Tốt nghiệp cấp 3, anh Nguyễn Thanh Sơn quyết định vào TP.Hồ Chí Minh lập nghiệp. Về lý do không thi tiếp đại học, cao đẳng, anh cho biết một phần vì hoàn cảnh gia đình, phần khác vì muốn mau chóng có được sự nghiệp của riêng mình. Khoảng thời gian từ năm 2009 – 2016, anh Sơn làm công nhân. Sau khi tích góp được hơn 300 triệu đồng, anh về quê đầu tư mô hình chăn nuôi.
Trên thửa đất của gia đình, anh cải tạo làm chuồng trại nuôi heo và gà. Ngoài ra đầu tư dựng trại riêng để mua 20 cặp dúi sinh sản với giá gần 25 triệu đồng về nuôi. “Dù đã tìm hiểu kỹ qua internet về kỹ thuật cũng như học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình nuôi dúi thành công, nhưng thời gian đầu mô hình nuôi dúi của tôi gần như giẫm chân tại chỗ. Trong 6 tháng đầu, các cặp dúi không giao phối sinh sản. Sau đó, tôi tự mày mò, thử nghiệm nhiều cách thì dúi mới bắt đầu có những dấu hiệu khả quan” – anh Sơn kể.
Khi đàn dúi bắt đầu sinh sản, mô hình của anh Sơn tưởng chừng sẽ vượt qua khó khăn để sinh lãi thì rủi ro ập đến. Mọi cố gắng, nỗ lực bị một trận lụt đầu tháng 10.2017 cuốn trôi hết. Đêm đó nước lớn nhanh, ở nhà chỉ có anh Sơn và người mẹ già, đàn heo và gà không cứu được; đàn dúi có giá trị kinh tế nhất nhưng anh chỉ kịp vớt được 1/3, số còn lại chết hoàn toàn. Sau lụt, trang trại tan hoang, anh Sơn gần như mất tất cả, không còn vốn để tái đàn nên quyết định tiếp tục vào miền Nam lập nghiệp.
Khoảng thời gian từ tháng 10.2017 đến 6.2019, ở TP.Hồ Chí Minh, anh Sơn tiếp tục làm công nhân như trước đây. Nhưng thay vì làm việc mỗi ngày 8 tiếng đồng hồ thì anh liên tục tăng ca, “cày” đến 15 tiếng. Anh quyết tâm kiếm thật nhiều tiền trong thời gian ngắn nhất để về quê khởi nghiệp trở lại. Sau khi dành dụm được hơn 100 triệu đồng, anh về quê, sửa lại nhà cho gia đình và chung vốn với bạn bè mở một quán vịt quay ở thị trấn Tiên Kỳ.
Công việc ở quán vịt tương đối ổn định, cho thu nhập đều và dôi dư thời gian. Từ đó, anh Sơn vay mượn bạn bè đầu tư lại mô hình chăn nuôi. Lần này anh chỉ tập trung vào một loài vật nuôi, đó là dúi. Với 200 triệu đồng, anh đầu tư trang trại hơn 100m2, quy mô 600 con. Anh mua 120 con giống (80 con cái và 40 con đực), đến nay sinh sản được hơn 100 dúi con. Hiện tại anh muốn nhân rộng mô hình nên không bán dúi thịt, chỉ tập trung cho việc sinh sản.
Theo anh Sơn, nếu không có gì thay đổi, khoảng 18 tháng nữa, đàn dúi của anh sẽ lên đến 600 con và bắt đầu xuất trại dúi thịt thương phẩm một cách ổn định ra thị trường. Trong khoảng thời gian này, anh đang tập trung chuẩn hóa quy trình chăn nuôi để được cấp các chứng nhận về an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc dúi trong trại.
“Trước mắt, trại dúi vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tôi mong muốn các ban ngành của địa phương quan tâm, hỗ trợ tôi tiếp cận các kênh vay vốn lãi suất thấp dành cho thanh niên khởi nghiệp để đầu tư vào mô hình. Nếu được như vậy thì thời gian xuất bán dúi thương phẩm sẽ được rút ngắn, mô hình khởi nghiệp với dúi sẽ phát triển” – anh Sơn nói.
Tác giả: