Gia đình anh Xa Văn An vốn có nghề tráng bánh theo kiểu cha truyền con nối. Ngày trước, nghề này đòi hỏi phải bỏ nhiều công và chủ yếu lấy công làm lời. Công việc bắt đầu từ 4 giờ sáng, trải qua nhiều khâu và đến 10 giờ trưa bánh mới được lên liếp, phơi khô. Cách làm thủ công đòi hỏi người làm phải tỉ mỉ, khéo tay thì chiếc bánh tráng mới tròn, đều bột.
“Nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất được thu mua ở một số địa phương của Duy Xuyên. Mọi công đoạn sản xuất đều thực hiện bằng phương pháp thủ công nên rất vất vả, hiệu quả không cao. Bình quân một ngày chỉ tráng được 300 – 400 cái bánh, thị trường tiêu thụ chủ yếu ở trong huyện” – anh An nói.
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành điện lạnh tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh, anh Xa Văn An không xin việc làm mà đi một số nơi học hỏi kinh nghiệm sản xuất bánh tráng theo dây chuyền và quyết định trở về quê nâng cấp, mở rộng cơ sở sản xuất bánh tráng của gia đình. Đồng thời anh An lên kế hoạch, thiết kế bản vẽ và cho ra đời máy sấy bánh tráng để vừa giảm công lao động vừa tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
“Cùng với việc đầu tư trang thiết bị máy móc thì để tạo ra chiếc bánh thơm ngon, bản thân tôi đặc biệt lưu ý đến khâu nguyên liệu đầu vào, nhất là lựa chọn đúng hạt gạo chất lượng. Sau đó, đem gạo vo sạch, thay nước liên tục 2 ngày rồi mới tiến hành xay nhuyễn, bỏ thêm gia vị. Tiếp đến là phải tráng bánh đúng kỹ thuật và phơi nắng để bánh đẹp, tròn đều và giòn” – anh An chia sẻ.
Hiện nay, bình quân mỗi ngày cơ sở bánh tráng Hải An cung cấp ra thị trường 1.500 – 2.000 chiếc bánh, riêng những ngày cận tết thì sản lượng tăng gấp 2 – 3 lần. Thị trường tiêu thụ được mở rộng ra Đà Nẵng, Quảng Ngãi và nhiều địa phương trong tỉnh.
Năm 2019, cơ sở Hải An cung ứng 540.000 chiếc bánh tráng nướng với giá bán 2.000 đồng/cái và thu về gần 1,1 tỷ đồng. Thời gian qua, cơ sở này tạo công ăn việc làm ổn định cho 5 lao động tại địa phương với mức thu nhập khoảng 5 triệu đồng/người/tháng.
Với chất lượng đảm bảo, được người tiêu dùng đón nhận, đầu năm 2020 này bánh tráng của cơ sở Hải An đã được UBND xã Duy Trinh lựa chọn đăng ký tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm – OCOP.
Anh Xa Văn An bộc bạch: “Tham gia chương trình này, tôi kỳ vọng sản phẩm của mình ngày càng vươn ra thị trường rộng lớn, tạo thêm công ăn việc làm cho những lao động nhàn rỗi của địa phương. Cạnh đó, tôi mong muốn các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ khâu tiếp thị, quảng bá sản phẩm và tạo điều kiện thuận lợi cho tôi tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư thêm trang thiết bị, máy móc hiện đại. Đồng thời tư vấn phát triển thương hiệu, đăng ký sử dụng mã số, mã vạch theo quy định. Mặt khác, kết nối tiêu thụ sản phẩm tại các kênh phân phối hiện đại, tạo chuỗi liên kết bền vững, qua đó góp phần nâng cao giá trị sản xuất và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng”.