(Xuân Quý Mão) – Quảng Nam đăng cai tổ chức chuỗi sự kiện khởi động Năm quốc gia khởi nghiệp – 2023. Từ đây, hồi quang lịch sử vùng đất mở với tư tưởng canh tân nhắc gợi cho cả hành trình đổi mới sáng tạo hướng đến sự phồn vinh tương lai.
Gần đây, vấn đề xây dựng hệ giá trị quốc gia được đặt ra như một chiến lược dài hạn để khơi dậy sức mạnh toàn dân tộc thực hiện khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh.
Hệ giá trị đó bao hàm các giá trị lịch sử, văn hóa, luân lý… nhằm xây dựng Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc. Trong đó, cốt lõi là hệ giá trị văn hóa gồm các thành tố: dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học.
Góp phần mình vào hệ giá trị quốc gia là văn hóa của vùng đất con người xứ Quảng, trong đó tư tưởng canh tân, không ngừng đổi mới sáng tạo có giá trị to lớn không chỉ từ quá khứ mà còn ở hiện tại và tương lai.
Những ngọn cờ canh tân…
Lịch sử hơn 550 năm của Quảng Nam – vùng đất mở rộng về phương Nam, để lại nhiều dấu ấn đổi mới và sáng tạo. Nổi bật là mở cửa giao thương làm nên một trung tâm Đàng Trong hưng thịnh, một dinh trấn hùng mạnh và Hội An thương cảng quốc tế. Đây cũng là “đất trăm nghề”, “đất học”, “đất Duy tân” vang danh cả nước.
Lần bước theo lịch sử, con người Quảng Nam hay CÃI và CẢI, đã biết tiếp thu, tiếp biến các giá trị văn hóa để mở ra tầm nhìn, tư duy đổi mới sáng tạo rất đáng nghiên cứu học hỏi.
Đơn cử như các ngọn cờ Phạm Phú Thứ, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp… sớm có tư tưởng canh tân, duy tân, tác động sâu sắc cho bước chuyển mình của Việt Nam cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.
Danh nhân Phạm Phú Thứ (1821- 1882), làm quan trải hai đời vua Thiệu Trị, Tự Đức, gian truân khi làm đại thần hay lính coi trạm ngựa, đều chỉ một lòng vị quốc, canh cánh giúp dân mở mang cơ nghiệp.
Nhân có dịp công cán đến Ma Cao năm 1851, Phạm Phú Thứ quan sát việc kinh doanh buôn bán để rồi từ “thức tỉnh giấc mộng trần tục” mà khởi nên tư tưởng canh tân.
Gần 9 tháng đi sứ (6/1863 – 3/1864), trải hành trình qua các nước Á, Phi đến Pháp, cụ lại ghi chép thành tập Tây hành nhật ký và Tây phù thi thảo, cốt thuyết phục triều đình mau “cải cách việc học tập và phát triển công nghiệp”.
Phạm Phú Thứ còn viết 11 sớ, khoảng 20 lá thư gửi đến các đại thần như Trần Tiễn Thành, Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường,… trình bày những biện pháp cải cách cần gấp rút thi hành về binh bị, kinh tế, giáo dục, tiểu công nghệ, thương mại.
Không chỉ đề xướng tư tưởng canh tân cùng Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch mà Phạm Phú Thứ còn tiên phong hành động khởi sự và khởi nghiệp. Ông cho khắc in Bác vật tân biên (sách nói về khoa học), Khai môi yếu pháp (sách nói về cách khai mỏ), Hàng hải kim châm (sách nói về cách đi biển), Vạn quốc công pháp (sách nói về cách thức giao thiệp quốc tế) để phổ biến, dạy quan lại và học trò.
Ông còn cho khai rộng sông ở phủ Bình Giang, mở Nha Thương chánh và trường học chữ Pháp ở Hải Dương. Khi làm Tổng đốc Hải Yên, ông mở trường nghiên cứu phổ biến kỹ thuật hàng hải, tuần phòng; lập trường dạy tiếng Pháp, in sách truyền bá khoa học kỹ thuật Tây phương.
Tiếp nối tư tưởng canh tân sau này là công cuộc Duy tân, do “bộ ba Quảng Nam” Phan Châu Trinh – Huỳnh thúc Kháng – Trần Quý Cáp khởi xướng, cốt lõi hướng đích là xây dựng nền chính trị dân chủ, dân quyền.
Phong trào Duy tân chủ trương khôi phục đất nước bằng con đường “khai dân trí – chấn dân khí – hậu dân sinh”, nhằm cải tổ xã hội về mọi mặt, với các hoạt động thực tiễn như là mở mang kinh tế bằng cách lập các hội thương, hội nghề, mở trường dạy học hiện đại dạy quốc ngữ, bỏ lối học khoa bảng từ chương, thêm khoa học và ngoại ngữ…
Những ngọn cờ canh tân tiên phong đó đã để lại nhiều bài học giá trị nếu biết phát huy trong công cuộc đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp ngày nay.
Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và được Đại hội XIII khẳng định lại với quyết tâm cao hơn theo hướng “Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, gắn kết hài hòa, hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế”.
Ở tầm quốc gia, Chính phủ đã đưa ra chương trình hành động xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam.
Ở Quảng Nam, Đảng bộ tỉnh đã xác định khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Những năm qua, Quảng Nam sớm đặt mục tiêu trở thành địa phương tốp đầu cả nước về khởi nghiệp, với sologan ấn tượng “vùng đất mở cho khởi nghiệp sáng tạo”. Bước đầu, Hệ sinh thái khởi nghiệp trên nền tảng truyền thống canh tân, đổi mới đã được xây dựng, vận hành.
Quảng Nam đã ban hành nhiều cơ chế chính sách để hỗ trợ, xây dựng Hệ sinh thái, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp khởi nghiệp cùng các hợp tác xã, đã gắn việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ vào sản xuất, chế biến hàng hóa, khơi thông thế mạnh về sản phẩm công nghiệp nông thôn và OCOP…
Qua đó, hàng trăm ý tưởng/dự án khởi nghiệp đã được hỗ trợ, tạo làn sóng lan tỏa khá ấn tượng. Nhiều sản phẩm khởi nghiệp của Quảng Nam đã được xuất khẩu sang các nước Á, Âu, điểm tô bức tranh hội nhập kinh tế rất đáng khích lệ.
Với việc đăng cai Năm quốc gia khởi nghiệp – 2023, Quảng Nam mong mỏi góp phần mình cho sự lan tỏa khát vọng khởi nghiệp. Vì vậy không gian hoạt động khởi nghiệp cần tiếp tục mở rộng và có chiều sâu, làm sao để “mỗi công dân là một nhà khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” trong bối cảnh chuyển đổi số và kết nối từ quốc gia đến quốc tế.
“Đổi mới sáng tạo – Khơi nguồn tư duy”, đặc biệt trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nếu con người Việt Nam nói chung, người Quảng nói riêng, biết tiếp thu tinh hoa nhân loại, học hỏi và khai phóng thì mới mong mở được cánh cửa ra thế giới, để khỏi phải ngậm ngùi tiếc nuối như cụ Phạm Phú Thứ, rằng “Tảo giao Ðông thổ kiêm trường kỹ/Pha-lý, Long-đôn vị túc hiền” (Giá như Ðông phương sớm giỏi kỹ thuật/Chắc gì Paris, London đã hơn ta?).
Tác giả: Phạm Ngọc Sinh
Comment here