Khởi nghiệpTechFest Quảng NamTin Quảng NamTin trong nướcTin tức sự kiện

Định danh thương hiệu sản phẩm bản địa – Bài cuối: Mở cánh cửa giao thương

Quảng Nam là đất giao thương, xuất phát từ sản vật quê mình. Ca dao xứ Quảng lưu dấu giao thương xuôi – ngược: “Ai về nhắn với nậu nguồn/ Mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên”, “Chồng em là lái buôn tiêu/ Ði lên đi xuống Trà Nhiêu, Kim Bồng”… Muốn thương hiệu sản phẩm được lan tỏa thì tất yếu phải mở rộng cánh cửa giao thương.

Quảng Nam được biết đến là vùng đất trăm nghề, là nơi phát triển giao thương mạnh mẽ trong quá khứ. Nhiều làng nghề truyền thống đang được bảo tồn và phát huy.
Quảng Nam được biết đến là vùng đất trăm nghề, là nơi phát triển giao thương mạnh mẽ trong quá khứ. Nhiều làng nghề truyền thống đang được bảo tồn và phát huy.

Kinh nghiệm lịch sử

Xưa kia, giao thông đường bộ chưa phát triển, giao thương dựa vào lợi thế sông nước Thu Bồn, Trường Giang, Lộ Cảnh Giang… Bến sông đò ngang, đò dọc gắn liền “trên bến dưới thuyền”, như: Trung Phước, Bến Dầu, Bến Đường, Phú Thuận, Chợ Củi – Thu Bồn, chợ Cầu, Trà Linh, Phú Gia, Dùi Chiêng, Kiểm Lâm, Giao Thủy, Câu Lâu, Duy Nghĩa, Thanh Hà, Phó Thừa, sông Hoài – Hội An…

Mạng lưới giao thương thủy bộ, trên bến dưới thuyền, rồi tiến đến hình thành mạng lưới chợ. Cái thú vị là trong lịch sử, nhiều chợ Quảng mang đặc trưng, bán những thứ hàng hóa chuyên biệt.

Chẳng hạn: “Mua heo chợ Vạn, mua bún chợ Chùa”, “Chợ Được lắm cá nhiều tôm/ Lỡ buổi chiều hôm đi về chợ Mới”, “Mua tôm mua cá đi chợ Trung Phường”, “Hội An bán gấm, bán điều/ Kim Bồng bán cải, Trà Nhiêu bán hành”, “Mua vôi chợ Quán chợ Cầu/ Mua cau Vĩnh Điện, mua trầu Hội An”…

Con đường kết nối giao thương miền ngược với miền xuôi, theo Địa chí Quảng Nam, thì vào cuối thế kỷ XIX còn tồn tại 6 ngõ nguồn: “Hữu Bàng sát núi Trà My/ Chiên Đàn thì lại ở về phía trong/ Thu Bồn một dải cong vòng/ Ô Gia thì ở bên dòng sông Con/ Lỗ Đông sát núi Cao Sơn/ Cu Đê thì ở gần hòn Hải Vân

Tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ, nâng cao năng lực và quy mô sản xuất của các chủ thể khởi nghiệp, gia tăng chất lượng và số lượng sản phẩm; khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ, lẻ; hình thành các sản phẩm chủ lực của tỉnh, đảm bảo số lượng, chất lượng.

(Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh)

Hoạt động giao thương xứ Quảng diễn ra hầu khắp vùng, cho đến nay, vẫn còn tồn tại. Nhưng hoạt động mang giá trị cao, nâng tầm và khẳng định giá trị sản vật vùng đất trăm nghề là trong thời kỳ chúa Nguyễn xây dựng Dinh trấn Thanh Chiêm và phát triển thương cảng Hội An.

Bấy giờ, giao thương quốc tế phát triển rực rỡ, hầu hết sản vật quý hiếm Quảng Nam có mặt tại thị trường khó tính trên thế giới. Sông Thu Bồn và Trường Giang trở thành con đường tiêu quế, con đường sản vật tập trung tại thương cảng Hội An để buôn bán ra nước ngoài, như Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và phương Tây có Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan…

Thương nghiệp phát triển kéo theo kinh tế công nghiệp phát triển, trở thành “một tình trạng độc nhất vô nhị tại lục địa Đông Nam Á (Li Tana). Đại Nam Nhất Thống Chí (từ 1865 đến 1910), đánh giá về Quảng Nam: “Cửa biển Đại Chiêm thuyền bè sum họp, chợ phố Hội An hàng hóa nhóm đầy, thực là nơi đô hội…”. Đầu thế kỷ XIX, Đà Nẵng hình thành thương cảng quan trọng; nhưng người Pháp công nhận “mọi ngành thương mại đều tập trung Hội An”, “người châu Âu vẫn coi là một hải cảng duy nhất, với hai ngõ ra vào, gọi chung là hải cảng tỉnh Quảng Nam”.

Nâng tầm liên kết

Từ trong lịch sử, sản vật xứ Quảng đã nức tiếng xa gần thông qua việc người Quảng tinh tế và tài hoa dùng ca dao dân ca để quảng bá, định vị và khẳng định giá trị riêng có sản vật một cách sâu lắng, thắm thiết, gắn với tình yêu đôi lứa, tình nghĩa vợ chồng, công cha nghĩa mẹ và hình ảnh đằm thắm quê hương.

