Năm Quốc gia khởi nghiệp - Quảng Nam 2023Tin Quảng NamTin tức sự kiện

Hướng đi mới của các chủ thể khởi nghiệp

Năm 2023, bên cạnh những định hướng, mục tiêu lớn trong sản xuất kinh doanh, nhiều chủ thể khởi nghiệp đã chọn cho mình hướng đi bền vững hơn bằng cách đầu tư thêm kiến thức, kỹ năng nhằm phát triển, nâng tầm dự án.

Startup đóng góp ý kiến trong cuộc gặp mặt đầu Xuân Qúy Mão

Dấu ấn năm 2022

Năm 2022 đánh dấu cột mốc hơn 5 năm Quảng Nam triển khai xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp (KN). Trong năm, bên cạnh những hoạt động sôi nổi thúc đẩy phong trào KN, tại các địa phương trong tỉnh, nhiều ý tưởng, dự án KN mới đã khẳng định được giá trị tại những “sân chơi” cấp tỉnh và trung ương.

Năm 2022 ghi nhận số lượng đăng ký tham gia đánh giá, công nhận ý tưởng KN cấp tỉnh tăng kỷ lục với 124 ý tưởng/dự án. Sau khi đánh giá, UBND tỉnh đã quyết định công nhận 43 ý tưởng/dự án, nâng tổng số dự án KN được công nhận từ năm 2017 đến nay lên 147 dự án.

Theo ông Phạm Ngọc Sinh – Phó Giám đốc Sở KH-CN, Trưởng ban Điều hành hỗ trợ KN sáng tạo tỉnh, số lượng dự án được công nhận năm sau nhiều hơn năm trước, ngày càng có nhiều dự án KN đến từ các huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Điều đó nói lên phần nào tinh thần KN lan tỏa mạnh mẽ qua hơn 5 năm Quảng Nam bắt tay xây dựng hệ sinh thái KN.

Ở cấp cao hơn, các dự án KN đến từ Quảng Nam cũng để lại không ít dấu ấn. Cụ thể, tại chương trình Phát triển dự án KN quốc gia năm 2022, trong 10 dự án xuất sắc nhất toàn quốc, Quảng Nam có 3 đại diện gồm: dự án Lá khô hanmade của Nguyễn Như Sinh (Đại Lộc), dự án Nước mắm Ngọc Lan – Nâng tầm thương hiệu sản phẩm làng nghề của Lê Thị Ngọc Tầm (HTX Ngọc Lan Quảng Nam, TP.Tam Kỳ) và dự án Nâng cao giá trị thương hiệu nông sản thông qua chuỗi liên kết bền vững của Thái Thị Nhị (Cơ sở Ngũ cốc Mẹ Mít, TP.Hội An). Đáng chú ý, năm nay chương trình không trao giải nhất, nhì, ba như những năm trước.

Trước đó, dự án Lá khô handmade của Nguyễn Như Sinh đã đoạt giải Nhì tại 2 cuộc thi “Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo miền Trung – Tây Nguyên” và “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2022.

Cũng trong năm này, 2 gương mặt trẻ thuộc thế hệ “9X” của Quảng Nam là chị Nguyễn Kiều Bảo Hân – Giám đốc Công ty TNHH Hapinut và chị Nguyễn Thị Tố Nga – Giám đốc Công ty TNHH sản xuất TMDV Sosafco đã được Trung ương Đoàn trao giải thưởng Lương Định Của…

Ngoài mong muốn khẳng định bản thân và giá trị của các ý tưởng, dự án, các chủ thể KN cho rằng những sân chơi KN đã mang đến nhiều giá trị, góp phần giúp họ hoàn thiện và phát triển dự án KN.

Chị Lê Thị Ngọc Tầm – Giám đốc HTX Ngọc Lan Quảng Nam chia sẻ, dự án KN khi tham gia chương trình Phát triển dự án KN quốc gia và lần lượt vượt qua các vòng thi đã giúp bản thân chị có cơ hội được gặp và nghe ý kiến đóng góp của những chuyên gia KN nhằm hoàn thiện dự án.

“Những câu hỏi phản biện của các chuyên gia giúp mình đào sâu hơn, nhìn rõ hơn vấn đề mà nước mắm Ngọc Lan cần tập trung hơn. Ngoài ra, qua cuộc thi tôi được gặp gỡ và học hỏi những cái hay của những dự án khác trên cả nước. Tóm lại, đó là cơ hội để chúng tôi cùng nhìn lại dự án một cách tổng thể và suy nghĩ một cách nghiêm túc về đường hướng lâu dài cho việc phát triển sản phẩm nước mắm truyền thống của làng nghề” – chị Tầm chia sẻ.

Nâng tầm, phát triển bền vững

Đầu Xuân Quý Mão, chia sẻ với phóng viên Báo Quảng Nam, anh Võ Khắc Lĩnh – Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất – thương mại – dịch vụ Thịnh Nghi đã thông tin những con số ấn tượng cùng định hướng kinh doanh đầy tiềm năng.

Năm 2019, Võ Khắc Lĩnh lọt top 100 gương mặt trẻ KN tiêu biểu toàn quốc. Anh bắt tay KN và ghi dấu ấn ban đầu với các sản phẩm đèn trang trí bằng gỗ và hiện nay đang tập trung phát triển mạnh mảng gia công sắt thép, tham gia vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.

Từ chủ thể KN nhỏ, đến năm 2022, doanh thu công ty của anh Lĩnh đã đạt gần 20 tỷ đồng. Đặc biệt, công ty đã được nhiều doanh nghiệp lớn, trong đó có cả Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) chọn làm đối tác gia công phụ kiện.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu thăm sản phẩm khởi nghiệp “Bếp điện cộng hưởng nhiệt” của Nguyễn Thành Vĩ (xã Điện Phong, Điện Bàn) trong năm 2022.

Năm 2023, trước dự báo gặp nhiều khó khăn, nhiều chủ thể KN đã chọn cho mình những hướng đi phù hợp để phát triển bền vững.

Anh Phạm Văn Huệ – Giám đốc HTX Sản xuất dầu thực vật nguyên chất Bảo Tâm – đơn vị đã có 2 sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao, cho biết dự định sẽ tiến hành tinh gọn mọi thứ, từ cung ứng nguyên vật liệu đầu vào, quy trình sản xuất, đồng thời kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả quá trình bán hàng, sau bán hàng, công nợ…

Ở một định hướng khác, anh Lâm Phụng Điệp – Giám đốc HTX Thanh niên Bình Phục cho biết, đơn vị không đặt nhiều mục tiêu lớn về doanh thu trong năm 2023 mà thay vào đó sẽ tập trung hoàn thiện các kỹ năng nhằm nâng tầm và phát triển bền vững dự án KN. Ngay từ đầu năm, anh Điệp đã quyết định bỏ ra hơn 30 triệu đồng để đăng ký tham gia khóa học về phát triển chiến lược kinh doanh do Công ty TNHH Tư vấn giải pháp và đào tạo BQ.

“Việc sản xuất, kinh doanh của chúng tôi trong năm 2022 khá tốt nhưng tôi mong muốn có nhiều sự bứt phá và phát triển hơn trong những năm đến. Đó là lý do tôi đăng ký khóa học và chọn những người cố vấn đi cùng nhằm hoàn thiện bản thân và định hình rõ hơn con đường đi sắp đến” – anh Điệp chia sẻ.

Năm 2022, ý tưởng “Gà ác tiềm thuốc bắc, hạt sen” của anh Điệp đã được công nhận ý tưởng KN cấp tỉnh. Năm 2023, mục tiêu của anh Điệp là hoàn thiện sản phẩm để tham gia đánh giá, công nhận OCOP.

 

Tác giả: Phan Toàn

Comment here