Khởi nghiệpTin tức sự kiện

Bài toán đa dạng hóa sản phẩm khởi nghiệp

Đầu tư mở rộng ngành hàng mới, đa dạng hóa sản phẩm đang là xu hướng của nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp. Tại Quảng Nam, từ những sản phẩm thô, đơn giản ban đầu, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản phẩm, tăng sự lựa chọn của khách hàng và mở rộng thị trường.

Nhìn chung, công thức được các doanh nghiệp áp dụng là tận dụng sức mạnh của thương hiệu để mở rộng sản phẩm, mở rộng thị trường. Qua đó, doanh nghiệp có thể thúc đẩy sản phẩm của thương hiệu mình tới những thị trường mới để tăng doanh số bán hàng, tăng lợi nhuận sản xuất và tiếp cận được nhiều khách hàng hơn.

Các sản phẩm của HTX Bà Ba Hội. Ảnh: P.V

Bà Huỳnh Thị Thu Thủy (người sáng lập HTX Sản xuất nông sản thực phẩm Bà Bà Hội, Tam Kỳ) lấy ví dụ từ chính doanh nghiệp mình: “Bắt đầu khởi nghiệp chỉ có 3 sản phẩm chính từ nếp là bánh chưng, bánh tét, bánh tổ, đến nay HTX đã có tổng cộng 16 sản phẩm, từ nhiều loại nguyên liệu: hải sản (cá nục, mực, cá đỏ củ), nông sản (nếp, dừa, gừng, gạo)…”

Chỉ từ một nguồn nguyên liệu đầu vào như nếp, đến nay, Bà Ba Hội đã chế biến thành 15 loại bánh khác nhau. Từ đây, vượt qua các tiêu chuẩn khắt khe về quy trình đảm bảo chất lượng theo chuẩn của cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), bánh chưng xanh, cá nục rim của HTX Bà Ba Hội đã được xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, giới thiệu những nét ẩm thực đặc sắc của tỉnh Quảng Nam đến với quốc tế.

Bà Thu Thủy chia sẻ: “Nếu chỉ phát triển một hoặc vài sản phẩm, doanh nghiệp khó đảm bảo tính bền vững, nhất là khi thị trường biến động và nhiều sản phẩm cùng loại cạnh tranh thì doanh nghiệp sẽ khó theo kịp. Hơn nữa, phát triển một hoặc vài sản phẩm sẽ không khai thác hết được tiện ích, công năng của hệ thống trang thiết bị đã đầu tư, dẫn đến lãng phí “.

Trước khi đa dạng hóa sản phẩm, các doanh nghiệp khởi nghiệp đã tập trung chuyên môn hóa sản xuất, nâng cao thương hiệu nhằm định vị sản phẩm để tạo ấn tượng với người tiêu dùng, từ đó khi phát triển sản phẩm mới sẽ dễ dàng tiếp cận với nhiều thị trường hơn.

Các sản phẩm từ nhàu của cơ sở Best One được nhiều khách hàng biết đến. Ảnh: A.N

Chị Bùi Thị Tuyết Nhung (Giám đốc HTX Best One -Tam Kỳ) sản xuất các loại chế phẩm từ quả nhàu – loại quả có hàm lượng dược tính cao như: Nhàu lát khô, rễ nhàu, bột nhàu, nước cốt nhàu, nước cốt nhàu vị dứa… Sau khi gầy dựng được thương hiệu Best One nhiều người biết đến, chị Nhung tiếp tục mở rộng sản xuất thêm các loại trà từ sen và được khách hàng ngày càng ưa chuộng.

Đối với HTX quế Trà My – Minh Phúc thì từ nguyên liệu chủ lực là quế, và sản phẩm chủ lực ban đầu là tinh dầu quế, HTX cho ra đời thêm hàng chục loại sản phẩm, đều từ quế: bột quế, dầu quế xoa bóp, nước rửa tay, nước rửa chén, nước lau sàn, quế cạo vỏ…

HTX Quế Trà My – Minh Phúc đa dạng sản phẩm để khách hàng lựa chọn. Ảnh: P.V

Theo ông Phạm Ngọc Sinh – Phó Giám đốc Sở KHCN kiêm Trưởng Ban Điều hành Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh, đa dạng hóa sản phẩm để mở rộng thị trường, sản xuất và cung cấp đa dạng sản phẩm/ dịch vụ vừa để phù hợp với nhu cầu khách hàng, vừa phù hợp với điều kiện của của mỗi doanh nghiệp là cơ hội nâng cao hiệu quả hoạt động cho doanh nghiệp. Tuy nhiên đây không phải là điều dễ dàng và có khi tiềm ẩn rủi ro.

“Khi thâm nhập thị trường mới với sản phẩm mới, việc chuẩn bị và lập kế hoạch là điều cần thiết. Để đạt được mục tiêu của mình, các doanh nghiệp phải xác định được cơ cấu sản phẩm hợp lý trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng tình hình thay đổi của môi trường kinh doanh, sự biến động của tiến bộ công nghệ, nhất là sự cạnh tranh đặc biệt là sản phẩm đồng loại.Từng doanh nghiệp khởi nghiệp có thể lựa chọn một hay nhiều hình thức đa dạng hóa sao cho phù hợp với mục tiêu kinh doanh và điều kiện cụ thể của môi trường kinh doanh” – ông Sinh nói.

Tác giả: Phước Vinh

Comment here