Năm 2024, mạng lưới cộng đồng khởi nghiệp Quảng Nam hiện nay đã phát triển mạnh mẽ, thường xuyên tương tác và hỗ trợ cho nhau. Các dự án, chủ thể khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã đứng vững trên thị trường và tiếp tục lan rộng thương hiệu.
Năm 2024, TechFest Quang Nam 2024 quy tụ hơn 350 gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp – nông thôn tiêu biểu, thành tựu sáng tạo trẻ, sáng tạo khoa học – công nghệ của tỉnh, các địa phương. Bên cạnh đó còn có nhiều diễn đàn như diễn đàn khởi nghiệp Quốc gia du lịch nông nghiệp gắn kết vùng di sản văn hóa – Duy Xuyên 2024, diễn đàn nghệ thuật truyền thông khởi nghiệp và vai trò báo chí, Diễn đàn Khởi nghiệp Quốc gia “Dược liệu và Mỹ phẩm Việt Nam lần thứ 2 – Quảng Nam 2024”; Diễn đàn Khởi nghiệp Quốc gia “Kết nối đầu tư, thương mại điện tử trên nền tảng số cho doanh nghiệp khởi nghiệp”; Diễn đàn tư vấn “Phụ nữ Quảng Nam khởi nghiệp sáng tạo chuyển đổi xanh”….
Cũng trong năm này, UBND tỉnh Quảng Nam đã công nhận và công bố 43 ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo cấp tỉnh. Bên cạnh đó, có 2 dự án lọt vào chung kết Cuộc thi dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2024.
Đến nay, Quảng Nam vẫn tiếp tục là địa phương dẫn đầu khu vực và tốp đầu cả nước về thành tích cao trong các cuộc thi, đánh giá ý tưởng, dự án khởi nghiệp đạt giải cấp vùng, Quốc gia. Điều này khẳng định dư địa phát triển các dự án khởi nghiệp nơi vùng đất mở Quảng Nam là lớn.
Hiện nay, công tác thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp cấp huyện, thị, thành phố gần như đã hoàn thiện. Quảng Nam đã trở thành địa phương dẫn đầu phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp cấp huyện, trở thành mô hình mẫu để các cơ quan Trung ương nghiên cứu nhân rộng cả nước.
Hội khởi nghiệp thực hiện sứ mệnh nuôi dưỡng, ươm mầm và nâng tầm dự án, đã có những chương trình hành động cụ thể để kết nối, quảng bá sản phẩm dự án khởi nghiệp chính mảnh đất của mình và lan tỏa rộng khắp.
Nổi bật như các Hội khởi nghiệp Tam Kỳ, Hội An, Bắc Trà My, Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn, Phú Ninh,… đã rất thành công trong việc tổ chức các sự kiện quy mô, nhiều hội thảo, diễn đàn có sức ảnh hưởng trực tiếp đến các startup, cộng đồng học sinh sinh viên, người dân đang có ý tưởng khởi nghiệp. Trong mỗi Hội khởi nghiệp đều đã hình thành sợi dây liên kết bền chặt, tương trợ lẫn nhau để cùng nhau phát triển đi lên.
Hệ sinh thái khởi nghiệp Quảng Nam mở rộng đến cấp huyện, nếu có thể nên tiếp tục lan tỏa khởi nghiệp đến cấp xã, để toàn xã hội xác định: Khởi nghiệp là công cuộc lâu dài. Đồng thời, cần phải kết nối phát triển hệ sinh thái vượt ra ngoài phạm vi tỉnh, mang tầm Quốc gia, Quốc tế.
Điều mà tỉnh Quảng Nam quan tâm đó là chính sách về hoàn thiện, phát triển dự án khởi nghiệp trên nền tảng sở hữu trí tuệ, chất lượng và mở rộng thị trường giao thương… là những giá trị cốt lõi, yếu tố quyết định, tạo động lực cho startup trên hành trình dấn thân khởi nghiệp.
UBND tỉnh xác định rằng: khởi nghiệp sáng tạo đã và đang được cả hệ thống chính trị vào cuộc với hàng loạt cơ chế chính sách. Tuy nhiên, dư địa quyết định là: Khát vọng, dấn thân đến từ cộng đồng, các startup – lớp doanh nhân tương lai; chăm lo ươm mầm, đào tạo phát triển, vinh danh dự án khởi nghiệp bằng văn hóa chấp nhận thất bại; phát triển, kết nối nhà đầu tư và cố vấn, giảng viên khởi nghiệp bền vững. Đó là thế chân kiềng cho Hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững.
Các dự án có thể thất bại ban đầu. Nhưng các chính sách hỗ trợ của tỉnh luôn có và luôn sẵn sàng để hỗ trợ cho các chủ thể vượt qua. Hãy chăm lo đào tạo và bồi đắp năng lực để “hấp thụ” cơ chế chính sách.
Tác giả: Phạm Ngọc Sinh
Comment here