Đó là chủ đề của Hội nghị “Định vị sản phẩm địa phương trong du lịch xanh” vừa được UBND tỉnh tổ chức vào chiều 18.6. Đây là chương trình nằm trong khuôn khổ các hoạt động Techfest Quang Nam 2022.
Tham dự hội nghị có ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam; ông Phan Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam; bà Lê Thị Minh Tâm – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam; các chủ dự án sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh,…
Năm 2022, Quảng Nam đăng cai Năm Du lịch Quốc gia – Quảng Nam điểm đến du lịch xanh. Do đó, du lịch xanh đóng vai trò chủ đạo. Trong đó, các sản phẩm địa phương đóng vai trò quan trọng trong du lịch xanh. Định hình du lịch xanh với kỳ vọng đa dạng sản phẩm du lịch trên nền tảng các giá trị văn hóa, lịch sử, hài hòa với thiên nhiên là hướng đi đầy triển vọng của tỉnh Quảng Nam.
Phát biểu tại hội nghị, ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết Quảng Nam là một trong những tỉnh tiên phong triển khai du lịch xanh, du lịch bền vững. Tỉnh đã có những kế hoạch dài hơi cho việc xanh hóa, góp phần vào thông điệp “Quảng Nam – điểm đến du lịch xanh” và cũng là tỉnh đầu tiên tham mưu cho Chính phủ về chứng chỉ carbon. Vì vậy, ông mong rằng sản phẩm địa phương sẽ được hoàn thiện tốt hơn, có sự đầu tư chỉn chu hơn để sản phẩm OCOP cạnh tranh với các mặt hàng khác trong siêu thị. Để thương hiệu sản phẩm Quảng Nam lớn mạnh rất cần sự “chung tay góp sức” của tất cả mọi người đặc biệt là bà con nông dân. Và muốn sản phẩm thành công thì phải đặt tâm huyết của mình vào chính sản phẩm đó.
Hội nghị tập trung thảo luận, chia sẻ giữa các dự án sản phẩm OCOP với Hội nông dân tỉnh Quảng Nam. Chị Huỳnh Thị Thu Thủy – Dự án sản phẩm OCOP Bánh chưng bà Ba Hội đã bày tỏ quan điểm của mình rằng, cần có kênh kết nối thông tin và tổ tư vấn hướng dẫn cụ thể các đề án, chính sách hỗ trợ để nông dân được tiếp cận dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, chị Thủy cũng mong Hội Nông dân tỉnh cần quan tâm đến nguồn vốn cho nông dân để đầu tư vào các sản phẩm địa phương.
Tiếp nhận ý kiến của đại biểu, Hội nông dân tỉnh cũng đã đề ra các phương án giải quyết nhằm hỗ trợ kịp thời và tạo điều kiện tốt nhất để sản phẩm địa phương có vị thế ổn định trong du lịch xanh. Hội nông dân tỉnh đã giao cho từng địa phương để triển khai cơ chế cho nông dân nông thôn, mỗi cơ chế có quy định khác nhau và đa phần hỗ trợ đầu tư. Thời gian tới sẽ tăng cường chỉ đạo các văn bản hướng dẫn của tỉnh để sản phẩm khởi nghiệp được vươn xa hơn. Về nguồn vốn, Hội Nông dân đang có 4 nguồn vốn chính, chủ yếu là tín chấp. Mỗi kênh vốn có quy định riêng và cụ thể, tùy vào trường hợp sẽ ứng với những nguồn vốn khác nhau.
Cũng trong hội nghị, ông Phan Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam đã có kiến nghị gửi đến UBND tỉnh Quảng Nam về việc phải có đề án chuyên nghiệp cho du lịch xanh. Mọi người cũng đã được hướng dẫn cụ thể bộ khung hồ sơ để làm sản phẩm du lịch xanh./.
Tác giả: Phan Vinh
Comment here