Ở xã biên giới Ga Ri (Tây Giang) xa xôi, lâu nay, đồng bào Cơ Tu đã quen với tư duy sản xuất tự cung tự cấp. Nhưng có ngờ đâu dứa rẫy, tiêu rừng, các loại nông sản của bà con dân tộc thiểu số Cơ Tu lại có ngày “cháy hàng”. Đó là do cách làm mới mà chị Koor Thị Nghệ – Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp sinh thái Rừng xanh rau sạch đã giúp bà con chuyển đổi mô hình kinh tế thị trường, đưa nông sản xuống thành phố tiêu thụ nhằm nâng cao thu nhập.
Sau khi tốt nghiệp Trung cấp sư phạm Tiểu học, chị Nghệ về quê nhưng không có việc làm, chị mở một quán bán tạp hóa nhỏ. Trong các chuyến đi lấy hàng, thấy người dân ở trung tâm huyện, ở thành phố thích nông sản trên bản làng, chị Nghệ đau đáu không biết làm sao để đưa rau củ ra bán giúp bà con.
Cơ duyên gặp được đoàn thiện nguyện lên thôn và được họ tư vấn. Chị Nghệ tìm tòi, hỏi han khắp nơi, đến đầu năm 2022, chị quyết định xuống huyện đăng ký thành lập Hợp tác xã Sinh thái nông nghiệp Rừng xanh rau sạch thôn A Ting (HTX), do chị làm giám đốc với hàng chục thành viên.
Chị khuyến khích bà con duy trì cách trồng truyền thống lâu nay để đảm bảo rau củ luôn sạch và lành, nghĩa là không phân bón, thuốc trừ sâu. HTX đã đón nhiều đoàn cán bộ, các doanh nghiệp chuyên thực phẩm sạch lên thăm cách trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch của bà con.
“Họ cầm đất khen đất tốt, cầm quả dưa ăn không cần rửa, ai cũng hài lòng cả” – Chị Nghệ kể.
Sau khi rau củ của bà con đã được gắn thương hiệu Nông sản sạch. Chị Nghệ lại tiếp tục tìm đường tiêu thụ. Cô gái Cơ tu nhờ vả tìm tòi khắp nơi cuối cùng cũng xin được một gian hàng ở Hội chợ quốc tế Thương mại du lịch và đầu tư Hành lang kinh tế Đông Tây tại Đà Nẵng đầu tháng 8/2022. Sau 5 ngày bán với các sản phẩm: Tiêu, bắp, đậu, gùi măng, chuối, dứa mật…., HTX bán sạch hơn 2 tấn nông sản trong sự ngỡ ngàng. Nhiều loại còn cháy hàng không có hàng bán.
Thành công bước đầu là động lực rất lớn để chị Nghệ cùng HTX tham gia nhiều hội chợ khác và cũng rất thành công. Sau hội chợ HTX lại đón đoàn của các doanh nghiệp thực phẩm lên khảo sát, tham quan. Được các siêu thị lớn đặt hàng và làm đối tác lâu dài.
Hiện nay, ngoài liên kết với người dân trong việc trồng và thu mua nông sản, HTX Rừng xanh rau sạch của chị Nghệ còn chủ động đầu tư thành lập các vườn trái cây, mua sắm thiết bị máy móc tiên tiến để sản xuất các sản phẩm thương mại từ nông sản như măng khô với bao bì hiện đại.
Hiện HTX Nông nghiệp sinh thái Rừng xanh rau sạch thu mua và phân phối khoảng 40 – 50 mặt hàng nông lâm đặc sản vùng cao. Với những sản phẩm và giá bán ổn định, các thành viên HTX cũng có thu nhập từ 7 – 10 triệu đồng/tháng.
Chị BRIU THỊ NEM – Chủ tịch Hội LHPN huyện Tây Giang cho biết: “Chị Nghệ là một hội viên tiêu biểu mạnh dạn. Từ một người tay không đã mạnh dạn vay vốn để thực hiện. Hiện nay chị đã phát triển được thành công, cái được nhất của chị là chị thu gom nông sản của người dân, làm sạch rồi bán về đồng bằng, nhất là các hội chợ, giúp cho bà con có thu nhập ổn định”.
Sau hơn 2 năm vận hành, HTX vẫn từng bước hoàn thiện các quy trình sản xuất để mang đến các loại sản phẩm sạch, an toàn, góp phần phát triển kinh tế cho người dân vùng cao Tây Giang. Ngoài việc tiếp tục có mặt tại các hội chợ, triển lãm ở TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, chị Nghệ còn có nhiều dự định để tiếp xúc với thị trường rộng lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh nhằm đưa hàng hóa, nông sản sạch của đồng bào miền núi đến với người tiêu dùng gần xa.
Tác giả: An Nhiên
Comment here