lâu Lanh về làm cán bộ Văn phòng Huyện ủy Đông Giang. Năm 2016 cô là đại biểu trẻ tuổi trúng cử vào HĐND huyện Đông Giang, nhiệm kỳ 2016 – 2021. Với tính cách tự tin, trong công việc Lanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhiều năm liền là gương mặt trẻ tiêu biểu của địa phương. Nhưng vào những tháng cuối năm 2019, Lanh là một trong những người có tên trong danh sách về việc làm đối với con em người đồng bào dân tộc thiểu số về chính sách cử tuyển, nên không được địa phương tiếp tục bố trí công tác; ở tuổi 30 Lanh đã tự mình lập nên một dự án khởi nghiệp và ra đời mô hình lưu trú có tên “Nấm – homestay”.

Cô chủ nhỏ Cơ Lâu Lanh cho biết về ý tưởng khởi nghiệp bằng mô hình homestay của mình do cô nghĩ ra và tự tư vấn, thiết kế… Một buổi sáng ở ngọn đồi A Rê, giữa khung cảnh nên thơ dưới vệt nắng đầu xuân lại nhô lên một vài không gian nhà lá, thoáng nhìn quanh một vòng homestay của Nấm (Cơ Lâu Lanh), bốn nhà sàn được đặt ở 4 góc chênh vênh phía đỉnh đồi, nối nhau bằng bậc tam cấp trông khá độc đáo và ấn tượng. Lanh nói: dự định  đầu năm 2020 này, nếu nhận được nguồn kinh phí của nhà đầu tư sẽ làm thêm căn nhà mới và mở rộng thêm một số hạng mục, kết nối theo tour du lịch khép kín, nhằm phục vụ tốt hơn cho du khách.

Khách đến với Nấm-homestay, ngoài việc lưu trú tại không gian nhà sàn truyền thống và tham quan, trải nghiệm du lịch sinh thái, còn được thưởng thức các món ẩm thực đặc sản của người Cơ Tu do chính tay a ma, a mế, a ti (bố, mẹ, em) làm mang đậm hương vị của núi rừng như bắp nướng, khoai nướng, ếch nướng, cơm lam, rau rừng, các loại cá suối, thịt heo, gà bản địa vv… Đặc biệt nhất là những đêm lửa trại, du khách thỏa mình trong điệu múa tung tung za zá (còn gọi là vũ điệu dâng Trời) của người Cơ Tu đầy quyến rũ. Mẹ Lanh – bà PơLoong Ch’Riếc cho biết, để đảm bảo cho công việc của con vợ chồng bà cũng đã thường xuyên bên con để động viên, có lúc cùng con lên nương, rẫy hái cái rau rừng, bắt con cá suối, kiếm thêm củ sắn, phụ con nấu nướng, tiếp đón khách và chế biến các món ăn theo thực đơn của khách,…

                                                                         Khách đến với Nấm-homestay trong những ngày tháng 2/2020

Vốn là dân báo chí nên Lanh vận dụng mạng xã hội facebook để giới thiệu và quảng bá cho dự án của mình. Những video clip tự biên được cô chia sẻ, thu hút sự quan tâm của bạn bè, đồng nghiệp, du khách gần xa. Những ngày đầu Xuân canh Tý 2020 khách đăng ký lịch tham quan, trải nghiệm khá nhiều, ngoài khách ở trong tỉnh và khu vực lân cận như TP.Đà Nẵng, Huế, còn có một vài đoàn đến từ TP. Hồ Chí Minh.

  1. “Người ta làm được, mình cũng làm được”

Câu nói ấy của chị Hồ Thị Mười (còn gọi là Mười Cường) thôn 1, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My.

Ý nghĩ kinh doanh đã quanh quẩn trong đầu cô gái Ca Dong vốn sớm biết tính toán. Tốt nghiệp trung cấp tài chính – kế toán trước khi vào làm ở Trạm Khuyến nông huyện. Mười thấy nhiều người miền xuôi đến vùng đất Tắk Pỏ quê mình kinh doanh, buôn bán ai cũng khá giả, giàu có, Mười tự hỏi tại sao mình không buôn bán, kinh doanh? Thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất Nam Trà My mình cây Ngọc Linh và nhiều loại dược liệu quý hiếm mình phải cố làm mới có được… Rồi Mười quyết định: “Người ta làm được thì mình cũng làm được”; sau một thời gian suy nghĩ, tìm kiếm một loại hình kinh doanh vừa có lợi cho dân làng , vừa phù hợp với điều kiện của bản thân, gia đình. Từ những chuyến công tác, Mười nhận ra vùng dược liệu Ngọc Linh rất phong phú về chủng loại, mà loại cây dược liệu nào cũng tốt về chất lượng, như cây sâm nước, sâm cau đỏ, hồng đẳng sâm, sơn tra, giảo cổ lam, ngũ vị tử, chè dây, khổ qua rừng… Và còn có thêm một số dược liệu người dân trồng nhưng chưa có đầu ra, bị người mua ép giá; Mười lên mạng tìm kiếm thông tin, thị trường rồi lập trang web, Facebook và bắt đầu làm công việc kinh doanh từ năm 2013.

Ít vốn, lại chưa rành việc buôn bán, nhưng Mười quyết phải làm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nhờ người có chuyên môn tạo mẫu bao bì cho từng loại sản phẩm, vài năm nay lượng hàng của Mười bán ra cứ tăng dần, vừa bán sỉ vừa bán lẻ. “khách cũ giữ được, khách mới có thêm”; đặt biệt nhất là từ khi huyện Nam Trà My có phiên chợ Sâm núi Ngọc Linh từ ngày 01 đến ngày 03 hằng tháng, thì dược liệu và nông sản đặc trưng của Mười có lượng mua khá lớn khiến cho một số du khách tới sau phải nuối tiếc. 

                Cửa hàng của Hồ Thị Mười tại phiên chợ Sâm Ngọc Linh hằng tháng

Để có được nguồn dược liệu đạt chất lượng, Mười đã đến tận các bản làng hướng dẫn bà con cách trồng, chăm sóc, thu hái, phơi khô và bảo quản từng loại. Nhờ biết tính toán, làm ăn, năm 2016 Mười đã chi cả trăm triệu mua thiết bị máy móc để cho ra nhiều sản phẩm bắt mắt.  Mỗi năm Mười được huyện, tỉnh cử tham gia các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh. Tháng 3 năm 2018 Mười là được tham gia Hội chợ giới thiệu sản phẩm – dịch vụ chất lượng cao Asean tại Singapore. Tại đây, cơ sở sản xuất Mười được Ủy ban Tổ chức đánh giá và truyền thông về sản phẩm dịch vụ chất lượng cao Asean tại Singapore, Mười vui mừng với cái chứng chỉ công nhận và cúp lưu niệm được nhận từ ban tổ chức. Và cũng từ sự kiện đó, đã tạo hiệu ứng lan tỏa về uy tín của cơ sở sản xuất Mười Cường.

Nhìn nước da ngăm đen nhưng trên môi lúc nào cũng nở nụ cười tươi, duyên dáng, Mười cho tôi biết:Trong hai  năm gần đây (2018,2019), được sự quan tâm của các cấp chính quyền, Hội, đoàn thể Mười được nhiều tổ chức mời dự các sự kiện giao lưu, hợp tác kinh tế ở một số nước như Malaysia, Indonesia, Singapore. Đối với trong nước, Mười cũng đã được mời tham dự nhiều sự kiện, diễn đàn lớn nhưng ấn tượng nhất là được dự Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam 2018 với chủ đề “Việt Nam – Đối tác kinh doanh tin cậy: Kết nối và sáng tạo”./.

Tác giả: