TechFest Quảng NamTin Quảng NamTin tức sự kiện

Sát cánh cùng thanh niên khởi nghiệp

Thường xuyên kết nối, nắm bắt để tìm hình thức chia sẻ, hỗ trợ phù hợp, là việc mà tổ chức Đoàn đã và đang triển khai trong phong trào “Đồng hành thanh niên khởi nghiệp (KN), lập nghiệp”.
Tham quan gian trưng bày sản phẩm khởi nghiệp thanh niên tại Ngày hội Khởi nghiệp Quảng Nam lần thứ 2. Ảnh: V.A

Đừng để thanh niên “tự bơi”

Sau gần 5 năm về quê KN, Võ Thị Minh Nga (xã Quế Thọ, huyện Hiệp Đức) đã gặt hái được “quả ngọt”. Nhiều sản phẩm từ dược liệu, ngũ cốc… của cô được khách hàng tin dùng. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, những ngày đầu về quê KN, Minh Nga không ít lần rơi vào trạng thái… “cô đơn”.

“Năm 2016, từ TP.Hồ Chí Minh, tôi quyết định nghỉ việc về quê KN. Nhưng quả thật thời gian đầu gặp không ít khó khăn. Một mình làm, không quen biết ai, khi cần chẳng biết đâu để hỏi, làm sai cũng không biết sửa. Sau này được tham gia vào câu lạc bộ KN, tôi mới được kết nối lãnh đạo tỉnh, địa phương và các sở, ban ngành” – Minh Nga chia sẻ.

Chia sẻ với chúng tôi, một thanh niên KN đến từ huyện Đại Lộc cho biết, trong quá trình KN, vốn, kỹ thuật, thị trường tiêu thụ… đều khó, nhưng rồi bằng nhiều cách đều vượt qua, giải quyết được. Tuy nhiên chỉ có vấn đề thủ tục là khó nhằn nhất. Khi làm nhỏ lẻ, đơn giản thì đỡ, đến lúc phát triển lên thì đụng đến đâu cũng là thủ tục này nọ, khiến doanh nghiệp hết sức lúng túng, mất nhiều thời gian. Vì vậy, ngoài sự hỗ trợ về về vốn, quảng bá sản phẩm…, người trẻ KN như anh cần những tổ chức, đơn vị đứng ra giải đáp, trả lời, “vẽ đường chỉ lối” trong vấn đề hoàn thiện thủ tục pháp lý liên quan đến hoạt động kinh doanh.

KN không hề là con đường trải “hoa hồng”. Người KN thiếu rất nhiều yếu tố, khi không có kinh nghiệm, vốn liếng…, cả kiến thức về kinh doanh. Do đó, sự quan tâm, hỗ trợ của ngành chức năng, các tổ chức, địa phương là hết sức cần thiết. Với thanh niên KN, không ai khác, tổ chức đoàn càng không thể đứng ngoài cuộc. Tất nhiên, muốn đồng hành thì bản thân tổ chức đoàn cũng cần có giải pháp phù hợp, nâng cao năng lực kết nối hỗ trợ KN.

Anh Châu Xuân Quang – Phó Bí thư Huyện đoàn Thăng Bình thừa nhận, ở các địa phương cấp huyện hiện rất thiếu đội ngũ chuyên gia, cố vấn KN. Do vậy, mỗi khi Đoàn thanh niên muốn tổ chức các hoạt động, chương trình KN thì tìm không ra người hỗ trợ.

“Tôi nghĩ, ngoài việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên gia KN cấp tỉnh thì cần quan tâm cho cả cấp huyện. Trong đó, có thể đào tạo cho cả đội ngũ cán bộ đoàn, hội để từ đó chúng tôi có khả năng chủ động giúp thanh niên trong KN” – anh Quang nói.

Đồng hành xuyên suốt

Hiện nay, các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy phong trào KN đang nhận được sự quan tâm của chính quyền, các ban ngành, địa phương. Vậy, với đoàn viên, hội viên của mình thì tổ chức đoàn các cấp cần lựa chọn cách tiếp cận, hỗ trợ như thế nào cho phù hợp là vấn đề đặt ra? 

Thời gian qua, với sự nỗ lực của mình, các cấp bộ đoàn đã sáng tạo những hình thức, giải pháp mới trong đồng hành hỗ trợ KN. Ở cấp tỉnh, ngoài duy trì, nâng chất lượng cuộc thi “Ý tưởng KN đổi mới sáng tạo”, tổ chức diễn đàn và cuộc thi viết về KN…, Tỉnh đoàn đã cho ra mắt chuyên trang giới thiệu quảng bá sản phẩm KN trong thanh niên tại địa chỉ “http://sanpham.tinhdoanqnam.vn”. Ở cấp huyện, một số đơn vị tổ chức chương trình “Cà phê khởi nghiệp” để kết nối, lan tỏa tinh thần KN…

Chị Đặng Thị Ngọc Lan – Bí thư Huyện đoàn Hiệp Đức cho hay, năm 2021 với chủ đề “Thanh niên Hiệp Đức lập nghiệp, KN”, Huyện đoàn sẽ đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đồng hành, giúp đỡ thanh niên như tăng cường tuyên truyền cơ chế, chính sách, các đề án khuyến công, khuyến nông. Thường xuyên đăng tải, giới thiệu gương thanh niên điển hình để lan tỏa tinh thần KN trong người trẻ; tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ thanh niên tiếp cận các nguồn vốn vay bằng cách hướng dẫn, giúp đỡ các bạn trong việc lập dự án, ý tưởng kinh doanh…

“Hiện nay, xu thế chung là nhiều thanh niên sau thời gian làm ăn, học tập ở xa, khi nhìn thấy cơ hội đã quay về quê hương KN. Đây là lực lượng mà chúng ta cần quan tâm, nắm bắt để hỗ trợ các bạn KN thuận lợi, đóng góp vào sự phát triển quê hương” – chị Lan nói.

Anh Hoàng Văn Thanh – Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết, tính trong giai đoạn 2017 – 2019, toàn tỉnh có hơn 1.300 thanh niên là chủ mô hình kinh tế được Đoàn hỗ trợ thông qua nhiều hoạt động khác nhau. Đoàn đứng ra tổ chức các chương trình đối thoại, tập huấn, mở lớp khởi sự doanh nghiệp, hỗ trợ vay vốn, cây con giống… Hiện toàn tỉnh có 36 hợp tác xã, 90 tổ hợp tác, 29 doanh nghiệp do thanh niên làm chủ cùng 322 mô hình, câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế giỏi.

Anh Thanh cho rằng, dù đạt nhiều kết quả nhưng trên thực tế nhiều thanh niên có dự định, ý tưởng KN, lập nghiệp rất khó tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi. Nhiều nguồn vốn hiện cho vay quá ít, dẫn đến các mô hình kinh tế thanh niên còn manh mún, nhỏ lẻ. Trong khi đó, về chủ quan, nhiều thanh niên còn thiếu kinh nghiệm trong quản trị, marketing…; nhiều trường hợp không nắm bắt kịp thời chủ trương, cơ chế, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực phát triển kinh tế, nhất là thanh niên vùng sâu, vùng xa. Thực trạng đó đòi hỏi sự nghiên cứu, suy nghĩ cách làm phù hợp để Đoàn thực sự là người bạn, người đồng hành với thanh niên trên con đường KN, lập nghiệp.

Tác giả: