Tin Quảng NamTin tức sự kiện

OCOP thu hút người trẻ

Ngày càng nhiều mô hình khởi nghiệp của người trẻ cùng tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cấp tỉnh. Đây là tín hiệu vui để thấy OCOP đã thật sự lan tỏa và định danh được ý nghĩa của chương trình.

Sản phẩm bột ngũ cốc “Hương Bột” của Lê Thị Hương đang từng bước được chuyên nghiệp hóa. Ảnh: X.H

Cơ hội cho người trẻ

Nguyễn Thị Mẫn Vy – một người trẻ thế hệ 9X của TP.Hội An, được biết tới với mô hình khởi nghiệp làm mỹ phẩm organic mang tên “Hoa Mẫn Vy”. Nguyễn Thị Mẫn Vy nói, nhận thấy nhu cầu làm đẹp an toàn với các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên đang rất được ưa chuộng, Vy chủ động tìm kiếm thông tin trên internet, nghiên cứu các tài liệu về dược liệu, chăm sóc da, tóc… để tạo ra các loại mỹ phẩm handmade chất lượng, đảm bảo an toàn. Sản phẩm được chăm chút bằng việc tìm kiếm công thức tối ưu để đa dạng hóa sản phẩm như son môi, dầu gội, bột tắm trắng, bùn ủ tóc, mặt nạ ngủ…

Trong quá trình sản xuất, Vy chủ động gửi các mẫu sản phẩm đến Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng để kiểm định sản phẩm đạt chất lượng an toàn, củng cố niềm tin cho khách hàng và nâng tầm cho sản phẩm. Đăng ký và được lựa chọn là một trong những sản phẩm của TP.Hội An tham gia Chương trình OCOP năm 2019 cũng là mục đích để Vy nâng tầm giá trị của sản phẩm mình.

“Khi tham gia vào OCOP, qua những lớp tập huấn, mình dần cải thiện được bao bì sản phẩm, cách thức xúc tiến thương mại cũng như được hỗ trợ từ các chuyên gia về các khâu xây dựng thương hiệu, hỗ trợ máy móc để tiếp tục sản xuất” – Mẫn Vy chia sẻ.

Một cô gái khá trẻ khác, với các sản phẩm dùng nguyên liệu từ địa phương, Lê Thị Hương đã gây ấn tượng tại nhiều cuộc triển lãm, trưng bày hàng nông sản từ cuối năm 2018 đến nay. Thương hiệu bột ngũ cốc “Hương Bột” tại thị xã Điện Bàn được nhiều người tiêu dùng tin tưởng. Được lựa chọn vào danh sách các sản phẩm tham gia OCOP năm 2019, Lê Thị Hương chia sẻ, đây là cơ hội để mình học hỏi cách thức sản xuất sản phẩm theo đúng tiêu chuẩn chất lượng đã được công nhận.

Với số lượng khách hàng gia tăng từng ngày, để có đủ ngũ cốc cung ứng cho thị trường, Lê Thị Hương chủ động kết nối với các hộ nông dân trên địa bàn thị xã Điện Bàn, hướng dẫn người dân trồng đậu organic và hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Từng ngày một, các sản phẩm của Hương Bột ngày càng chuyên nghiệp từ khâu chế biến, thành phẩm cho đến bao bì ra thị trường.

Kết nối khởi nghiệp và OCOP

Bộ NN&PTNT và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh mới đây cũng đã ký kết “Kế hoạch phối hợp triển khai khởi nghiệp từ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm – OCOP trong thanh niên, sinh viên giai đoạn 2019 – 2020” với 5 mục tiêu được xác định là: Nâng cao nhận thức cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên, sinh viên về vai trò và tầm quan trọng của phát triển kinh tế nông thôn; hiểu đầy đủ và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xây dựng nông thôn mới và Chương trình OCOP; thúc đẩy phong trào khởi nghiệp cho đoàn viên, thanh niên, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, thanh niên các địa phương tích cực tham gia Chương trình OCOP trong thời gian tới, trong đó tập trung vào ươm mầm doanh nhân tương lai; tạo cơ hội cho thanh niên, sinh viên được tập huấn kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp; hun đúc ý chí và tinh thần khởi nghiệp qua các hoạt động giao lưu với các doanh nhân thành đạt; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại trong thanh niên, sinh viên về dự án và sản phẩm khởi nghiệp, phát triển sản phẩm OCOP…

Ông Mai Đình Lợi – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn chia sẻ, tín hiệu đáng mừng là số lượng chủ thể có sản phẩm tham gia OCOP ở độ tuổi trẻ, nhiệt huyết khá đông.

“Hiện nay, HTX chiếm hơn 35%, hộ gia đình chiếm khoảng 40% và còn lại là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, phổ biến là doanh nghiệp tư nhân và trách nhiệm hữu hạn. Hầu hết chủ thể đều nhiệt huyết, trẻ với độ tuổi trên dưới 30 phổ biến, đặc biệt là số lượng nữ năm nay cũng khá đông. Các anh chị này đều có học vấn khá, tốt nghiệp đại học chính quy hẳn hoi. Cho nên sự sáng tạo và linh hoạt của họ là điều kiện thuận lợi để OCOP phát triển mạnh” – ông Lợi nói.

Theo đó, phong trào khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp  đang thu hút rất nhiều bạn trẻ. Ngày càng có nhiều mô hình, dự án ứng dụng công nghệ, cách làm, cách sản xuất mới để phát triển các sản phẩm nông nghiệp. Đây cũng chính là lý do mà Chương trình OCOP không thể bỏ qua đối tượng tiềm năng này.

Tỉnh đoàn Quảng Nam cũng đã tổ chức diễn đàn mang tên “Cơ hội khởi nghiệp từ OCOP cho thanh niên” hồi tháng 3 năm nay. Diễn đàn đã giới thiệu một số cơ chế, chính sách khởi nghiệp từ Chương trình OCOP đồng thời giải đáp những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho thanh niên khi tham gia Chương trình OCOP cấp tỉnh.  Việc lựa chọn khởi nghiệp từ các sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương mình cũng được khuyến khích.

Ông Lợi nói thêm, Tỉnh đoàn Quảng Nam và Sở NN&PTNT cùng ký kết kế hoạch phối hợp hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp từ Chương trình OCOP giai đoạn 2019 – 2020 và đã ra mắt chuyên trang quảng bá sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên. Đây chính cầu nối giữa doanh nghiệp và chủ thể sản phẩm OCOP nhằm hỗ trợ quảng bá sản phẩm.

 

Tác giả: