Tin Quảng NamTin tức sự kiện

Giữ vững thương hiệu “Mỳ Quảng tươi Cô Huệ”

Đến với Quảng Nam, không chỉ nhớ một phố cổ Hội An cổ kính rực rỡ đèn lồng, có món cao lầu, bánh su sê tinh túy hồn quê. Mà còn nhớ về miền đất Quảng với một nền văn hóa ẩm thực đặc sắc có nhiều món ăn đậm đà, truyền thống. Nếu như Hà Nội có phở và cốm thơm lừng; Cố đô Huế có cơm hến, bún bò, thì Quảng Nam có bánh tráng cuốn thịt heo, cơm gà Bà Luận và đặc biệt nhất vẫn là món mỳ Quảng. Mỳ Quảng – chính là linh hồn ẩm thực của xứ Quảng, du khách gần xa đến đây khó có thể bỏ qua món ăn có hương vị nhưng cũng rất dân dã này.

Nhà chị “lọt thủm” giữ cánh đồng bao quanh là ruộng, năm 1974 sinh ra chị,  khi  được 1 tuổi, Mẹ chị bảo với mọi người “Số con gái tôi chắc sướng, sinh nó ra là đất nước hòa bình, lặng yên tiếng súng”. Nhà nghèo lại đông con, Mẹ chị chọn nghề tráng mỳ Quảng bán dạo. Là chị cả nên học hết lớp 7 chị phải ở nhà phụ Mẹ tráng mỳ lo cho các em ăn học.

Chị bảo, ngày đó nhà chị có cái lò bằng đất nện, ám khói, hằng ngày luôn đỏ lửa với nồi nước sôi ùng ục dưới lớp vải căng. Nắng xiên qua ba lỗ thông hơi trên tường bên hông lò. Nhờ đó mà những dải nắng đã vào được, làm cho những hạt bụi nước, bụi than nhảy múa trong vùng sáng. Căn bếp luôn ấm nóng, Mẹ chị luôn tay dẹo từ bên phải rồi lại dẹo người qua trái, cái gáo dừa cắt trẹt có phần đáy bằng mòn dẹp theo vòng xoay của Mẹ. Chị thì mãi nhìn Mẹ múc gáo bột đổ vào miếng vải căng, tay kia nắm cây đũa dẹt cho miếng mỳ được mềm như dải lụa. Cho đến khi miếng bột phồng lên thì Mẹ chị vớt ra trải lá mỳ lên mâm, khéo léo rút sợi lá chuối nhỏ để tách hai lá mỳ khỏi dính vào nhau;…Chị gọi, đấy là công đoạn tráng mỳ! Riêng chị, ngày nào cũng  phụ Mẹ khử chén dầu phụng, thêm chút hạt nén thơm lừng, để nguội, lấy cái muỗng hớt chút dầu thả vào lá mỳ, dùng tay xoa đều rồi gấp làm ba, lá mỳ dài như cái “cái ổ bánh mỳ ở BigC bây giờ”. Con dao có độ tròn phần lưỡi, chị chấn mỳ trên thớt gỗ. Cứ thế, Mẹ thì tráng mỳ, còn chị thoăn thoắt luôn tay, đến độ 7 giờ sáng Mẹ chị với chiếc xe đạp cộc cạch chở đi bán quanh làng, còn để lại một ít có ai đến nhà mua;…

Chị thở dài, thời gian trôi nhanh quá ngót nghét mà đã hơn 30 năm, Mẹ chị tuổi đã cao. Với những bí quyết “lành nghề”, cộng chút tâm huyết, yêu Mẹ, chị quyết định giữ lại công việc “tráng mỳ Quảng” và lấy tên ”Mỳ Quảng tươi Cô Huệ” để khởi nghiệp. Chị cho biết, ngoài việc đầu tư mua máy móc, thiết bị thì khâu chọn nguyên liệu là quan trọng nhất để cho ra sản phẩm mỳ tươi, ngon; đó là, phải chọn gạo được bà con nông dân trồng trên những thuở ruộng quen thuộc, không dùng thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt khi chế biến hoàn toàn không dùng chất bảo quản và phẩm màu công nghiệp. Trước khi làm bột, gạo phải được đãi sạn, vo thật sạch, nguồn nước hợp vệ sinh…

Thông qua bạn bè, người thân và được chị em trong câu lạc bộ Phụ nữ khởi nghiệp TP.Tam Kỳ hỗ trợ, trao đổi về kiến thức, chị tìm tòi, làm hồ sơ để xây dựng thương hiệu, nâng tầm sản phẩm, tạo niềm tin với khách hàng vv…. Cuối cùng, khi được ngành chức năng kiểm định, sản phẩm “Mỳ Quảng tươi Cô Huệ” hoàn toàn đạt chất lượng. Nhờ đó, mỳ nhà chị “có thương hiệu” và được lan tỏa, được các cấp chính quyền, bạn bè gần xa biết đến thông qua các sự kiện, diễn đàn: Ngày Hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Nam lần thứ 2 năm 2021 tổ chức tại TP.Tam Kỳ; Ngày Hội kết nối giao thương đưa sản phẩm khởi nghiệp và OCOP tỉnh Quảng Nam đến với người tiêu dùng tại TP. Hồ Chí Minh (từ 23-24/4/2021) do Hội Doanh nhân Quảng Nam phía Nam (QNB) tổ chức.

Chị Huệ và một góc sản phẩm Mỳ Quảng tươi được trưng bày tại Ngày Hội KNST Quảng Nam lần thứ 2, Techfest Quảng Nam năm 2021 (23-25/3/2021)

Hiện “Mỳ Quảng tươi cô Huệ” có nhiều màu (xanh, đỏ, tím, vàng) được chế biến từ rau, củ, quả do chính tay chị trồng trong vườn nhà; ngoài ra có cả mỳ sợi khô để khách hàng mua làm quà. Bình quân mỗi ngày bán ra trên 400 kilogam (cung cấp sỉ và lẻ) nhưng nhiều nhất là cho hệ thống mỳ Giao Thủy (Tam Kỳ); doanh thu bình quân 200 triệu đồng/tháng. Đủ để chị trang trải cuộc sống, sửa sang căn nhà, sắm vật dụng, lo cho Mẹ già và con ăn học. Đồng thời chị còn giải quyết việc làm cho 7 lao động trong khối phố (làm từ 3 đến 7 giờ sáng), mỗi người 150 ngàn đồng/ngày.

Những năm gần đây, nhiều quán tráng mì mọc lên từ thành thị đến thôn quê, nhưng  “Mỳ Quảng tươi Cô Huệ” vẫn bình dị ven góc hẻm tại Khối phố Phương Hòa Tây, phường Hòa Thuận, TP. Tam Kỳ với hương vị thơm, ngon, bổ, rẻ; … Nếu bạn mua vài kilogam mỳ Cô Huệ về và chế biến với nước nhưng bằng một trong các loại thịt heo nạc, thịt gà, ếch, tôm, cá lóc, thịt bò, trứng gà hay trứng cút, cộng thêm chút cay cay của ớt và các gia vị như húng quế, xà lách, rau cải non, giá đỗ, ngò rí, rau răm, hành hoa thái nhỏ, hoa chuối thái mỏng vv… sẽ tạo nên một tô mỳ hấp dẫn, còn gì ngon bằng “tô mỳ xứ Quảng quê nhà”./.

Tác giả: