Khởi nghiệp như Facebook, Google, tại sao không? – Đó là thông điệp mạnh mẽ mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc muốn truyền tới giới trẻ Việt Nam khi trả lời phỏng vấn riêng báo xuân Tuổi Trẻ Đinh Dậu 2017.
* Nhiều người dân rất bất ngờ khi được tiếp xúc trực tiếp với Thủ tướng trong các chuyến vi hành của Thủ tướng đến chợ Long Biên, siêu thị Co.op Mart… Thủ tướng đã nghe được tận tai những điều tâm sự gì từ những người dân bình thường ấy?
– Tôi thích dùng từ “đi thực tế” hơn là “vi hành”. Những người dân mà tôi tiếp xúc từ khi còn công tác ở địa phương cho đến nay đều có một mưu cầu giống nhau: đó là làm sao đời sống ngày càng tốt hơn, công ăn việc làm ngày càng ổn định, môi trường sống và an ninh trật tự được đảm bảo.
Trong những cuộc tiếp xúc mới đây với người dân buôn bán ở chợ Long Biên, siêu thị Co.op Mart… tôi càng củng cố một nhận thức, đó là bà con tiểu thương ở đâu cũng rất chăm chỉ làm ăn, thức khuya dậy sớm, không quản ngại giá rét để mưu sinh.
Họ không những muốn có thu nhập mà còn muốn được xã hội tin tưởng, tôn trọng và xứng đáng được như vậy.
Tôi biết có những con sâu làm rầu nồi canh, có những gian thương cố ý bán thực phẩm bẩn, có cả những siêu thị, cửa hàng do quản lý không tốt nên để thực phẩm bẩn thâm nhập vào. Nhưng những trường hợp đó không đại diện cho những bà con tiểu thương làm ăn buôn bán ở nước ta…
Cơ quan quản lý nhà nước phải có trách nhiệm với sức khỏe nhân dân, với những người làm ăn đàng hoàng, không để vàng thau lẫn lộn.
Nếu ý thức sâu sắc về trách nhiệm này cùng với hành động kiên quyết và khoa học, chắc chắn khâu vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ cải thiện, đời sống của bà con tiểu thương, của người nông dân sẽ ngày một tốt hơn.
Tôi cũng xin nói thêm, sau khi tiếp xúc với các doanh nhân trong hội nghị 500 doanh nghiệp khi mới nhận chức thủ tướng, tôi đã gặp gỡ, nói chuyện với 3.000 công nhân ở Đồng Nai.
Những lần đi thực tế như vậy rất hữu ích, giúp cho các quyết định, chỉ đạo, lãnh đạo trở nên sâu sắc, bám sát thực tiễn, giải quyết thấu đáo nhu cầu của nhân dân.
Tôi đề nghị điều này cần phải trở thành thói quen, yêu cầu công tác trong toàn bộ cán bộ như sinh thời Bác Hồ thường căn dặn và là tấm gương cho chúng ta.
* Từ những điều mắt thấy tai nghe, Thủ tướng sẽ có những hành động cụ thể gì trong năm 2017 để xây dựng một Chính phủ liêm chính, hành động, kiến tạo phát triển?
– Tai nghe, mắt thấy chưa đủ mà phải làm, phải cảm nhận, có tầm nhìn để những gì chúng ta làm hôm nay sẽ không phải hối tiếc cho tương lai… Trong một khoảng thời gian ngắn, tôi nghĩ bộ máy Chính phủ đã có những hành động đáng khích lệ.
Ví dụ, Bộ Công thương đang quyết tâm tái cơ cấu chính mình để có bộ máy tinh gọn hơn, hành động hiệu quả và kiến tạo tốt hơn.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn rất thẳng thắn, có tinh thần hành động trước những vấn đề tồn tại, chẳng hạn việc tích tụ ruộng đất, tiếp cận vốn, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, khuyến khích các mô hình doanh nghiệp sản xuất lớn.
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã hành động hiệu quả trong việc giải quyết chuyện nợ đọng văn bản, chấn chỉnh kỷ cương trong thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ.
Thủ tướng và nhiều bộ trưởng khác đang nỗ lực, phối hợp hành động trong các vấn đề “nóng” như nợ công, nợ xấu, cơ sở hạ tầng, cải cách giáo dục, chấn chỉnh kỷ cương pháp luật trong việc giữ gìn an ninh trật tự, ổn định xã hội, bảo vệ môi trường vì lợi ích của người dân và thế hệ tương lai…
Tuy nhiên, tôi hiểu kỳ vọng của xã hội rất cao, có những thách thức phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải nhanh hơn nữa, quyết liệt hơn nữa. Chúng ta cần có phương pháp, cách làm sáng tạo vì nguồn lực và các điều kiện còn khó khăn.
Tôi mong các bạn hết sức kiên nhẫn và luôn đồng hành, ủng hộ Chính phủ. Áp lực lên các bộ trưởng trong bộ máy Chính phủ hiện nay rất lớn.
* Thưa Thủ tướng, Chính phủ kiến tạo phát triển cũng có thể hiểu nhằm mở ra cơ hội làm ăn thuận lợi nhất cho người dân, thúc đẩy khởi nghiệp, đặc biệt là kích thích tinh thần khởi nghiệp của thanh niên Việt Nam?
– Nếu không phát huy tối đa sức mạnh của thế hệ trẻ thì làm sao chúng ta có thể tận dụng cơ cấu dân số vàng và xây dựng kinh tế tri thức để vươn lên trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4? Làm sao chúng ta đạt mức tăng trưởng tiềm năng khi khoảng 50% dân số ta ở độ tuổi dưới 40?
Chính phủ đã và đang có những cố gắng để phát huy tính năng động, ý thức vươn lên trong thế hệ thanh niên. Một trong những điều kiện tiên quyết là cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh…
Những câu chuyện của Nguyễn Hà Đông, Phạm Kim Hùng (TechElite), Nguyễn Đức Tài (Công ty Thế giới di động)… đã truyền cảm hứng, quyết tâm chính trị cho tôi cũng như quyết tâm hành động của Chính phủ.
Có những việc chúng tôi đã rất kiên quyết thực hiện dù không dễ dàng, ví dụ bỏ điều 292 (điều 292 Bộ luật hình sự 2015 đã hình sự hóa những vi phạm kinh doanh trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông, trong khi không hình sự hóa phần lớn những vi phạm tương tự của các ngành nghề kinh doanh có điều kiện khác – PV) Bộ luật hình sự mới ban hành.
Còn nhiều việc phải làm và một trong những điều chúng tôi luôn cần ở các bạn là niềm tin.
* Thưa Thủ tướng, liệu trong vài năm tới, trong thời đại công nghệ đang thay đổi chóng mặt như hiện nay, chúng ta có thể chứng kiến được câu chuyện khởi nghiệpthần kỳ nào ở Việt Nam như Facebook hay Google?
– Tại sao không? Tôi đã chứng kiến những ý tưởng, mô hình kinh doanh mới thành công ở Việt Nam như Zalo (ứng dụng gọi, nhắn tin trên nền tảng Internet), Momo (ví điện tử), Cốc Cốc (trình duyệt web) hay trò chơi Flappy Bird đã gây tiếng vang trên thế giới…
Tuy nhiên, tôi tin tưởng và hi vọng đó chỉ mới là những sự khởi đầu.
Chúng ta phấn đấu vào nhóm Asean 4, đồng nghĩa với những gì người Singapore, Malaysia, Thái Lan làm được thì chúng ta phải cố gắng làm được.
Ví dụ: người Malaysia đã sáng lập ra Grabtaxi, đang “bành trướng” hoạt động ở nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Họ đón bắt xu hướng công nghệ và tạo áp lực cạnh tranh rất lớn lên taxi truyền thống.
Nếu chúng ta không có những ý tưởng đột phá, không sáng tạo ra những mô hình kinh doanh mới thì chúng ta có nguy cơ tụt hậu, đánh mất thị trường và đứng ngoài lề cuộc chơi trong bối cảnh mà như các bạn nói là “thời đại công nghệ đang thay đổi chóng mặt”.
Do vậy, trong các buổi nói chuyện với sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM, tôi nhấn mạnh khởi nghiệp là mệnh lệnh của các cuộc cách mạng công nghiệp.
Thật sự, tôi rất tin tưởng vào thế hệ trẻ Việt Nam. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là cơ hội để chúng ta đi tắt, đón đầu.
Những cuộc chơi mới sẽ định hình với những người chơi mới và tầm ảnh hưởng vượt khỏi biên giới của một quốc gia hay một châu lục. Chúng ta đều biết Facebook hay Google mà các bạn đề cập đều khởi nghiệp trong độ tuổi 20.
Cách đây ít lâu, tôi mới tiếp xúc và biểu dương các em học sinh giỏi đoạt huy chương vàng Olympic quốc tế, đất nước rất tự hào về các em, về thế hệ trẻ Việt Nam. Có lẽ kỹ năng toán của các em không thua kém những người sáng lập ra Facebook và Google.
Tôi hi vọng với những nỗ lực của Chính phủ, cùng với khát vọng vươn lên của những tài năng trẻ Việt Nam, từ thế hệ này trở đi chúng ta sẽ chứng kiến Mark Zuckerberg, Larry Page của Việt Nam vươn ra toàn cầu…
Thủ tướng luôn ở bên cạnh các bạn
Tôi muốn chia sẻ thêm khi được nghe rằng việc gì Thủ tướng cũng gọi điện, can thiệp thì các cơ quan, cá nhân có trách nhiệm sẽ mất đi tính chủ động. Theo tôi, trách nhiệm ở các khâu phải rất rõ ràng đúng theo quy định của pháp luật.
Gọi điện hay thể hiện sự quan tâm vì Thủ tướng mong muốn mọi người dân hiểu rằng cá nhân Thủ tướng luôn ủng hộ và ở bên cạnh các bạn. Sáng nào tôi cũng dành thời gian đọc báo để nắm thông tin qua nhiều kênh khác nhau.
Tôi mong muốn cán bộ, đặc biệt các cấp lãnh đạo phải sâu sát, nhạy bén, phản ứng nhanh và chắc chắn trước các tình huống, các vấn đề thực tế mà cuộc sống đặt ra. Điều quan trọng nhất khi làm một điều gì đó là cấp lãnh đạo phải cố gắng đặt mình vào vị trí của người dân.
* Tuy nhiên, thưa Thủ tướng, thể chế, chính sách và môi trường kinh tế – văn hóa – xã hội ở nước ta hiện nay liệu có thật sự ươm mầm cho ý tưởng sáng tạo của giới trẻ để từ đó hi vọng có được những ý tưởng khởi nghiệp táo bạo không?
– Chúng ta đã chứng kiến những ý tưởng và mô hình kinh doanh mới của giới trẻ, có những thứ rất đột phá, sáng tạo như tôi đã trình bày, do vậy không thể nói thể chế, chính sách và môi trường kinh tế – văn hóa – xã hội ở nước ta hiện nay không ươm mầm cho ý tưởng sáng tạo.
Tiềm năng của chúng ta còn rất lớn, đặc biệt tiềm năng về con người, về lớp trẻ vốn nhạy bén, luôn sẵn sàng vượt qua thách thức.
Như các bạn biết, Chính phủ và Thủ tướng không chỉ đặt ra mục tiêu tăng trưởng, chúng tôi mong muốn yếu tố năng suất lao động, hàm lượng chất xám, sức sáng tạo trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng GDP.
Những điều này cũng được đề cập đầy đủ trong nghị quyết của Đảng ta, đây cũng là điều kiện quan trọng để Việt Nam vượt khỏi bẫy thu nhập trung bình, nắm bắt những cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Câu hỏi của các bạn rất hay khi đề cập khá đầy đủ các yếu tố quan trọng, hình thành nên một hệ sinh thái khởi nghiệp, đó là thể chế, chính sách, môi trường kinh tế – văn hóa – xã hội. Đây không những là hệ sinh thái thân thiện với khởi nghiệp mà còn là hệ sinh thái của sự phát triển bền vững.
Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, sẽ ngày càng quan tâm đến công tác xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, đề cao văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh (Thủ tướng đã công bố Ngày văn hóa doanh nghiệp Việt Nam 10-11 hằng năm).
Đặc biệt, chúng ta luôn giữ vững ổn định chính trị xã hội, xử lý kịp thời các vụ việc ngay khi vừa mới phát sinh (ví dụ việc tung tin đổi tiền gần đây hay vụ nước mắm mới xảy ra…).
Chính phủ đã và sẽ tiếp tục ban hành nhiều chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, đối xử bình đẳng với các doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hướng tới mục tiêu năm 2020, Việt Nam sẽ có trên 1 triệu doanh nghiệp.
Nhân dịp năm hết tết đến, tôi xin chúc bà con tiểu thương, anh chị em công nhân, các doanh nghiệp và mọi người dân năm mới dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Tôi khuyến khích con cái suy nghĩ độc lập
* Trong gia đình, Thủ tướng có bao giờ tâm sự hoặc nghe con cháu của mình chia sẻ về ý tưởng khởi nghiệp chưa? Và ở cương vị của mình, Thủ tướng khơi gợi, tư vấn, hỗ trợ gì cho con cháu trong gia đình mình có ý tưởng khởi nghiệp?
– Cương vị cao nhất của tôi ở nhà là người chồng, người cha. Tôi có hai đứa con, một trai, một gái và một con rể. Công việc của con gái đầu của tôi là thương mại điện tử, chuyên về các loại đồ dùng cho trẻ sơ sinh, cũng có thể gọi là khởi sự một ý tưởng khởi nghiệp chăng!?
Tuy nhiên, với một công việc như vậy và tôi ở độ tuổi này rồi có lẽ cháu cũng không nhất thiết tham khảo ý kiến của tôi khi làm.
Con trai tôi đang làm ở Trung ương Đoàn, phụ trách tổ chức các sự kiện, công việc yêu thích từ hồi còn sinh viên. Con rể của tôi hiện làm công chức.
Như truyền thống của gia đình, tôi khuyến khích con cái suy nghĩ độc lập, tôi luôn sẵn sàng tư vấn cho các con dưới góc độ một người cha nhưng tôi tôn trọng quyết định của các con.
Những gì con cái tôi đang làm đều bình dị, phù hợp với sức của các cháu và tôi cũng không lo lắng gì nhiều.
Các con tôi có ý thức về trọng trách mà cha mình đang gánh, nên có lẽ vì thế, để tránh áp lực thêm cho tôi, các cháu ít khi chia sẻ với tôi về công việc các cháu làm.
Theo Tuổi trẻ Online
Tác giả:
Comment here