Đó là một trong nhiều sản phẩm của dự án sản xuất thực phẩm từ khoai lang vùng đất cát ven biển, vừa đoạt giải nhất cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp” năm 2023 do Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Núi Thành tổ chức.
Dự án sản xuất thực phẩm từ khoai lang vùng đất cát ven biển với sản phẩm chính là bánh phồng khoai lang rau củ do chị Phạm Thị Thu Thủy (thôn Ngọc An, xã Tam Tiến) làm chủ được hình thành từ thực tế tại vùng đất cát ven biển. Từ bao đời nay, người dân Tam Tiến trồng khoai lang trên đất cát ven bờ sông Trường Giang.
Cuối năm, bắt đầu xuống giống trồng khoai và thu hoạch vào tháng 4 – 5 nắng nóng. Giống khoai lang sinh trưởng trong môi trường đất cát nên hương vị rất riêng, nhất là giống khoai lang trùi và một thời khoai là món ăn chính thay cơm của người dân làng chài Tam Tiến. Khoai lang phơi khô cũng chính là lương thực dự trữ cho mùa mưa bão của người dân nơi đây.
Chị Thủy kể: “Trước đây, khi còn đi làm công tác văn phòng, tôi kiếm thêm thu nhập bằng cách bán online các mặt hàng nông sản của Tam Tiến như khoai lang khô, khoai chà và làm các loại bánh, chè từ củ khoai, củ sắn (người dân nơi đây gọi là khoai xiêm).
Năm 2020, dịch bệnh bùng phát, cuộc sống khó khăn, tôi tập trung đầu tư chế biến nhiều sản phẩm truyền thống từ khoai lang như khoai lang khô (khoai xéo), khoai chà, rồi sáng tạo các sản phẩm mới lạ từ củ khoai lang với mong muốn tăng giá trị củ khoai lang vùng đất cát ven biển. Từ đó, tôi hình thành ý tưởng dự án sản xuất thực phẩm từ khoai lang vùng đất cát ven biển với sản phẩm chính là bánh phồng khoai lang rau củ”.
Chị Thủy đã tiến hành xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị. Hiện tại, cơ sở của chị có 1 khu sản xuất rộng 30m2 được chia thành các phòng sản xuất và phòng đựng thành phẩm cùng với trang thiết bị máy móc như lò sấy, máy đánh bột, máy xay, nồi nấu công suất và dụng cụ làm thủ công cho đến khâu đóng gói, bao bì.
Theo chị Thủy, sự khác biệt của sản phẩm từ khoai lang vùng đất cát ven biển là không chất bảo quản, không hương liệu hóa học; nguyên liệu chính là khoai lang được trồng trên đất cát ven biển có vị ngọt bùi rất riêng và áp dụng công nghệ tạo ra dòng bánh khác lạ tại địa phương, chưa ai làm. Bánh phồng của cơ sở, người ăn chay – mặn đều dùng được và nhất là đối với người bị tiểu đường nhờ lượng calo thấp có thể giảm lượng đường trong máu.
Quy trình sản xuất sản phẩm không quá phức tạp và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Khoai lang được mua trực tiếp từ ruộng của người dân về ở dạng củ tươi. Sau đó, nhân công tiến hành tách vỏ, hấp khoai, nghiền nhuyễn, thêm thành phần khoai xiêm (khoai mì, sắn).
Sau đó làm theo quy trình riêng của cơ sở để tạo ra những lát bánh khoai đẹp mắt. Cuối cùng là đem sấy khô, chuyển qua khu thành phẩm đóng gói và đưa ra thị trường. Dự kiến giai đoạn đầu dự án, doanh thu 6 tháng đầu năm là 600 triệu đồng, trừ chi phí 540 triệu đồng, còn lãi 60 triệu đồng. Trong 6 tháng tiếp theo, doanh thu 800 triệu đồng, trừ chi phí 650 triệu đồng, còn lãi 150 triệu đồng.
Bà Trần Thị Bích Lài – Chủ tịch Hội LHPN xã Tam Tiến cho biết, tuy về quy mô còn khiêm tốn nhưng đây là dự án mới lạ tạo dòng sản phẩm đặc trưng của vùng cát Tam Tiến, mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình, phát triển sản phẩm bản địa của vùng đất cát ven biển Tam Tiến và lan rộng ra các vùng ven biển lân cận. Qua đó, tạo công việc cho lao động địa phương, đặc biệt là phụ nữ, góp phần phát triển sản phẩm nông nghiệp, duy trì vùng trồng khoai truyền thống trên đất cát vùng bãi ngang ven biển Tam Tiến.
Tác giả: TRÚC VĂN - nguồn Báo Quảng Nam (PHAN VINH tổng hợp)
Comment here