Khởi nghiệpTin tức sự kiện

Cô giáo khởi nghiệp với sản phẩm tinh dầu dược liệu

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Gò Nổi phù sa, là một giáo viên bộ môn Sinh học có kinh nghiệm gần 20 năm, cô giáo Nguyễn Thị Kiều Anh (xã Điện Quang, TX.Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) với đam mê chế biến các loại tinh dầu từ chính các cây gia vị, dược liệu sẳn có của quê hương. Chị đã quyết định tiến sâu hơn vào con đường khởi nghiệp với các sản phẩm tinh dầu.

Chị Anh có một thời gian dài nghiên cứu về công dụng của các loại cây dược liệu. Tinh dầu của nó sẽ giúp ngăn ngừa và hỗ trợ, điều trị các bệnh liên quan đến đường hô hấp, một số tinh dầu có hương thơm đặc trưng giúp xua đuổi côn trùng như ruồi, muỗi… Sau nhiều năm tích lũy, chị đã cùng với chồng của mình là một cử nhân hoá hữu cơ tìm hiểu, nghiên cứu và sản xuất thành công tinh dầu từ một loại dược liệu quen thuộc, là giống sả Java từ Đà Lạt.

Vùng nguyên liệu đảm bảo đầu vào cho sản phẩm khởi nghiệp của chị Anh

Dựa vào những kiến thức có được, chị Anh đã nghiên cứu sâu hơn và tiến tới sản xuất tinh dầu sả dựa trên điều kiện tự nhiên có sẵn ở vùng đất Gò Nổi. Tuy nhiên, để sản xuất ra số lượng lớn sản phẩm đủ để cung cấp cho thị trường thì đầu vào phải ổn định. Thế nhưng, việc nhập nguyên liệu từ xa về gặp nhiều khó khăn, gây hư tổn cũng như tốn nhiều thời gian chờ đợi.

Vì vậy, chị Anh đã quyết định đưa giống sả Java từ xứ hoa Đà Lạt về trồng thử nghiệm trên các cánh đồng Gò Nổi – Điện Bàn. Sau một thời gian thử nghiệm và nhận thấy cây giống sinh trưởng, phát triển tốt, chị Anh cùng chồng tiếp tục tìm hiểu nghề nấu tinh dầu truyền thống của người Chăm Pa xưa để cho ra sản phẩm hoàn chỉnh.

Khó khăn tiếp nối, những mẻ tinh dầu đầu tiên không cho được chất lượng như mong muốn phải hủy bỏ, chị Anh tiếc nuối khi nguồn kinh phí bỏ ra không mang lại hiệu quả. Thế nhưng, với niềm đam mê mãnh liệt, 2 vợ chồng chị đã liên tục tối ưu, điều chỉnh và thành công cho ra sản phẩm tinh dầu sả Java đạt chuẩn.

Sản phẩm tinh dầu được hoàn chỉnh về chất lượng và mẫu mã sau nhiều lần thất bại

“Ai đã từng dùng sản phẩm một lần sẽ nhớ mãi và hoàn toàn yên tâm về chất lượng bởi thành phần tinh dầu nguyên chất, tự nhiên, không hương liệu, không chất bảo quản, mỗi vùng đất khác nhau sẽ cho ra một mùi hương khác nhau, đây là giá trị của vùng miền mà bản thân muốn lan toả đến cho tất cả mọi người để sử dụng sản phẩm tinh dầu sả Java này” – chị Anh chia sẽ.

Sau khi chuẩn hoá công thức chưng cất, chị Anh đã thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Gò Nổi, hiện đang liên kết với các hộ nông dân ở thôn Bảo An, xã Điện Quang trồng 5 ha sả Java. Theo người trồng, mỗi sào sả, hằng năm cho thu hoạch được 3 tấn lá, thu nhập trên 9 triệu đồng, hiệu quả hơn hẳn rất nhiều lần so với trồng các loại cây nông sản khác. Cùng với đó, chị Anh tiếp tục đầu tư kinh phí vào xây dựng nhà xưởng và mạnh dạn đầu tư máy móc, hệ thống tự động với công suất lớn.

Hiện nay vùng nguyên liệu xoay vòng của Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Gò Nổi sản xuất được 5 lít tinh dầu mỗi tháng mang về doanh thu hơn 50 triệu đồng. Ngoài ra, địa phương cũng đã giao cho Hợp tác xã 7ha để mở rộng thêm vùng trồng và xây dựng mã vùng trồng tại Gò Nổi.

Sau khi sản phẩm hoàn chỉnh được thị trường đón nhận, tinh dầu sả Java cũng đã được công nhận là dự án khởi nghiệp cấp tỉnh Quảng Nam năm 2023. Cùng với đó, sản phẩm dược liệu này cũng được chứng nhận OCOP 3 sao và đạt giải Khuyến khích sản phẩm Công nghiệp – nông thôn tiêu biểu năm 2023.

Để “phủ sóng” thị trường, sản phẩm tinh dầu sả Java xác định bán qua nhiều kênh, từ đại lý phân phối ở các tỉnh thành lớn như TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương, Quảng Bình… cho đến các sàn thương mại điện tử, đưa tới tay người tiêu dùng trên cả nước. Ngoài ra, chị Anh cũng tích cực xúc tiến quảng bá tại các chương trình, sự kiện khởi nghiệp của địa phương để kết nối thị trường.

 

 

Tác giả: An Nhiên

Comment here