Tài nguyên bản địa sẽ trở thành vũ khí cạnh tranh lành mạnh, ưu thế tạo sự khác biệt, quan trọng đối với quốc gia, địa phương.
Đó là lợi thế của phát triển, bao hàm cả sản vật mà thiên nhiên và đất đai mang lại với một hệ thống “tri thức bản địa” (Indigenous Knowledge)/“tri thức địa phương” (Local Knowledge) bao gồm giá trị truyền thống, kinh nghiệm, thực tiễn sống lâu đời liên quan đến môi trường tự nhiên, xã hội, đời sống, tư duy của cộng đồng đó. Chính điều đó làm nên vùng Cao Sơn Ngọc Quế.
Ngõ nguồn Trà My
Cộng đồng dân cư vùng Trà My xưa luôn trân trọng và biết kinh doanh sản vật của vùng đất. Người miền xuôi vượt đèo cao, sông sâu đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số để trao đổi, giao thương, hình thành nghề buôn nguồn khá nổi tiếng của xứ Quảng.
Ca dao xưa còn lưu dấu 6 ngõ nguồn nổi tiếng của Quảng Nam thế kỷ 19, trong đó có ngõ nguồn Hữu Bang – Trà My: “Hữu Bang sát núi Trà My/ Chiên Đàn nguồn ấy ở về phía trong”.
Sản vật được nói đến nhiều nhất vùng Trà My là rừng quế, rượu cần và sông núi đượm tình. Nơi đây là chỗ Thượng – Kinh chan hòa nên nhiều chàng trai dưới xuôi phải lòng các sơn nữ: “Quế Trà My thứ cay thứ ngọt/ Bởi anh thợ rừng mới lọt tay anh/ Phân du bạch chỉ rành rành/ Cân tiểu li mới xứng, ngọc liên thành mới nên”.
Thời kỳ thịnh vượng của Cảng thị Hội An/Đại Chiêm hải khẩu, sông Thu Bồn trở thành con đường giao thương xuôi ngược bậc nhất của Đàng Trong – được mệnh danh là con đường tiêu, quế với đầy ắp chợ ven sông nhằm cung cấp sản vật xứ Quảng ra nước ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và phương Tây có Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan…
Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng đánh giá: “… Người Sa Huỳnh cổ và người Chămpa cổ khai thác và xuất khẩu quế, trầm hương, hổ phách… Quế Quảng – Quế Trà My vẫn là một nét đẹp truyền thống của xứ Quảng”.
Định danh sản vật Trà My
Sản vật và tri thức bản địa có tầm quan trọng lớn trong việc thực hiện các dự án phát triển mang tính bền vững. Bắc Trà My luôn sưu tầm, phân tích và ứng dụng tri thức bản địa, nhằm tìm kiếm những giải pháp quản lý bền vững. Đây là hướng đi đúng đắn trong kỷ nguyên số và xu hướng thiên về trải nghiệm, thưởng thức của người tiêu dùng.
Định danh vùng Cao Sơn Ngọc Quế là thông điệp cảm hứng và đề cao tài nguyên bản địa, với đa dạng sản phẩm đã tiếp cận thị trường rộng lớn. Bên cạnh đó, Bắc Trà My còn chú trọng định vị các sản phẩm thế mạnh, như: cam sành Trà Dương, cá thác lác sông Tranh phi lê, cá diêu hồng sông Tranh sấy khô, măng nứa khô Trà Ka, vòng đeo tay phong thủy Huỳnh Đàn, dầu phụng Trà Đông và mía tím Bắc Trà My…
Với khát vọng đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ theo hướng mở, nhất là công nghệ số, công nghệ marketing, công nghệ truyền thông, công nghệ quản lý, việc đa dạng hóa sản phẩm từ quế Trà My, như: nhang quế, rượu quế, trà quế, mỹ phẩm quế, bánh mỳ, bánh ngọt quế… kết hợp với tài nguyên văn hóa bản địa là con đường đi đến thành công.
Khi tài nguyên bản địa được tổ chức đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số sẽ hình thành nên tài nguyên số, càng khai thác càng gia tăng giá trị, càng được bồi đắp thêm và càng được quảng bá. Nói theo ngôn ngữ kinh tế số: Tài nguyên số là một trong những mục tiêu lớn của nhiều quốc gia với hiệu quả kép, “tạo ra kinh tế” và “tạo thêm giá trị”.
Kinh nghiệm của các quốc gia khởi nghiệp thành công, họ luôn làm mới những cái cũ trên nền tảng công nghệ và định danh thương hiệu nhằm hướng đến người tiêu dùng với xu hướng tiện lợi, trải nghiệm độc lạ, cá nhân hóa gắn với Big Data để chăm sóc cảm xúc.
Nghĩa là tài nguyên bản địa không đơn thuần là giải pháp giá trị phục vụ phát triển địa phương mà còn là kho báu, nghệ thuật về thông tin, về văn hóa cần được bảo vệ, gìn giữ và sử dụng hữu ích.
Sáng tạo để định vị và nâng tầm sản phẩm từ tài nguyên bản địa là con đường chông gai, cần có một khát vọng lớn lao, niềm đam mê, dấn thân với sự trải nghiệm và phát huy tri thức bản địa tột cùng.
Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My – ông Thái Hoàng Vũ chia sẻ: “Định danh Quế Trà My là hướng đến định danh sản vật xứ Quảng. Đảng bộ và đồng bào các dân tộc Bắc Trà My luôn tự hào và nâng niu, phát triển và sáng tạo từ sản vật riêng có và giá trị bản địa quê mình”.
Comment here