Trở về sau khi đạt giải nhất Tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, anh Dương Ngọc Ảnh (quê H. Quế Sơn, Quảng Nam) cùng cộng sự tiếp tục những dự định mới trên hành trình đưa Phở sắn Quế Sơn ra thế giới.
Trở về sau khi đạt giải nhất Tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, anh Dương Ngọc Ảnh (quê H. Quế Sơn, Quảng Nam) cùng cộng sự tiếp tục những dự định mới trên hành trình đưa Phở sắn Quế Sơn ra thế giới. Trò chuyện với chúng tôi, anh Ảnh tâm sự rất mong muốn đưa củ sắn, một loại nông sản gắn liền với những vùng quê nghèo xứ Quảng phát huy tiềm năng của mình, trở thành một “spaghetti” của Việt Nam. Vượt qua hàng chục đối thủ trong cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây nguyên, anh Ảnh đã khiến không ít người bất ngờ trước sự biến hóa tài tình của củ sắn trong tầm nhìn của một người trẻ tâm huyết với quê hương. Trước đó, dự án Phở sắn Caromi cũng đoạt giải nhì tại vòng chung kết cuộc thi thuyết trình ý tưởng Khởi nghiệp-SURF Pitching Competition 2018 tại TP Đà Nẵng.
(Anh Dương Ngọc Ảnh bên những lá phở sắn thương hiệu Caromi.)
Chia sẻ về mối lương duyên của mình với cây sắn, anh Ảnh cho biết: “Từ thời ông bà tôi đã là một trong những hộ làm phở sắn đầu tiên tại Quế Sơn. Ngày xưa còn khó khăn, cây sắn trở thành lương thực chính của người dân không chỉ vùng Quế Sơn mà còn cả Quảng Nam. Cây sắn đã thay lúa gạo nuôi sống biết bao thế hệ. Chính vì điều đó mà một thời món phở làm từ củ sắn đã trở thành “cao lương mĩ vị” của nhiều gia đình. Khi cuộc sống khấm khá hơn, cái ăn cái mặc đã đủ đầy thì cây sắn lại bị lãng quên”. Ảnh vẫn nhớ về thời kỳ khó khăn khi chứng kiến ông bà nội làm phở sắn. Do ép và kéo phở bằng tay nên năng suất thấp, người làm phải dậy từ sáng sớm để kịp kéo phở trước khi trời nắng gắt, thu hoạch phở dưới nắng nóng rồi chắt lọc nước ngâm bột sắn thường xuyên dễ bị hư da tay, chân. Những ký ức đó vẫn luôn đau đáu trong lòng, thôi thúc anh hướng về nguồn cội. Lớn lên bên những đồi sắn bạt ngàn, đã quen thuộc với những công đoạn làm ra phở sắn nhưng sau khi rời ghế nhà trường, anh Ảnh lập công ty riêng ở TP Hồ Chí Minh, chuyên gia công phần mềm quản lý cho doanh nghiệp của Đức. Một lần về thăm quê, nhìn thấy nghề làm phở sắn bị mai một, cả thị trấn Đông Phú chỉ còn có 5 hộ theo nghề, anh Ảnh lại canh cánh một nỗi buồn. Tưởng như nghề làm phở sắn của tuổi thơ đã chấm dứt nhưng 11 năm sau, anh quyết định bỏ tất cả công việc ở phố về quê khởi nghiệp bằng chính cái nghề cha truyền con nối của quê hương.
Dự án Phở sắn Caromi ra đời với phương châm “Back to the roots” (tạm dịch: “Trở về cội nguồn”, từ “root” trong tiếng Anh cũng có nghĩa là rễ, củ). Ngoài giá trị nâng cao thương hiệu phở sắn trên thị trường thì việc cây sắn được định danh mới, có giá trị thương mại cao hơn sẽ giúp cho bà con trồng sắn ở quê nhà có thêm thu nhập. “Cây sắn ở Việt Nam được trồng rất nhiều, thời gian trồng lâu và hút được nhiều chất dinh dưỡng của đất. Củ sắn giàu khoáng, không gây tăng cân, hỗ trợ giảm cholesterol, đường máu… Tinh bột trong củ sắn rất tốt cho sức khỏe đồng thời cũng phù hợp với xu thế ẩm thực trong tương lai, vì vậy tôi rất tin tưởng vào tiềm năng của nó. Những người bạn nước ngoài được tôi giới thiệu về loại phở này cũng rất hào hứng vì chưa bao giờ họ được ăn tinh bột làm từ 100% củ sắn”.
(Phở sắn là món ăn đặc trưng của vùng Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam)
Cơ duyên của anh Ảnh và cộng sự là khi đến với Dnes – Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng đã trang bị cho anh những phần kiến thức mới về khởi nghiệp. “Tôi thấy dự án của mình may mắn khi được lãnh đạo huyện, tỉnh Quảng Nam quan tâm giúp đỡ. Ngoài ra, đến với khóa ươm tạo của Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng, gặp gỡ nhiều chuyên gia cũng giúp tôi có những tầm nhìn tốt hơn. Sự quan tâm đó cho thấy đây là dự án có yếu tố xã hội rất lớn, rất đặc trưng cho vùng miền. Ngoài cách thức ăn phở sắn truyền thống (nhân gà, cá lóc, tôm thịt) chúng tôi còn nghiên cứu cho ra đời những món mới phù hợp với khẩu vị của nhiều địa phương khác như salad phở sắn, phở sắn chiên phồng, phở sắn gấc… Hiện chúng tôi cũng đang mong muốn làm loại nước sốt đặc biệt dùng để chan phở sắn, nếu làm được loại sốt này thì phở sắn sẽ được nhiều người trên thế giới biết đến hơn”, anh Ảnh chia sẻ. Là một dự án khởi nghiệp mới nhưng những giải thưởng cao đã chứng minh được tiềm năng của Phở sắn Caromi. Tại sự kiện SURF 2018 diễn ra tại TP Đà Nẵng, bà Nguyễn Phi Vân-Chuyên gia về nhượng quyền thương hiệu đã nhắc đến món phở sắn này như một “nhân vật chính” trong bài nói chuyện của diễn giả. Bà gợi ý nên nâng sản phẩm này lên thành trải nghiệm cho người dùng không chỉ ẩm thực đặc sản mà còn là du lịch – bởi đây chính là xu hướng của khởi nghiệp trong thời đại mới. Đó cũng chính là điều mà anh Ảnh và cộng sự đang theo đuổi.
Tác giả: