Tin Quảng NamTin tức sự kiện

Đưa thương hiệu đặc sản biển đảo Tam Hải vươn xa.

Thương hiệu Cô Kiệu của chị Phạm Thị Lê Na, sinh năm 1990 thôn Bình Trung xã Tam Hải là một trong những sản phẩm tiêu biểu đại diện cho huyện Núi Thành được chọn tham gia Hội chợ giới thiệu sản phẩm nông nghiệp do Hội Nông dân tỉnh tổ chức vừa qua.

Sản phẩm đã đạt được thành công như mong muốn khi thu hút được nhiều khách hàng tìm đến mua, tiêu thụ toàn bộ. Vừa có cơ hội được trưng bày giới thiệu những đặc sản, đặc trưng của xã đảo để phát triển kinh tế vùng miền, cũng là cách quảng bá để người dân khắp nơi biết đến xã đảo Tam Hải, góp phần phát triển du lịch cho quê hương. 
Chị Lê Na với niềm đam mê và tâm huyết đưa hương vị biển quê nhà đến mọi miền, đã xây dựng thành công thương hiệu Cô Kiệu. Chị vừa đang làm việc ở Công ty TNHH CCI Việt Nam vừa là chủ cơ sở sản xuất mực, cá rim Cô Kiệu. Chị cho biết: Người dân Tam Hải chủ yếu làm nghề câu mực. Mực khơi thì xuất bán ra nước ngoài, mực lá thì tiêu thụ tại chỗ. Nhưng mực lá phơi khô sẽ bị cứng khi nướng. Vậy là tôi quyết định nghĩ đến việc chế biến mực lá bằng cách xé sợi nhỏ và rim. Tôi bắt đầu khởi nghiệp từ cuối năm 2016. Ban đầu làm thử, nhưng được mọi người đón nhận khen ngon và ủng hộ nhiệt tình. Chỉ trong tháng tết năm đó, doanh thu từ sản phẩm mực rim xé sợi được 30 triệu đồng. 

Chị Na nhận thấy nghề này có khả năng phát triển tốt vì chị có lợi thế nguồn nguyên liệu chủ động tươi ngon đảm bảo, thu mua ngay tại địa phương và an toàn vệ sinh. Nhưng cái duyên và cũng là động lực để chị mạnh dạn đăng ký nhãn hiệu khi được anh Trần Viết Âu, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đầu tư và khởi nghiệp Quảng Nam giới thiệu tham gia trưng bày sản phẩm khởi nghiệp tại Tam Kỳ sau đó. Chị bày tỏ: “Lúc đó tôi nghĩ chỉ đem trưng bày để giới thiệu Cô Kiệu đến với mọi người nhưng không ngờ sản phẩm được tiêu thụ toàn bộ chỉ trong thời gian ngắn. Tại đây, tôi gặp được nhiều bạn trẻ khởi nghiệp với rất nhiều dự án mới lạ và có thành công nhất định nên cũng học hỏi được kinh nghiệm và quyết tâm theo đuổi ước mơ mang sản phẩm quê mình đi xa hơn nữa”. Sau đó, chị tiếp tục đưa sản phẩm thương hiệu Cô Kiệu tham gia các hội chợ khác trong tỉnh. Bên cạnh đó, được các cấp hội đoàn thể bà con xã đảo Tam Hải cũng đều mong muốn sản phẩm của quê mình đi xa hơn nên luôn tạo điều kiện để chị giới thiệu thương hiệu Cô Kiệu với khách hàng. Lê Na luôn mong muốn sản phẩm thương hiệu Cô Kiệu gồm mực rim xé sợi, mực rim me, cá đét sấy giòn, cá đét rim me, cá cơm sốt me, gắn liền với quê hương Tam Hải nên toàn bộ nguồn nguyên liệu chị đều lấy tại đây, có thể chủ động trong nguồn nguyên liệu tươi ngon vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm khi chế biến tại chỗ. 
Chị Lê Na cho biết: Hiện nay, doanh thu bình quân của cơ sở khoảng 40 triệu đồng/tháng, đây là con số khiêm tốn nhưng với người dân quê, như vậy là đủ với mức sống. Điều quan trọng hơn là đưa được sản phẩm quê mình được đến với mọi người, mọi miền Tổ quốc. Sản phẩm thương hiệu Cô Kiệu hiện nay có mặt ở các tỉnh thành trong cả nước, chủ yếu là Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh. Cơ sở còn tạo việc làm bán thời gian cho một số người dân địa phương. Vào lúc cao điểm như dịp tết thì công nhân làm toàn thời gian mới đủ cung cấp sản phẩm cho thị trường. 
Ông Phạm Văn Minh, Chủ tịch Hội nông dân huyện Núi Thành đánh giá: Tạo điều kiện tham gia các Hội chợ giới thiệu trưng bày sản phẩm là một trong những cách giúp thương hiệu Cô kiệu quảng bá sản phẩm đặc sản đặc trưng của xã đảo, ngày càng khẳng định chỗ đứng bền vững trên thị trường. Hiện nay, ở xã đảo Tam Hải sản xuất nhiều sản phẩm truyền thống rất tốt như nước mắm, rau xoa, rau đá, rau mứt… Mà hầu như người dân chỉ bán sản phẩm thô chứ chưa nghĩ đến việc chế biến, tạo thương hiệu, dù sản phẩm quê có chất lượng và rất được người tiêu dùng tin tưởng ưa chuộng. Nhiều nông dân có tâm huyết muốn làm việc lớn hơn và mong muốn có được sự hỗ trợ. Vì vậy, các ngành, các hội của huyện tiếp tục có định hướng để người nông dân xây dựng được tổ chức sản xuất theo mô hình là tổ hợp tác, Hợp tác xã. Huyện đang tập trung cho việc tổ chức mô hình này để nâng cao năng lực sản xuất của người dân, nâng cao giá trị sản phẩm. Những hộ nông dân sản xuất từng lĩnh vực từng ngành nghề có thể liên kết lại với nhau, phát triển thành thương hiệu, góp phần phát triển kinh tế địa phương./.

Tác giả: Ái Ly – Cổng Thông tin điện tử huyện Núi Thành

Tác giả: