Sinh ra nơi miền quê trồng nhiều cây nhàu, chị Bùi Thị Tuyết Nhung (phường An Phú, TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) đã ấp ủ dự định và mạnh dạn khởi nghiệp từ loại cây dân dã này. Hiện sản phẩm của chị Nhung đã được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố…
Cây nhàu là loại cây có giá trị dược liệu rất cao, có tên trong danh sách những cây thuốc quý ở Việt Nam, được trồng nhiều ở miền Nam và một số tỉnh miền Trung. Tại tỉnh Quảng Nam, cây nhàu mọc hoang nhiều nhưng ít người biết tới cách sử dụng quả nhàu để chế ra những bài thuốc chữa bệnh.
Chia sẻ về lý do bén duyên với cây nhàu, chị Bùi Thị Tuyết Nhung cho hay: “Từ nhỏ, tôi đã thấy ba mẹ hay thái nhàu phơi khô làm trà hoặc ăn sống chấm muối để chữa một số bệnh như: Cao huyết áp, nhức mỏi xương khớp, đau lưng, chóng mặt, mất ngủ… Lớn lên tôi dành thời gian tìm hiểu và nhận thấy nhàu không chỉ là loại cây dược liệu quý mà còn có thể đem lại lợi nhuận kinh tế cao, nên quyết định nghỉ việc kế toán, học tập thêm kiến thức và khởi nghiệp từ cây nhàu”.
Sau 2 năm nghiên cứu và thử nghiệm, năm 2019 chị Nhung thành lập cơ sở Bestone. Mỗi ngày, chị thu mua từ 50-100kg nhàu tươi chín của bà con nông dân trong vùng, với giá 6.000 đồng/kg. Chị Nhung biến khu vườn rộng gần 300 m2 thành xưởng sản xuất. Ban đầu, chị làm theo cách truyền thống, mua nhàu về rửa sạch, cắt lát, để ráo và cho vào lò sấy thành nhàu khô dùng ngâm rượu hoặc pha trà uống.
Lúc đầu chị biếu tặng người thân, bạn bè dùng thử thì họ đánh giá mùi không còn bị nồng nặc khó chịu nữa, dễ uống hơn rất nhiều. Không dừng lại ở sản phẩm khô. Chị Nhung mày mò nghiên cứu ra sản phẩm nước cốt nhàu. Từ 6-8 kg nhàu tươi ngâm ủ một năm, đưa qua máy chiết lọc được một lít nước cốt. “Để có sản phẩm bán 280.000 đồng/lít tôi đã đổ đi làm lại nhiều lần. Mỗi mẻ ủ thất bại cho mình được kinh nghiệm và sau hai năm đã tìm ra bí quyết làm nước cốt nhàu”, chị nói.
Hiện chị đầu tư 2 tỷ đồng xây dựng xưởng sản xuất tại nhà rộng gần 300 m2 và một xưởng ở xã Tam Ngọc. Chị liên kết với gần 50 hộ dân trồng cây nhàu, mỗi tháng thu mua khoảng 6 tấn quả, giá 8.000 đồng/kg. Ngoài ra, chị thành lập hợp tác xã chế biến nhàu với vốn điều lệ một tỷ đồng, tạo việc làm cho 10 lao động, thu nhập 6,5 triệu đồng mỗi tháng.
Hiện tại, chị Nhung đã có 8 sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao (mỗi địa phương một sản phẩm). Dự án đánh thức giá trị cây nhàu của chị đoạt giải nhì dự án khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Quảng Nam năm 2021. Mục tiêu của chị là liên kết với người dân mở rộng diện tích trồng nhàu. Các sản phẩm không chỉ bán trong nước mà đã tiếp cận thị trường châu Á, châu Âu.
Chị Nhung đã đưa các sản phẩm của mình lên các sàn thương mại điện tử, web, các nền tảng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm và được nhiều người biết tới.
Tác giả: An Nhiên
Comment here