Tin Quảng NamTin tức sự kiện

Dược sĩ trẻ sản xuất mỹ phẩm thiên nhiên

Đam mê sáng tạo ra những sản phẩm mỹ phẩm có nguồn gốc thiên nhiên tốt cho sức khỏe người dùng, dược sĩ trẻ Trần Thị Thủy Tiên (SN 1994, khối phố An Đông, thị trấn Tân Bình, Hiệp Đức) đã xây dựng nên thương hiệu “Dược mỹ phẩm hữu cơ Hena Lab”.
Sản phẩm “Túi gội thảo dược” do Thủy Tiên sáng tạo được công nhận là ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo cấp tỉnh năm 2019. Ảnh: THÁI CƯỜNG
Sản phẩm “Túi gội thảo dược” của chị Tiên được công nhận ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo cấp tỉnh năm 2019. Ảnh: THÁI CƯỜNG

Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo cấp tỉnh

Theo học ngành dược Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng), ngay từ khi còn là sinh viên, Thủy Tiên đã trăn trở về việc sáng tạo ra những sản phẩm dược mỹ phẩm hữu cơ để thay thế sản phẩm mỹ phẩm công nghiệp đang có trên thị trường.

“Thời sinh viên, tôi hay gặp vấn đề về tóc nên được mọi người truyền tai mẹo chữa bằng việc sử dụng trái bồ kết. Và cũng chính từ đó, bản thân dần tìm hiểu và nghiên cứu về các loại dược liệu thiên nhiên, đặc biệt là những loại cây dễ trồng ở địa Quảng Nam” – chị Tiên nói.

Nghiên cứu, mày mò về công dụng, dược tính của từng loại cây dược liệu trong thiên nhiên, đầu năm 2019 chị bắt đầu làm một số sản phẩm và ra mắt thị trường. Sản phẩm đầu tiên là “Túi gội thảo dược” được chị chế xuất từ 10 loại cây dược liệu. Đây là sản phẩm được UBND tỉnh công nhận ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo cấp tỉnh năm 2019.

Chân dung dược sĩ trẻ Trần Thị Thủy Tiên
Dược sĩ trẻ Trần Thị Thủy Tiên. Ảnh: THÁI CƯỜNG

Chị Tiên cho hay, sản phẩm trên đưa ra thị trường có lượt phản hồi rất cao, trong đó 60% phản hồi tích cực, 40% phản hồi còn lại đóng góp xây dựng sản phẩm như: sản phẩm túi lọc còn bất tiện trong sử dụng, bao bì chưa đẹp mắt…

“Phần lớn người tiêu dùng đã quen sử dụng những loại dược mỹ phẩm đóng hộp vì tính tiện dụng, bởi vậy việc tạo cho người tiêu dùng thói quen sử dụng sản phẩm dược hữu cơ là một thách thức lớn với tôi” – chị Tiên nói.

Lắng nghe đóng góp của người dùng và vốn có kiến thức nền về ngành hóa – dược, mỹ phẩm, chị bắt đầu gia giảm các loại nguyên phụ liệu sản phẩm cho phù hợp. Đồng thời đầu tư 100 triệu đồng mua sắm máy móc và làm bao bì, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Đến nay, chị Tiên đã cho ra thị trường 13 sản phẩm, trong đó 5 sản phẩm đã được các cơ quan chức năng kiểm định chất lượng.

Ổn định đầu ra

Khởi nghiệp với ngành dược liệu mỹ phẩm cũng khiến chị gặp không ít khó khăn. Trong đó việc cạnh tranh giá cả với các sản phẩm trên thị trường là một tiêu chí khó, bên cạnh những vấn đề thường gặp của những mô hình khởi nghiệp như nguồn vốn, mặt bằng, công nghệ.

“Sự bất ổn giá cả cây dược liệu khiến các sản phẩm của mình cũng bị lệ thuộc theo. Để giá được bình ổn, nhiều lúc cơ sở phải chịu lỗ. Thời gian đến, cơ sở sẽ trồng và hợp đồng với các hộ dân trồng một số loại cây dược liệu để chủ động nguồn cung” – chị Tiên chia sẻ.

Theo chị Tiên, sản phẩm mỹ phẩm công nghiệp đóng chai được bán đại trà trên thị trường bây giờ phần lớn được sản xuất từ nhiều loại hợp chất hóa học khác nhau. Tuy mỗi thành phần đều có hàm lượng nhất định theo tiêu chuẩn nhưng ít nhiều đều có ảnh hưởng đến người tiêu dùng cũng như tạo ra một lượng chất thải ảnh hưởng đến môi trường và các loài sinh vật, gây tác hại gián tiếp lên sức khỏe con người.

“Để làm nên các sản phẩm thiên nhiên, tôi luôn dựa trên nền tảng kiến thức khoa học về dược liệu – dược cổ truyền, kinh nghiệm dân gian và so sánh với các sản phẩm đang có trên thị trường. Qua đó tạo ra sản phẩm 100% hữu cơ thiên nhiên, đảm bảo tiêu chí mà tôi luôn hướng đến: an toàn – hiệu quả – thân thiện với môi trường” – chị nói.

Trung bình mỗi năm cơ sở chị thu mua hơn 1 tấn dược liệu để bào chế thành các sản phẩm. Mỗi ngày có thể sản xuất ra 500 đầu sản phẩm các loại. Phần lớn sản phẩm bỏ sỉ cho các trung tâm chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp lớn trên địa bàn Quảng Nam, Đà Nẵng và thông qua khách mua lẻ và tại một số đại lý nhà thuốc trong tỉnh. Nhờ ổn định đầu ra, mỗi năm cơ sở Tiên thu lời hơn 200 triệu đồng và giải quyết việc làm thời vụ cho một số lao động địa phương.

Chị Huỳnh Thị Mỹ Ly – Phó Bí thư Huyện đoàn Hiệp Đức cho hay, hiện tại chị Tiên cũng có sản phẩm “Viên xông thảo dược” tham gia vòng bán kết cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn” do Trung ương Đoàn phát động. Mô hình khởi nghiệp của Tiên được các cấp chính quyền quan tâm, tạo cơ chế hỗ trợ.

 
Tác giả: