(ĐCSVN) – Quảng Nam hướng đến nội dung thực chất của hỗ trợ khởi nghiệp, tạo nên tinh thần khởi nghiệp. Tinh thần khởi nghiệp phải được dựa trên sự cam kết đồng hành của Chính phủ và phát huy vai trò của lực lượng doanh nhân thành đạt…
(ĐCSVN) – Bên lề các hoạt động Kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành khoa học và công nghệ (1959-2019); Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp miền Trung – Tây Nguyên và Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Quảng Nam, lần thứ Nhất năm 2019 – TechFest Quang Nam 2019 đang diễn ra tại tỉnh Quảng Nam từ ngày 16 đến 18/5, phóng viên đã có cuộc trao đổi với đồng chí Phạm Ngọc Sinh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Tổ trưởng Tổ Công tác Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Quảng Nam về những chủ trương và kết quả công tác khởi nghiệp tại địa phương này. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:
Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, xin đồng chí cho biết những chủ trương và kết quả công tác khởi nghiệp của tỉnh Quảng Nam trong thời gian qua ?
Đồng chí Phạm Ngọc Sinh: Nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5/2016), Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 844/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844), chính thức khởi động Chương trình xây dựng Quốc gia khởi nghiệp sáng tạo. Tiếp theo đó là: Quyết định số 939/QĐ-TTg, ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025” (Đề án 939); Quyết định số 1665/QĐ-TTg, ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (Đề án 1665) cùng với Chương trình thanh niên khởi nghiệp do Trung ương Đoàn phát động vào ngày 16/10/2016 (Thanh niên khởi nghiệp).
Đối với địa phương, Quảng Nam chính thức khởi động Chương trình khởi nghiệp vào Quý I năm 2017 và UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4396 /QĐ-UBND, ngày 18/12/2017 về Kế hoạch xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018 – 2025 trên cơ sở tích hợp tất cả các Đề án của Chính phủ và Chương trình thanh niên khởi nghiệp– trở thành địa phương đi đầu liên kết nguồn lực sức mạnh của xã hội về xây dựng Hệ sinh thái cấp tỉnh – được lãnh đạo các cơ quan Trung ương và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, các chuyên gia khởi nghiệp hàng đầu Việt Nam đánh giá là mô hình liên kết khoa học, sáng tạo, hiệu quả, đúng tinh thần khởi nghiệp của xã hội và định hướng của Chính phủ; tập trung hỗ trợ khởi nghiệp các lĩnh vực: Du lịch và thực phẩm, dịch vụ ăn uống, dịch vụ nông nghiệp; Nông nghiệp (bao gồm cả dược liệu); Công nghệ thông tin – truyền thông và Công nghiệp phụ trợ – cơ khí và tự động hóa. Ngoài các lĩnh vực ưu tiên trên, còn hỗ trợ các Dự án Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực khác phục vụ thiết thực cho phát triển Quảng Nam.
Trong hai năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Nam đã xác định: khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp năng động, tạo nền tảng phát triển bền vững, phù hợp với đặc trưng và thế mạnh của địa phương; đạt nhiều kết quả quan trọng, như: công tác thông tin, tuyên truyền, xây dựng văn hóa khởi nghiệp được quan tâm, duy trì rộng khắp trên các kênh báo chí trung ương và tỉnh; mạng lưới Câu Lạc bộ Khởi nghiệp sáng tạo được hình thành các địa phương; không gian làm việc chung (100% xã hội hóa) tại Hội An, Tam Kỳ, Duy Xuyên và Câu Lạc bộ Đầu tư và Khởi nghiệp Việt Nam đã, đang phát huy hiệu quả; công tác đào tạo, tập huấn, hội thảo, diễn đàn về kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp sáng tạo triển khai đồng bộ, thường xuyên, đều khắp các ngành, cấp huyện, qua đó, tinh thần khởi nghiệp lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, nhất là thanh niên, phụ nữ, nông dân, sinh viên,…
Công tác khuyến khích, tôn vinh tấm gương và công nhận dự án khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh đạt kết quả, tổ chức thành công các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cấp tỉnh và trong phụ nữ; đặc biệt, nhiều dự án khởi nghiệp đạt giải cao (Nhất, Nhì, Ba và 4 giải Khuyến khích) tại Cuộc thi “Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp 2018” do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tại TechFest vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; chương trình hợp tác, kết nối khởi nghiệp triển khai đều khắp, đồng bộ; đào tạo chuyên gia nguồn tại chỗ được quan tâm; đã xã hội hóa thành lập Quỹ Đầu tư khởi nghiệp tỉnh Quảng Nam thuộc Câu Lạc bộ doanh nhân QNH tại thành phố Hồ Chí Minh, Quỹ Đầu tư khởi nghiệp tỉnh Quảng Nam thuộc Công ty CP tập đoàn VN Đà Thành; Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo huyện Duy Xuyên, Hiệp Đức; các địa phương cấp huyện khởi động xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo cấp huyện, trong đó huyện Duy Xuyên, Điện Bàn, Hiệp Đức,… đã ban hành Kế hoạch xây dựng Hệ sinh thái cấp huyện và thành lập Tổ Công tác Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; triển khai hợp tác với hầu hết các địa phương, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trong cả nước; cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo tỉnh thường xuyên quan tâm đến các hoạt động xã hội;…Tinh thần khởi nghiệp lan tỏa mạnh trong toàn tỉnh. Nhiều chỉ tiêu về xây dựng hệ sinh thái đến năm 2020 sớm đạt được trong năm 2018.
Tuy nhiên, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh còn những hạn chế, khó khăn nhất định. Đây là lĩnh vực mới, vừa triển khai vừa rút kinh nghiệm; nhận thức, kiến thức về khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo các cấp, các ngành còn hạn chế; việc triển khai xây dựng Hệ sinh thái cấp huyện chậm; mô hình hoạt động CLB tuy phù hợp, nhưng chưa năng động và sáng tạo, chưa kết nối nhiều với mạng lưới nhà đầu tư…
Để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trên địa bàn, các cấp chính quyền và ngành chức năng tỉnh Quảng Nam thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động để người dân, doanh nghiệp nắm bắt chủ trương, tích cực tham gia
PV: Để có được những kết quả đáng kể như đồng chí vừa cho biết, Quảng Nam đã có những giải pháp đột phá hay mới nào trong công tác khởi nghiệp trên địa bàn, thưa đồng chí ?
Đồng chí Phạm Ngọc Sinh: Hệ sinh thái tự nhiên cũng như hệ sinh thái xã hội, mỗi địa phương sẽ khác nhau; cho nên trong tạo dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Quảng Nam cũng chọn cho mình mô hình phù hợp với lịch sử văn hóa, điều kiện phát triển hiện nay và xây dựng theo hướng: các nhân tố cấu thành hệ sinh thái cần được xây dựng, tự thân trưởng thành và tương tác với các nhân tố khác. Nếu một nhân tố nào đó “không tự sống” tất dẫn đến phá vỡ cân bằng sinh thái chung.
Với suy nghĩ như vậy, chúng tôi kiên trì từng bước xây dựng mô hình Hệ sinh thái tại Quảng Nam theo cách “dò đá qua sông” và học hỏi tất cả kinh nghiệm của tỉnh/thành, tạo cho mình mô hình riêng, tích hợp tất cả như nói trên, mà chúng tôi gọi là: Khởi nghiệp tích hợp. Đó, có thể nói là giải pháp tư duy, có tính chất nền tảng.
Tiếp theo, chúng tôi tập trung xây dựng văn hóa khởi nghiệp trên yếu tố truyền thống đổi mới, canh tân của quê mình, để hình thành nên câu slogan định vị và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp: Quảng Nam – vùng đất mở cho khởi nghiệp sáng tạo (Quang Nam – The Open Land For Startups). Suy cho cùng, vai trò của nhà nước là tạo lập một giá trị, một tinh thần, một cam kết; còn xã hội sẽ xây dựng từng nhân tố của Hệ sinh thái còn lại.
Giải pháp có tính đột phá thứ ba là: xây dựng các dự án khởi nghiệp, các chủ nhân startups bằng cách tổ chức tập huấn, đào tao và tổ chức cho họ được kết nối, tham gia các sự kiện liên quan đến khởi nghiệp để có cái nhìn, tự xây dựng cho mình dự án hiệu quả theo cách các cụ xưa thường nói: đi một ngày đàng, học sàn khôn hay như: buôn có bạn, bán có phường. Tinh thần đi cùng nhau để đi xa trong khởi nghiệp cần cụ thể như vậy.
Giải pháp thứ tư là: tổ chức cổ súy, vinh danh tấm gương khởi nghiệp bằng việc UBND tỉnh ban hành quy định xét chọn, công nhận dự án khởi nghiệp cấp tỉnh; tổ chức các cuộc thi thanh niên, phụ nữ khởi nghiệp và xây dựng hệ thống chuyên mục khởi nghiệp trên tất cả kênh báo chí của tỉnh; tổ chức Cuộc thi báo chí viết về tấm gương khởi nghiệp…
Giải pháp thứ năm là xây dựng mạng lưới Câu Lạc bộ khởi nghiệp sáng tạo các địa phương, các trường cao đẳng, đại học đi đôi với nó là phát triển mạng lưới nhà đầu tư thông qua các Quỹ Đầu tư/ Hỗ trợ KNST. Trong hệ sinh thái, việc hình thành các Quỹ Đầu tư khởi nghiệp, kết nối mạng lưới đầu tư khởi nghiệp là khó khăn nhất, song Quảng Nam đã có.
Giải pháp thứ sáu là hợp tác và liên kết với nhiều tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, với các đia phương có kinh nghiệm để thu hút nguồn lực và bồi đắp cho những nhân tố thiếu của mình. Hợp tác là nguồn lực.
Giải pháp cuối cùng là tập trung nâng cao nhận thức, kiến thức về khởi nghiệp sáng tạo cho cán bộ, cộng đồng khởi nghiệp; đi đôi với nó là triển khai xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo cấp huyện.
PV: Nhằm tiếp tục thúc đẩy và hỗ trợ công tác khởi nghiệp trên địa bàn, sắp tới theo đồng chí Quảng Nam nói riêng và cả nước nói chung cần tập trung vào những vấn đề nào ? Phải làm gì để tinh thần khởi nghiệp trong các tầng lớn nhân dân, nhất là cộng đồng trẻ tuổi tiếp tục lan tỏa và có thêm những chuyển biến tích cực ?
Đồng chí Phạm Ngọc Sinh: Chính phủ xác định đến năm 2025, tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Quảng Nam xác định phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh như đã nói trên.
Hằng năm, UBND tỉnh Quảng Nam tỉnh tổ chức các hoạt động tổng kết, khen thưởng các nhân tố tích cực tham gia khởi nghiệp trên địa bàn
Để đạt mục tiêu Hệ sinh thái quốc gia và của tỉnh Quảng Nam, qua hai năm, chúng tôi cho rằng cần tập trung giải quyết các vấn đề tạo bứt phá chung như sau:
Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến tài chính (hiện, mới chỉ có chế độ tài chính cho Đề an 1665). Khách quan mà nói, không riêng gì Quảng Nam, hầu hết các địa phương đều trông chờ các Thông tư của Bộ Tài chính liên quan đến hướng dẫn chế độ tài chính thực hiện tất cả các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao trong Đề án 844 và Đề án 939. Trên cơ sở này, các địa phương trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết tổng thể về hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo.
Thứ hai, khởi nghiệp nông nghiệp chiếm khoảng 60% sản phẩm khởi nghiệp, khởi nghiệp từ thế mạnh của địa phương, từ sản phẩm OCOP đang chiếm tỷ lệ lớn, thậm chí gần như 100% ở các địa phương nông nghiệp, vai trò của tổ chức Hội Nông dân, nông dân rất quan trọng. Chúng tôi cho rằng: cần ban hành Đề án hỗ trợ nông dân khởi nghiệp để phát huy sức mạnh, vai trò của nông dân tham gia cùng phụ nữ, thanh niên khởi nghiệp.
Thứ ba, mái nhà chung và “bà đỡ” ban đầu cho các ý tưởng, dự án khởi nghiệp là hệ thống mạng lưới các Câu Lạc bộ khởi nghiệp sáng tạo. Nhà nước cần có quy định khung về mô hình CLB khởi nghiệp một cách linh hoạt, mở và mềm dẽo hơn để đảm bảo tính pháp lý của Câu Lạc bộ, có chế độ tài chính hỗ trợ hàng năm để Câu Lạc bộ thực hiện công tác phát hiện, kết nối, tạo điều kiện để các thành viên, các dự án khởi nghiệp được kết nối và hoàn thiện.
Thứ tư, mô hình triển khai tại các địa phương, cần đảm bảo mở như hiện nay. Không rập khuôn, máy móc là hình thành ban, bệ cồng kềnh, nặng nề. Cần thống nhất chủ trương có Đề án khung về thành lập tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp theo hướng xã hội hóa, không theo lối mòn là một đơn vị sự nghiệp công lập làm nhiệm vụ này. Trong khởi nghiệp, vai trò của doanh nghiệp mang tính quyết định.
Để hoàn thành các việc vừa nêu, Quảng Nam hướng đến nội dung thực chất của hỗ trợ khởi nghiệp, tạo nên tinh thần khởi nghiệp. Tinh thần khởi nghiệp phải được dựa trên sự cam kết đồng hành của Chính phủ và phát huy vai trò của lực lượng doanh nhân thành đạt – với tư cách là người đi trước, thực hiện sứ mệnh hỗ trợ, dìu dắt lớp đi sau, các startups – với tư cách là doanh nhân tương lai biết khát vọng và biết vượt qua thất bại. Văn hóa khởi nghiệp sẽ định vị tinh thần khởi nghiệp, biết chia sẻ và động viên khi startups thất bại, biết chia tay nâng đỡ (cả cơ chế và sự đồng hành cụ thể) khi các startups khó khăn. Biết nói không với bệnh hình thức trong startups…Tất cả sẽ làm cho tinh thần khởi nghiệp trong các tầng lớn nhân dân, nhất là cộng đồng trẻ tuổi tiếp tục lan tỏa và có thêm những chuyển biến tích cực
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí !
Tác giả: