Sau nhiều năm làm việc ở Đà Nẵng, chị Mai Thị Thu Sương ( Sinh năm 1996, ở thôn Nhuận Sơn, xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên) trở về quê hương khởi nghiệp từ mô hình nuôi ốc bươu đen và cho hiệu quả kinh tế cao. Mô hình này đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương có thu nhập ổn định.
Cuối năm 2019, sau khi trở về lại quê hương lập nghiệp, một lần chị Sương thấy người ta thu mua trứng ốc bươu đen với giá 900 nghìn đồng/1kg, chị liền về gom trứng trong ao nhà được hơn 2kg và bán với giá 1,8 triệu đồng. Thấy được cơ hội kinh doanh, chị bắt đầu tìm tòi, học hỏi cách thức nuôi ốc bươu đen.
Chị Sương thuê người cải tạo ao hồ trồng sen diện tích 2.000m2 kém hiệu quả của gia đình để chuyển hẳn sang nuôi ốc bươu đen. Ban đầu, chị mua ốc của người dân địa phương bắt ở khe, suối, ao hồ nước ngọt, ruộng đồng về thả nuôi nhưng ốc chậm lớn, năng suất thấp. Ngoài ra, vì không có kinh nghiệm trong chăn nuôi nên khi chuyển sang làm nông dân khiến chị gặp nhiều khó khăn về khâu kỹ thuật và chăm sóc con vật nuôi. Không nản chí, chị Sương quyết định đi vào các tỉnh phía Nam tìm hiểu thực tế tại các mô hình, trại nuôi ốc có hiệu quả cao để học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi. Sau chuyến đi, chị đầu tư hàng chục triệu đồng để xây dựng ao hồ, làm mái che và đặt mua 20 kg trứng ốc mang về tự ấp thủ công và tỷ lệ nở khá thành công.
Hiện nay, mô hình nuôi ốc bươu đen của chị được thiết kế thành các khu nuôi riêng biệt như: hồ nuôi giống, sinh sản, ấp trứng, nuôi ốc con giống, nuôi ốc thương phẩm…, có thiết kế làm mái che nắng, che mưa theo yêu cầu kỹ thuật, sử dụng hệ thống điều tiết nước tự động trong các hồ nuôi.Chị Sương cho biết, ốc bươu đen dễ nuôi, vốn đầu tư ban đầu thấp, nguồn thức ăn cho ốc phần lớn tận dụng thức ăn tự nhiên sẵn có tại vườn như rau, cỏ, bèo, lá sắn… Tuy nhiên để nuôi ốc thành công cho người mới bắt đầu thì cũng cần nắm rõ rất nhiều về kỹ thuật cũng như thức ăn cho ốc bươu đen.
“Ốc bươu đen là loài ăn sạch, ở sạch, nên nguồn thức ăn và môi trường nước phải luôn sạch sẽ. Không thể cái gì cũng cho ốc ăn, sẽ khiến ốc rất dễ bị nhiễm bệnh và dẫn đến chết dần” – Chị Sương chia sẻ.
Sau 4 năm triển khai thực hiện mô hình nuôi ốc bươu đen, hiện nay chị Sương đang sở hữu trại nuôi với qui mô 5.000m2, chuyên cung cấp giống ốc bươu đen cho thị trường. Thị trường ốc giống bán tại trại giá 300 đồng/con, ốc thịt từ 80.000 – 90.000 đồng/kg. Mỗi tháng xuất bán từ 40.000-50.000 con ốc giống.
Ban đầu, chị Sương chỉ bán ốc bươu đen tươi và trứng cho thương lái. Song thấy giá trị thương mại thấp và dễ bị ép giá nên chị nghiên cứu chế biến thành các sản phẩm làm từ ốc bươu đen như nem lụi cuộn sả và chả ốc nhồi ống nứa. Hiện nay, ngoài cung cấp mỗi tháng 600kg ốc tươi cho các nhà hàng thì chị còn sản xuất gần 500kg chả ốc và nem ốc với thương hiệu Huy Hoàng. Doanh thu trung bình hằng tháng ước đạt khoảng hơn 120 triệu đồng.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Sương còn tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương với mức lương 6 triệu đồng/ người/ tháng. Chị còn hăng hái chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi ốc bươu đen cho hiệu quả cao và bao tiêu ốc thương phẩm cho người dân.
“Mô hình nuôi ốc rất hiệu quả nên tôi nhân rộng diện tích ao nuôi. Chính quyền cũng quan tâm hỗ trợ khởi nghiệp trong quá trình nuôi và quá trình xuất bán. Nhiều người dân các huyện Núi Thành và Thăng Bình tới tham quan và học tập kinh nghiệm nuôi ốc. Nuôi ốc nhàn mà kinh tế cao, đầu ra có sẵn nên tôi mong muốn nhân rộng thêm mô hình của mình trong thời gian tới”, chị Sương nói.
Thời gian qua, mô hình nuôi ốc bươu đen quy mô lớn và sản xuất các sản phẩm từ ốc của chị Sương được Huyện đoàn Duy Xuyên và Xã đoàn Duy Phú thường xuyên quan tâm, hỗ trợ. Mô hình từng được ghi hình trong Hành trình chuyến xe khởi nghiệp của Huyện đoàn Duy Xuyên để giới thiệu tấm gương thanh niên làm kinh tế giỏi.
Ông Phan Tự – Bí thư Huyện đoàn Duy Xuyên cho biết: “Có thể nói, mô hình ốc bươu đen Huy Hoàng của bạn Sương đã phát triển thành mô hình khởi nghiệp sáng tạo. Ban thường vụ Huyện đoàn cũng đã có những hỗ trợ bước đầu đối với mô hình này, cụ thể là chúng tôi đã hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm đối với ốc bưu đen Huy Hoàng. Thứ hai nữa là chúng tôi cũng hỗ trợ mô hình này tham gia Cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn do Tỉnh đoàn và Trung ương đoàn tổ chức”.
Sắp tới, chị Sương dự kiến sẽ mở rộng thị trường và hướng đến việc chuyển giao kỹ thuật cho người dân địa phương, liên kết xây dựng các ao nuôi ốc vệ tinh để tập trung phát triển sản phẩm. Hướng tới thi OCOP để sản phẩm tốt hơn.
Tác giả: An Nhiên
Comment here