Lễ giỗ tổ nghề mắm được người dân làng mắm Cửa Khe tổ chức vào ngày 20/2 Âm lịch hàng năm, nhằm thể hiện sự tưởng nhớ, kính trọng công đức của các bậc tiền hiền, tổ nghề đã khai sinh và truyền lại nghề truyền thống. Qua đó, thể hiện sự hân hoan về bề dày lịch sử của làng nghề, truyền đạt, phát huy và tôn tạo những giá trị văn hóa truyền thống.
Năm nay, lễ giỗ được tổ chức long trọng hơn mọi năm với sự tham gia của đông đảo người dân, các ban ngành từ tỉnh, huyện, đến địa phương. Buổi lễ cúng tổ nghề được tổ chức tại nhà thờ tiền hiền thôn Duy Hà, mọi người dâng hương với tâm niệm cầu mong mưa thuận gió hòa, nghề mắm truyền thống làng Cửa Khe sẽ ngày càng phát triển thịnh vượng. Tiếp đến là các hoạt động văn nghệ chào mừng, giới thiệu về lịch sử của làng mắm Cửa Khe, tiệc trà thân mật.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Ngọc Sinh, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Nam “Làng mắm Cửa Khe có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh, đặc biệt là tổ chức hoạt động sản xuất làm mắm gắn với phát triển du lịch. Người dân cần chú trọng về chất lượng sản phẩm, đặt uy tín lên hàng đầu để giữ vững thương hiệu truyền thống của làng nghề. Đồng thời tích cực tham gia các sân chơi để đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, tìm kiếm cơ hội vươn xa hơn”.
Năm 2014, UBND tỉnh Quảng Nam công nhận làng nghề nước mắm Cửa Khe là làng nghề truyền thống. Được biết, làng nghề này đã phát triển qua hơn 100 năm và có hàng trăm hộ mưu sinh bằng nghề sản xuất nước mắm. Đến nay, làng nghề còn hơn 60 hộ sản xuất nước mắm, với 10 cơ sở tham gia vào tổ hợp tác.
Đặc biệt, sản phẩm nước mắm Cửa Khe đã có 2 cơ sở được công nhận đạt chuẩn 3 sao OCOP của tỉnh Quảng Nam, theo Chương trình “mỗi xã một sản phẩm”. Đó là, sản phẩm nước mắm Cửa Khe Hai Hiền của Hợp tác xã Hai Hiền (công nhận OCOP năm 2018), sản phẩm nước mắm Cửa Khe – Quảng Nam của Công ty TNHH Cửa Khe – Quảng Nam (công nhận OCOP năm 2020).
Anh Võ Nguyên Tùng, Trưởng Ban quản lý làng nghề truyền thống nước mắm Cửa Khe bày tỏ sự mong muốn, để làng nghề nước mắm Cửa Khe phát triển gắn với du lịch, thì người dân làng nghề cần sự hỗ trợ hơn nữa từ các cấp, ban ngành địa phương.
Bên cạnh đó, chung tay xây dựng cổng chào làng nghề truyền thống nước mắm Cửa Khe, xây nhà trưng bày và giới thiệu sản phẩm, tạo điều kiện cho các Doanh nghiệp và Hợp tác xã làm du lịch gắn với làng nghề, từ đó tạo việc làm cho người dân, nâng cao thu nhập, qua đó giữ gìn làng nghề phát triển thịnh vượn hơn nữa trong thời gian tới.