Tuy vậy, qua thời gian phục hồi các làng nghề truyền thống, sản phẩm vẫn chưa xứng với tiềm năng. Như Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Tiếp – Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội thủ công mỹ nghệ Quảng Nam nhận xét: “Sản phẩm làng nghề tham gia OCOP chưa nhiều, rời rạc; hộ sản xuất trong làng nghề ít, chủ yếu buôn bán. Do vậy, Nhà nước cần tăng cường hỗ trợ xây dựng thương hiệu và thương mại để giúp làng nghề khôi phục, phát triển”.

Chính sách mở cửa hội nhập giờ đây chú trọng phát triển công nghiệp gắn đề cao tri thức bản địa trong sản xuất hàng hóa. Đó là giá trị văn hóa và bài học quý giá trong 550 năm để chúng ta thực hiện nâng tầm sản phẩm xứ Quảng thời cách mạng công nghiệp 4.0. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ 22, nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định: Thực hiện chương trình đổi mới sáng tạo, OCOP gắn với xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ sản phẩm.

Mục tiêu hướng đến là xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh; phát triển sản phẩm hàng hóa và dịch vụ nguồn gốc bản địa, đặc biệt là sản phẩm đặc trưng, trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh về sinh thái, văn hóa, nguồn gen, tri thức và công nghệ địa phương. Điều đó, có nghĩa là nâng tầm liên kết giữa nông nghiệp với thủ công nghiệp và thương mại dựa trên đổi mới sáng tạo trong cách mạng công nghiệp 4.0 là giải pháp tối ưu.

Đổi mới để hội nhập

Từ định hướng chiến lược đó, sản vật xứ Quảng trong hội nhập, với đòi hỏi khắt khe của thị trường sôi động, đa dạng; trước tiên, tập trung mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực khoa học và công nghệ để bảo tồn, gìn giữ, phục tráng, phát huy nguồn gen quý hiếm, bản địa; đặc biệt là tri thức dân gian (công nghệ truyền thống) như là sự khác biệt, độc đáo, riêng có trong thị trường chung.

Hỗ trợ mạnh mẽ và toàn diện công tác bảo hộ tài sản trí tuệ, mẫu mã, bao bì chuyên nghiệp, tiến tới bảo hộ sản phẩm chủ lực trên thị trường quốc tế, ngay từ khi sản phẩm chưa phát triển mạnh, không chỉ có giá trị hiện nay, mà cần xem là “của để dành”, “hồi môn” cho thế hệ mai sau, vô giá. Đồng thời học cha ông trong việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm để khách hàng cảm nhận giá trị văn hóa, tinh túy và “cái hồn” của sản phẩm.

Để mở cửa giao thương, xây dựng thương hiệu sản phẩm Quảng Nam thời hội nhập, cần hết sức chú ý việc xúc tiến thủ tục pháp lý về đơn vị sản xuất, địa chỉ và chất lượng sản phẩm, bởi đây là yêu cầu rất cao và rất khó tính của thị trường, nhất là thị trường nước ngoài. Tập trung hỗ trợ đổi mới công nghệ mạnh mẽ kết hợp bảo tồn và phát triển tri thức bản địa, công nghệ truyền thống; hỗ trợ phát triển mạnh mô hình hợp tác xã, doanh nghiệp khởi nghiệp, gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, tái khởi nghiệp trong doanh nghiệp.

Gấp rút hỗ trợ, khuyến khích xây dựng cơ sở tiêu chuẩn thực hành sản xuất (GMP), trung tâm phân tích, kiểm định – là giá trị cốt lõi, định vị và nâng tầm sản phẩm; nếu không sẽ rơi vào trạng thái “quảng cáo một đường, chất lượng một nẻo” dễ dẫn đến “một lần bất tín, vạn lần bất tin”.

Phát triển mạng lưới chuyên gia khởi nghiệp – OCOP đủ tầm định vị sản phẩm. Và, phát triển kết nối giao thương tại các trung tâm thương mại lớn, nước ngoài và thương mại điện tử nhiều cấp độ, kể cả thương mại điện tử toàn cầu; để sản phẩm định vị trong thị trường rộng lớn. Đặc biệt, xây dựng Đề án tăng tốc khởi nghiệp các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm làng nghề truyền thống Quảng Nam như là cú hích cho đất trăm nghề.

Từ bản sắc truyền thống, sản phẩm bản địa độc đáo hoàn toàn có thể đi ra thế giới, chiếm thị phần riêng. Như Startup Dương Văn Ánh (Quế Sơn), giải nhất tài năng khởi nghiệp miền Trung – Tây Nguyên tâm nguyện với nghề cha ông: “Sáng tạo từ sản phẩm làng nghề cha ông là thế mạnh riêng có và mang đậm giá trị văn hóa, khát vọng đưa món ăn quê nhà lên bàn tiệc 5 sao và trở thành món mì spaghetti Việt Nam”. Có thể xem đó là một ví dụ sinh động cho lối mở của những người trẻ, đầy khát vọng sáng tạo, đưa thương hiệu Quảng Nam từng bước được phổ biến trên toàn cầu.

Tác giả: