Nhìn nhận kỹ và đầy đủ, du lịch không đơn thuần là dịch vụ, mà đó là ngành kinh tế tổng hợp. Dư địa của Quảng Nam là rất đa dạng và phong phú để phát triển các ý tưởng, dự án khởi nghiệp du lịch – như là cách thức mới để nâng cao quảng bá hình ảnh và phát triển kinh tế – xã hội địa phương, xây dựng du lịch thành ngành kinh tế tổng hợp.
Diễn đàn khởi nghiệp du lịch – Hướng phát triển xanh và bền vững do Sở VH-TT&DL và Ban Điều hành khởi nghiệp sáng tạo Quảng Nam tổ chức vào ngày mai 7/11 là cơ hội để cộng đồng du lịch Quảng Nam có cái nhìn mới về khai thác tài nguyên du lịch hiện nay; xây dựng và phát triển các dòng sản phẩm theo xu thế mới…
Du lịch – kinh tế tổng hợp
Tại Diễn đàn công nghiệp Du lịch Quốc gia năm 2023 do Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia, Cục Du lịch Quốc gia, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức vào ngày 7/10 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia là cơ hội để nhìn nhận lại sự phát triển theo quan điểm phát triển du lịch của Bộ Chính trị, theo Nghị quyết 08-NQ/TW có tính lịch sử khi đề ra: “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác”.
Bên cạnh khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của du lịch, Diễn đàn công nghiệp du lịch Quốc gia nhìn nhận, du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng của xã hội.
Du lịch chưa được xem là ngành kinh tế mũi nhọn, tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa và hội nhập quốc tế. Thiếu chính sách phù hợp để du lịch phát triển, vận hành theo quy luật thị trường; mở rộng huy động và phát huy nhiều nguồn lực xã hội cho phát triển thành ngành công nghiệp du lịch quốc gia.
TS.Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia đánh giá, du lịch đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của các quốc gia trên thế giới.
Với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn khai thác tài nguyên du lịch, đây là giải pháp căn cơ tháo gỡ những hạn chế, yếu kém.
Đồng quan điểm, TS.Đinh Việt Hòa – Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia cho rằng du lịch không chỉ là ngành dịch vụ, mà là một ngành công nghiệp, một ngành kinh tế tổng hợp có những đóng góp đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế quốc gia.
Đến từ quốc gia phát triển du lịch mạnh mẽ và có cơ hội đi nhiều quốc gia trên thế giới, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski chia sẻ: “Đại hội Công nghiệp du lịch quốc gia sẽ là dấu ấn đưa nền công nghiệp du lịch Việt Nam lên một bước tiến mới; đồng thời, nâng cao hình ảnh của Việt Nam, không chỉ với khách du lịch mà còn với chính bản thân ngành du lịch”.
Với tư cách là cơ quan đồng chủ trì, thay mặt UBND tỉnh, ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam khẳng đinh, thực hiện Nghị quyết số 13 ngày 20/7/2021 của Tỉnh ủy Quảng Nam, ngành du lịch tập trung đầu tư hạ tầng du lịch; cải thiện môi trường đầu tư; đẩy mạnh ứng dụng khoa học & công nghệ, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo cho phát triển du lịch; phát triển và đa dạng sản phẩm du lịch, dịch vụ; xây dựng nguồn nhân lực và đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến; liên kết hợp tác phát triển du lịch…
Xu hướng du lịch Quảng Nam
Quảng Nam tổ chức thành công Năm Du lịch quốc gia 2022 và đang xúc tiến phát triển du lịch xanh. Diễn đàn khởi nghiệp du lịch – Hướng phát triển xanh và bền vững do Sở VH-TT&DL và Ban Điều hành khởi nghiệp sáng tạo Quảng Nam tổ chức vào ngày mai 7/11, sẽ là cơ hội quảng bá và phát huy “sơn thủy hữu tình” của vùng đất đa dạng sinh thái và hội đủ nhiều điều kiện thiên nhiên ưu đãi; sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên nhằm hạn chế những tác động xấu đến môi trường sống của con người. Tuy nhiên, tính bền vững cần nhìn nhận đa chiều hơn với góc nhìn kinh tế tổng hợp.
TS.Hà Văn Siêu – Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia cho biết: “Với Quảng Nam, có thể phát triển sản phẩm du lịch công nghiệp và du lịch làng nghề là cách tiếp cận đa ngành và giàu tiềm năng của vùng đất được mệnh danh là đất trăm nghề và sự phát triển các ngành công nghiệp mới… Đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái cũng là một công cụ góp phần giảm tụt hậu, chênh lệch giàu nghèo cho những vùng xa xôi, còn ít điều kiện để phát triển”.
Theo các chuyên gia và công ty lữ hành, kết nối giao thông và sự an toàn có ý nghĩa quan trọng trong phát triển du lịch. Năm 2024 và các năm tiếp theo, xu hướng du lịch đang định hình: du lịch gắn sự kiện, chương trình nghệ thuật; du lịch xanh trải nghiệm hòa mình thiên nhiên; du lịch tìm hiểu giá trị lịch sử, văn hóa riêng biệt, đặc trưng, nguyên bản.
Các loại hình du lịch dần đang lên ngôi, như du lịch làm đẹp và sức khỏe, mà dược liệu và hương liệu thiên nhiên là cơ hội để vùng đất được mệnh danh là thủ phủ dược liệu phía Nam Việt Nam này phát triển.
Trên địa bàn Quảng Nam rất nhiều dự án khởi nghiệp đều phát triển trên nền tảng giá trị này, như: du lịch làng biển Cửa Khe (Thăng Bình) từ giá trị làng nghề truyền thống nước mắm Cửa Khe; du lịch sông nước bãi bồi từ vùng Gò Nổi (Điện Bàn) với lợi thế sông nước Thu Bồn; du lịch dược liệu Làng Mường (Bắc Trà My) gắn với chăm sóc sức khỏe từ hương liệu quế; du lịch nông nghiệp gắn với câu chuyên lò gạch cũ (Duy Xuyên)…
Các ý tưởng, dự án đang định hình từ phát triển du lịch sông nước Hội An; du lịch sinh thái Cà Ban, du lịch làng nghề nước mắm Tam Thanh, chiếu cói Bàn Thạch (Tam Kỳ); hình thành làng mo cau Lộc Yên (Tiên Phước)…
Ông Phan Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng, xu hướng phát triển du lịch xanh của Quảng Nam đó là bước đi đột phá, sáng tạo, hướng tới ý nghĩa nhân văn, chia sẻ lợi ích, bảo vệ môi trường, gìn giữ giá trị văn hóa – di sản và tài nguyên thiên nhiên…
TS.Hà Văn Siêu – Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia chia sẻ, Việt Nam tập trung phát triển 4 dòng sản phẩm chính là du lịch biển; du lịch văn hóa, di sản; du lịch sinh thái và du lịch thành phố.
Với Quảng Nam, có thể phát triển sản phẩm du lịch công nghiệp và du lịch làng nghề là cách tiếp cận đa ngành và giàu tiềm năng của vùng đất được mệnh danh là đất trăm nghề và sự phát triển các ngành công nghiệp mới.
Phát triển du lịch gắn với phát triển sản phẩm OCOP và công nghiệp nông thôn tiêu biểu luôn hỗ trợ nhau, làm phong phú sản phẩm mang giá trị tài nguyên bản địa, trí thức bản địa.
Đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái… cũng là một công cụ góp phần giảm tụt hậu, chênh lệch giàu nghèo cho những vùng xa xôi, còn ít điều kiện để phát triển, tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng nông thôn mới; hình thành và phát triển kinh tế đêm tại các đô thị…
Theo chị Thanh Nga – chủ dự án du lịch “Lò Gạch cũ” (Duy Xuyên), làm mới câu chuyện tình trong tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam, để rồi cộng đồng du lịch gọi luôn biệt danh “Thị Nở xứ Quảng” đã biến nơi hoang vu, vắng vẻ, có phần rùng rợn ngày nào trở thành “vùng trời bình yên” nổi tiếng trong và ngoài nước – nơi tìm đến của các siêu mẫu Việt Nam và cũng là nơi tìm về của những trái tim thổn thức miền quê. Ông Lê Ngọc Thuận – Chủ tịch Hội Khởi nghiệp sáng tạo Hội An – người gom nhặt củi lũ để tạo thành những tác phẩm nghệ thuật thu hút “khách Tây” đến kỳ lạ.
Từ Diễn đàn công nghiệp du lịch quốc gia đến Diễn đàn khởi nghiệp du lịch – Hướng phát triển xanh và bền vững là cơ hội để cộng đồng du lịch Quảng Nam có cái nhìn mới về khai thác tài nguyên du lịch hiện nay; chuyển giao khoa học công nghệ và khởi nghiệp kinh doanh du lịch; quảng bá thương hiệu, truyền thông, tổ chức sự kiện về du lịch; xây dựng và phát triển các dòng sản phẩm mới. Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong du lịch không bao giờ là dễ dàng, nhưng đó là đòi hỏi của phát triển công nghiệp du lịch tương lai!
Tác giả: PHẠM NGỌC SINH (Theo Báo Quảng Nam)
Comment here