Khởi nghiệpNăm Quốc gia khởi nghiệp - Quảng Nam 2023

Mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp Miền Trung- Khát vọng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên

Việc tạo lập Hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững của bất cứ quốc gia nào cũng đều hướng đến lực lượng lao động tương lai và hệ thống nhà trường cao đẳng, đại học,..đóng vai trò quyết định trong việc đào tạo kiến thức, kỹ năng, nuôi dưỡng đam mê, khát vọng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên

Ngay sau khi khởi động Quốc gia khởi nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025, với mục tiêu: Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên và trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên trong thời gian học tập tại các các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng, trường trung cấp, học sinh đang học tại các trường trung học phổ thông và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên. Tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ học sinh, sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, góp phần tạo việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp trường cao đẳng, đại học miền Trung

Hưởng ứng Năm Khởi nghiệp – Quảng Nam 2023, Đại học Huế tổ chức Diễn đàn “Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp miền Trung- Tây Nguyên” (ĐMST&KN) nhằm hướng đến xây dựng cầu nối vững chắc giữa giáo dục, nghiên cứu và thương mại; cùng nhau tìm kiếm động lực, hoạch định chính sách, xây dựng môi trường thúc đẩy sự phát triển Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp khu vực miền Trung và Tây Nguyên, góp phần phát triển, thúc đẩy ĐMST&KN của Quốc gia. PGS.TS Lê Anh Phương – Giám đốc Đại học Huế cho biết: Đại học Huế đã sớm quan tâm hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên và ngay từ năm 2019, được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ thí điểm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong trường đại học miền Trung (cùng với Đại học Bách khoa Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh).

Từ đó đến nay, sự phát triển của hỗ trợ khởi nghiệp trong các trường cao đẳng, đại học khu vực miền Trung – Tây Nguyên phát triển mạnh trên nền tảng đẩy mạnh nhận thức, trang bị kiến thức,tổ chức các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, mà tiêu biểu nhất là các cuộc thi đánh giá, tuyển chọn ý tưởng, dự án khởi nghiệp; đồng hành cùng địa phương trong tạo lập và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp,…Song, thực tế sự đồng hành và liên kết chưa mạnh như nguồn lực sẳn có và mục tiêu hướng đến. PGS.TS Lê Anh Phương nói thêm: “Kỳ vọng của Diễn đàn là kết nối và chia sẻ nguồn lực trường cao đẳng, đại học trong ĐMST&KN khu vực miền Trung và Tây Nguyên; đề xuất tiêu chí đo lường và đánh giá hiệu quả các hoạt động ĐMST&KN trong các trường đại học, cao đẳng và các địa phương – như là cơ sở để phát triển ĐMST&KN trong nhà trường”

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Trần Duy Đông  nhấn mạnh, miền Trung và Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển kinh tế biển, năng lượng tái tạo, du lịch, nông – lâm nghiệp bền vững. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, Nghị quyết phát triển kinh tế – xã hội các tỉnh, thành miền Trung và Tây Nguyên. Theo đó, xác định mục tiêu phát triển miền Trung – Tây nguyên trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; lấy phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ; phát triển công nghiệp chế biến là động lực; phát triển du lịch là đột phá, việc phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chính là yếu tố quan trọng quyết định sự kinh tế – xã hội bền vững, thành công

Trường Cao đẳng Quảng Nam tham gia Mạng lưới

Phát triển mạng lưới chuyên gia, cố vấn, các nhà đầu tư, ý tưởng, dự án khởi nghiệp,…có uy tín, năng động trong hệ sinh thái khởi nghiệp là giá trị cốt lõi của Hệ sinh thái khởi nghiệp mở Quảng Nam, được lãnh đạo tỉnh kỳ vọng và đánh giá cao. Tuy nhiên, có một thực tế, các trường cao đẳng, đại học Quảng Nam triển khai hỗ trợ, đào tạo học sinh, sinh viên mới triển khai trong hai năm gần đây, với nhiều lúng túng cả về nguồn nhân lực và giáo trình đào tạo khởi nghiệp. Các nhà trường chưa tổ chức được những hoạt động hỗ trợ, khơi dậy những khát vọng chuyên nghiệp, quy mô và sự chủ động biên soạn và ban hành bộ tài liệu cung cấp kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên, tài liệu đào tạo cán bộ tư vấn hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp; phát triển câu lạc bộ khởi nghiệp; thiếu hụt trầm trọng đội ngũ cố vấn, chuyên gia khởi nghiệp;…Để khắc phục tình trạng ấy, Trường Cao đẳng Quảng Nam tiên phong trên địa bàn Quảng Nam tham gia thành viên Mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp trường cao đẳng, đại học miền Trung – Tây Nguyên.  PGS.TS. Vũ Thị Phương Anh – Hiệu trưởng cho biết: “Trường Cao đẳng Quảng Nam là một trong những cơ sở đào tạo đa ngành nghề, bậc học, có quy mô lớn, hầu hết liên quan đến nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế- xã hội Quảng Nam nói riêng, khu vực miền Trung – Tây Nguyên nói chung. Trong thời gian gần đây, hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp tại nhà trường được quan tâm mạnh hơn, chủ động triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên và tham gia phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp tại địa phương, tiêu biểu là trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo lần thứ Tư- TechFest Quảng Nam 2023, nhà trường phối hợp Ban Điều hành khởi nghiệp sáng tạo tỉnh và Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia tổ chức Hội thảo “Khởi nghiệp sáng tạo và liên kết doanh nghiệp- phát triển giáo dục nghề nghiệp trong tình hình mới” Việc tham gia Mạng lưới là cơ hội và giải pháp khắc phục những hạn chế vừa qua và hướng đến tiên phong trong hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại tỉnh với các hoạt động đào tạo, huấn luyện, kết nối; trang bị kiến thức, kỹ năng và tư duy sáng tạo cho học sinh, sinh viên và xã hội

Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã ban hành Đề án đào tạo giảng viên nguồn (ToT) về khởi nghiệp, với mục tiêu hình thành đội ngũ giáo viên, giảng viên giảng dạy khởi nghiệp đủ mạnh, đạt trình độ chuẩn. Đó là cơ hội để phát triển đội ngũ giáo viên các trường cao đẳng, đại học, THPT trên địa bàn tỉnh. Chính đội ngũ ToT này sẽ là nhân tố quan trọng trong tham gia mạng lưới và trở thành cầu nối để hợp tác, mời đội ngũ chuyên gia, cố vấn, ToT của mạng lưới về xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tại các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh. Là tổ chức đồng hành cùng Trường Cao đẳng Quảng Nam trong hoạt động TechFest Quảng Nam 2023, TS. Đinh Việt Hòa- Chủ tịch Hiệp hội khởi nghiệp quốc gia đánh giá: Việc hình thành mạng lưới là hình mẫu của khởi nghiệp mở. Chúng tôi cho rằng: các trường cao đẳng, đại học Quảng Nam tiếp tục tiến đến tham gia mạng lưới khởi nghiệp quốc gia để hướng đến sự hỗ trợ, cố vấn cho các em sau khi tốt nghiệp, để khỏi cảm thấy hụt hẩng và cơ hội phát triển nhanh hơn. Quảng Nam là địa phương làm rất tốt việc này

Mạng lưới ĐMST và KN miền Trung – Tây Nguyên là hoạt động hiệu quả của Đề án hỗ trợ phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia. Trường Cao đẳng Quảng Nam sẽ là nơi tiên phong kiến tạo sự thay đổi, thay đổi từ trong quá trình đào tạo để sinh viên ra trường có những tư duy thay đổi, từ đó tạo nên những hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giàu năng lượng và kết nối mạnh mẽ như slogan: Quảng Nam – vùng đất mở cho khởi nghiệp sáng tạo

 

 

Tác giả: Phạm Ngọc Sinh

Comment here