Khởi nghiệpTin Quảng NamTin trong nướcTin tức sự kiện

Giữ gìn làng nghề truyền thống gắn với chuyển đổi số và du lịch xanh

Đó là chủ đề của Tọa đàm nằm trong sự kiện “Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi để phát triển” năm 2022 sắp diễn ra tại xã biển Tam Thanh, TP Tam Kỳ. Chương trình do Hội LHPN TP Tam Kỳ tổ chức, sẽ được diễn ra vào ngày 23.7 hứa hẹn mở ra nhiều điểm sáng cho làng nghề truyền thống nước mắm Tam Thanh và du lịch nơi đây trong tương lai.

Nước mắm Tam Thanh đang “hồi sinh”

Tam Thanh là xã biển, cách trung tâm TP Tam Kỳ khoảng 7 km về phía đông. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, làng nghề nước mắm nơi đây đang dần phục hổi, phát triển và khẳng định thương hiệu đặc trưng riêng có.

Bà Trần Thị Ngọc Lan – người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề làm nước mắm truyền thống Tam Thanh chia sẻ, có thời điềm, nhiều cơ sở làm nước mắm ở đây đã nghĩ đến chuyện đóng cửa. Ngoài việc nguyên liệu cá cơm khan hiếm, thị trường đầu ra không ổn định, lại bị các thương hiệu nước mắm có tên tuổi cạnh tranh. Việc quảng bá, xây dựng thương hiệu và cách làm còn manh mún, nhỏ lẻ đã khiến nhiều người làm nghề nước mắm truyền thống lo lắng về sự mai một của làng nghề. Tuy nhiên, những năm gần đây, làng nghề nước mắm truyền thống Tam Thanh bắt đầu hồi sinh và phát triển trở lại. Với cách thức chế biến truyền thống, lại đảm bảo an toàn thực phẩm nên nước mắm Tam Thanh dần được thị trường đón nhận bởi hương vị thơm ngon, đậm đà.

Nước mắm truyền thống Tam Thanh được gìn giữ với phương thức sản xuất truyền thống
Nước mắm truyền thống Tam Thanh được gìn giữ với phương thức sản xuất truyền thống

“Cá cơm sau khi được đưa vào vại muối khoảng 10 – 12 tháng, thì có thể chắt lọc những giọt nước mắm đầu tiên để bán. Với phương thức thủ công truyền thống được truyền lại qua bao đời, nước mắm Tam Thanh đang được thị trường ưa chuộng bởi chất lượng nước mắm thơm ngon, không sử dụng hóa chất và chất bảo quản trong quá trình sản xuất” – Bà Lan cho biết thêm.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình – Chủ tịch UBND xã Tam Thanh, hiện nay, làng nghề nước mắm truyền thống Tam Thanh với gần 50 hộ chế biến nước mắm, trong đó có 3 hợp tác xã (HTX) sản xuất nước mắm. Trong năm 2019, sản phẩm nước mắm Tam Thanh của HTX nước nắm Tam Thanh tham gia sản phẩm “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) và được tỉnh đánh giá sản phẩm đạt chuẩn 3 sao. Đến nay, làng nghề có 2 sản phẩm nước mắm đạt 3 sao Ocop tỉnh Quảng Nam.

“ Từ năm 2017 đến nay, nước mắm Tam Thanh đã có sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Để mở rộng sản xuất, tạo nguồn đầu ra ổn định, địa phương đã tuyên truyền, thành lập 3 Hợp tác xã sản xuất nước mắm. Đồng thời lồng ghép các nguồn vốn nông thôn mới giúp người dân mở rộng quy mô, đầu tư máy móc, mẫu mã sản phẩm để mở rộng thị trường” – Ông Nguyễn Thanh Bình nói.

Thích ứng để phát triển

Bà Nguyễn Thị Kim Yển – Chủ tịch Hội LHPN TP Tam Kỳ cho biết, chương trình tọa đàm “Giữ gìn làng nghề truyền thống gắn với chuyển đổi số và du lịch xanh” nằm trong khuôn khổ của sự kiện “Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi để phát triển” năm 2022. Đây cũng là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động “Ngày hội văn hóa thể thao biển 2022 của thành phố Tam Kỳ.

Sở dĩ Hội LHPN TP chọn xã biển Tam Thanh để tổ chức các hoạt động bởi đây là xã điểm về chống rác thải nhựa. Các hoạt động đều có sự liên quan mật thiết với nhau. Bởi du lịch làng nghề truyền thống là hướng du lịch không mới, nhưng với chuyển đổi số và du lịch xanh đang là xu thế trong giai đoạn hiện nay. Xoay quanh tọa đàm về “Giữ gìn làng nghề truyền thống gắn với chuyển đổi số và du lịch xanh” sẽ là dịp để người dân địa phương chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, đồng thời thể hiện trách nhiệm trong việc gìn giữ và phát triển làng nghề.

Du lịch trải nghiệm tại HTX Nước mắm Ngọc Lan
Du lịch trải nghiệm tại HTX Nước mắm Ngọc Lan

Về đầu tư để phát triển làng nghề truyền thống nước mắm Tam Thanh, ông Nguyễn Ba – Trưởng phòng Kinh tế TP Tam Kỳ cho biết, thời gian qua, đơn vị đã rà soát, đánh giá và tham mưu cho UBND TP Tam Kỳ về việc hỗ trợ đối với các chủ thể đảm bảo điều kiện. Trong đó, chú trọng hỗ trợ máy móc kỹ thuật, xây dựng nhãn mác, bao bì sản phẩm. Kết hợp với công tác tuyên truyền, việc xúc tiến, kết nối quảng bá sản phẩm nước nắm truyền thống Tam Thanh được triển khai sâu rộng, cụ thể như: Xúc tiến triển khai các sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử như: SENDO, TIKI, Shopee, Viettlel Post, sanphamquangnam.gov.vn, chuyển đổi số, tham gia tại các hội chợ, Techfest, hệ thống siêu thị…

Theo bà Nguyễn Thị Kim Yển, việc giữ gìn làng nghề truyền thống gắn với chuyển đổi số và du lịch xanh phải lấy người dân làm trung tâm, bởi chính họ là chủ thể của sự phát triển. Ngoài tọa đàm “Giữ gìn làng nghề truyền thống gắn với chuyển đổi số và du lịch xanh”; Hội LHPN TP Tam Kỳ còn tổ chức hoạt động tham quan, trải nghiệm làng nghề nước nắm truyền thống; trưng bày, giới thiệu, giao lưu, kết nối sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ; chương trình giao lưu ẩm thực gắn với sản phẩm nước mắm Tam Thanh; hô hát bài chòi… Điểm nhấn của sự kiện là không sử dụng hộp xốp, nhựa và túi ni lông không thân thiện môi trường.

“Đây dịp để phụ nữ vùng biển Tam Thanh phát huy hiệu quả gìn giữ làng nghề truyền thống, gắn chuyển đổi số và phát triển du lịch cộng đồng; đồng thời giúp phụ nữ Tam Kỳ giới thiệu, kết nối sản phẩm khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình” – Bà Nguyễn Thị Kim Yển nói./.

 

 

 

 

 

 

Tác giả: Phan Vinh

Comment here