Theo quy định của WIPO (Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới) cũng như quy định chung về bảo vệ sở hữu trí tuệ theo phạm vi lãnh thổ quốc gia, theo khu vực thì nhãn hiệu được đăng ký sở hữu trí tuệ tại quốc gia này có thể không được bảo vệ ở quốc gia khác trừ trường hợp chủ nhãn hiệu có thể lựa chọn cách thức bảo vệ khu vực hoặc quốc tế thông qua Hiệp ước quốc tế.
Bản chất của bảo vệ sở hữu trí tuệ là phạm vi lãnh thổ biên giới các quốc gia trên thực tế khác với tên miền là đại diện thay thế địa chỉ IP để định danh máy tính trên Internet toàn cầu với phạm vi quốc tế. Với thông lệ quốc tế thì tên miền sẽ không được điều chỉnh theo quy định sở hữu trí tuệ mà tuân thủ theo quy định của ICANN (Tổ chức quản lý tên miền và số hiệu mạng thế giới), Nhà quản lý tên miền và Nhà đăng ký tên miền, hợp đồng đăng ký tên miền và một số quy định liên quan.
Cách thức xử lý tranh chấp tên miền tại Việt Nam
Hiện nay, văn bản pháp lý Việt Nam có hai hình thức quy định xử lý thuộc về lĩnh vực quản lý của hai Bộ (Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ) đối với cùng một vấn đề liên quan tới tên miền trùng hoặc giống tới mức nhầm lẫn với tên thương hiệu.
Việc đăng ký tên miền được thực hiện theo nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt. Thông lệ chung quốc tế hiện được áp dụng cho cả tên miền quốc tế lẫn tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”. Tên miền “.vn” không nằm trong đối tượng điều chỉnh của Luật Sở hữu trí tuệ, quy định này được thể hiện xuyên suốt từ Luật Công nghệ thông tin, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, Thông tư số 09/2008/TT-BTTTT ngày 24/12/2008. Điều này hoàn toàn phù hợp với thông lệ chung của quốc tế, thương hiệu và tên miền là hai đối tượng độc lập, do đó các vấn đề tranh chấp tên miền phải giải quyết bằng thương lượng hòa giải, giải quyết thông qua Trọng tài hoặc khởi kiện tại Tòa án.
Theo điểm d Điều 130 Luật sở hữu trí tuệ 2005 quy định về các hành vi sau đây bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh: “Đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng nhằm mục đích chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng”.
Cần thống nhất các văn bản quy định về xử lý tranh chấp tên miền trùng tên thương hiệu
Thực tế, nhiều nhãn hiệu hàng hóa khi chuyển sang dạng text có thể trùng nhau trong khi tên miền chỉ có thể là duy nhất do đặc trưng kỹ thuật trên mạng Internet. Ví dụ, nhãn hiệu “Kinh đô” có thể được quyền sở hữu trí tuệ cho nhiều tổ chức, doanh nghiệp khác nhau theo các loại hình bảo hộ khác nhau theo đặc thù loại hình kinh doanh của họ (bánh kẹo, xây dựng, khách sạn, giáo dục qua mạng) cho các bảo hộ, màu sắc khác nhau. Khi chuyển sang tên miền tương ứng thì chỉ có duy nhất dãy ký tự KINHDO được đăng ký trong tên miền. Ví dụ là kinhdo.vn, …
Một chủ thể Kinh đô bánh kẹo đăng ký sử dụng tên miền kinhdo.vn thì có được coi là chiếm giữ tên miền của công ty Kinh đô kinh doanh xây dựng hay giáo dục hay không? Ai chiếm giữ tên miền của ai và làm ảnh hưởng đến chủ thể nào? Trong trường hợp này không thể gắn việc đăng ký tên miền với hành vi cạnh tranh không lành mạnh, chưa kể đến một số tên miền được đăng ký trước khi nhãn hiệu được bảo hộ.
Ông Nguyễn Văn Bảy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đưa ra quan điểm: “Không nên coi tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác là vi phạm hoặc làm ảnh hưởng đến danh tiếng, nhãn hiệu của người khác. Việc kết luận hành vi sử dụng tên miền với ý đồ xấu phải dựa trên nhiều yếu tố trong đó xem xét đến việc sử dụng tên miền cụ thể như thế nào.”
Cùng với tình hình phát triển Internet cũng như số lượng tên miền quốc gia Việt Nam .VN được đăng ký mới và cấp phát theo nguyên tắc “đăng ký trước, xét cấp trước” hàng tháng là trên 8000 tên miền như hiện nay, các vụ việc tranh chấp về tên miền do có sự trùng hợp với các đối tượng được bảo hộ sở hữu trí tuệ sẽ ngày càng xảy ra nhiều hơn và là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển.
Để giải quyết triệt để tình trạng này, Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ liên quan phối hợp ban hành chính sách thống nhất các văn bản quy định về xử lý tranh chấp tên miền trùng hoặc giống tên thương hiệu nhằm khắc phục tình trạng khiếu kiện kéo dài, khó giải quyết như hiện nay.
Ông Trần Minh Tân – Phó Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam đã đưa ra khuyến cáo chung với các tổ chức doanh nghiệp, các chủ nhãn hiệu/thương hiệu đã đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ là nên đăng ký tên miền sớm và sử dụng đúng mục đích để phát huy hiệu quả quảng bá nhãn hiệu và tránh các rắc rối phát sinh.
Theo Minh Ngọc VGPNews
Comment here