Anh Kim Thái (34 tuổi, ngụ tại huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh) từng làm ở quỹ đầu tư tài chính, sau đó đã là giám đốc công ty công nghệ với mức lương nhiều người mong ước. Nhưng, thay vì ngồi máy lạnh và làm công việc quen thuộc, thì anh Thái quyết định từ bỏ công việc lương cao để khởi nghiệp với căn bếp rộng khoảng 25m2, tại một căn chung cư cũ ở quận 3.
Những khó khăn trong quá trình khởi nghiệp
Được biết, anh Thái bắt đầu dấn thân vào ngành F&B vào năm 2015, với nhiều lý do, cụ thể như: anh thường gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một địa điểm ăn uống nhanh chóng, tiện lợi nhưng vẫn đảm bảo chất lượng.
Tiếp theo, trong khoảng thời gian vào năm 2015 trở về trước, vấn đề thực phẩm bẩn đang được rất nhiều người quan tâm, khách hàng luôn lo lắng về sức khỏe nếu vô tình ăn phải những những món không hợp vệ sinh.
Nguyên nhân cuối cùng là vào khoảng thời gian này, gym và các phòng tập thể dục đang được rất nhiều người biết đến, nhu cầu về việc tập luyện thể thao, nâng cao sức khỏe, giảm cân cũng được rất nhiều người chú ý.
Với quyết tâm đem những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng và hợp vệ sinh đến với khách hàng, anh Thái đã từ bỏ công việc cũ để mở quán cơm.
Để quán ăn được phát triển như hiện nay, anh Kim Thái đã phải bỏ ra rất nhiều trong khoảng thời gian đầu. Anh cùng 3 người bạn thức dậy từ 3 giờ sáng để đi chợ mua thức ăn, sau đó về sơ chế, nấu nướng rồi tự chạy xe máy giao hàng khắp thành phố.
Anh Thái chia sẻ về khoảng thời gian đầu tiên khi quyết định chuyển nghề: “Mình nhớ tuần đầu tiên chỉ bán được 10 suất cơm cho bạn bè, tới tuần thứ 2 bán được 15 suất, trong tháng đầu tiên những suất cơm được mình bán ra là dưới 50 phần, tới tháng thứ 3 thứ 4 thì lên được gần 100 phần cơm. Mình phải thức dậy sớm hơn, khoảng 3 giờ gì đó hoặc phải ngủ lại bếp mới kịp chuẩn bị thức ăn cho ngày hôm sau và hầu như cuối tuần nào mình cũng phải ngủ lại bếp hết.”
Kết quả đạt được sau nhiều năm cố gắng
Trong sáu tháng đầu tiên khởi nghiệp, anh Kim Thái đã vấp phải nhiều sự phản đối từ gia đình, bạn bè và đồng nghiệp, vì họ cảm thấy công việc của anh không có tương lai. Tuy nhiên, sau 1 năm thì gia đình cũng bắt đầu thấu hiểu và ủng hộ vì cảm thấy anh thực sự nghiêm túc với công việc này.
Sau 7 năm kiên trì và phấn đấu, đến bây giờ quán cơm của anh Thái đã được rất nhiều khách hàng biết đến. Từ một bếp ăn rộng chưa đến 25 mét vuông, đến nay anh Thái đã mở rộng khu bếp lên tới 400 mét vuông với khoảng 50 nhân lực. Từ vài chục suất ăn trong một ngày, đến nay bếp ăn của anh Thái chuẩn bị tới hơn 2.000 suất mới đủ để phục vụ cho khách hàng.
Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, mặc dù công việc kinh doanh bị ngưng trệ nhưng anh không để căn bếp của quán ăn nguội lạnh. Anh Thái cùng 5 nhân viên ăn ngủ, sinh hoạt tại chỗ và đã nấu hơn 30.000 suất ăn dinh dưỡng cho các y bác sĩ và đội ngũ tuyến đầu chống dịch tại TP.HCM.
Sau thời gian sóng gió, tiệm cơm của anh Thái đã ổn định và phát triển hơn. Hiện tại, anh đang có rất nhiều dự định cho quán ăn của mình, mục tiêu của anh trong thời gian sắp tới là mở rộng quy mô của quán cơm ra các tỉnh lân cận, ngoài TP.HCM để đáp ứng nhu cầu ăn uống lành mạnh của khách hàng hiện nay.
Nguồn: Báo Thanh niên.
Tác giả: