Khởi nghiệpTin trong nước

KHỞI NGHIỆP TRONG “BÃO” COVID

Khởi nghiệp trong đại dịch đòi hỏi một nỗ lực phi thường, bởi COVID-19 đang tạo ra những khó khăn chưa từng có, đặc biệt với phụ nữ thì thách thức sẽ càng lớn hơn. Tuy nhiên, 2 năm qua cũng có không ít nữ doanh nhân đã vượt khó để khởi nghiệp thành công…

Vượt qua đại dịch bằng những kế hoạch kinh doanh phù hợp 

Lê Vũ Diễm Hằng, cô chủ của hai phòng gym nổi tiếng tại Hà Nội. Trong ba năm khởi nghiệp, đã có hai năm phòng gym mang tên GymHaus của cô phải “chìm nổi” trong đại dịch Covid-19. 

Không đầu hàng trước dịch bệnh, Lê Vũ Diễm Hằng đã đưa ra rất nhiều giải pháp cụ thể để thu hút sự quan tâm của khách hàng. Bên cạnh đó, cô cũng tăng cường truyền thông tới khách hàng về cách tập luyện thay thế như tập online, việc này giúp duy trì lượng khách hàng tương đối ổn định, tạo công ăn việc làm cho huấn luyện viên. 

Song song, Hằng cũng bán các khóa tập ngắn hạn với giá hợp lý qua hình thức Zoom, Group Private trên Facebook để có doanh thu. GymHaus có thể coi là phòng tập năng động hàng đầu trong giai đoạn dịch bệnh với nhiều gói tập online mới cũng như các hoạt động tập luyện cộng đồng hoàn toàn miễn phí. 

Chưa dừng lại ở đó, Hằng cũng đề ra những chiến lược truyền thông hiệu quả để thu hút một số lượng lớn hội viên, tiêu biểu như chiến dịch 4 tuần độ lại body online; hoạt động Fitness Anywhere thu hút gần 100 người tham gia tập luyện trực tuyến. 

Ngoài ra, CEO của GymHaus cũng chịu khó sản xuất các video, vlog để đăng tải trên mạng xã hội, đồng thời hợp tác với truyền hình, báo điện tử làm các series hướng dẫn tập luyện tại nhà. Sự năng động này giúp thương hiệu Gymhaus được biết tới nhiều hơn. Cô cũng chủ động và cởi mở đàm phán để được chủ nhà hỗ trợ tiền thuê tối đa. 

Nỗ lực 200% để giữ thương hiệu trong thời điểm dịch bệnh 

Triệu Thị Linh Giang – Giang Milo là cái tên mới nhưng khá nổi bật gần đây trên thị trường gốm độc bản tại Hà Nội. Khởi nghiệp vào năm 2016, tiệm gốm của Giang đã đạt được nhiều thành tựu nhờ sự quyết đoán và nhạy bén của cô. 

Sau một thời gian quyết định kinh doanh gốm, Giang đã nhận thấy gốm Việt không kém cạnh các sản phẩm ngoại nhập, ngược lại, gốm Việt gần gũi, thân thuộc, nên cô quyết định tìm đến làng gốm Hương Canh, Vĩnh Phúc, và cùng hợp tác với các nghệ nhân nơi đây để tạo ra các sản phẩm gốm theo hướng mới như: các loại chum vại, bình hoa, đồ decor theo hướng tiêu dùng ứng dụng. 

Lò gốm của Giang được rất nhiều khách hàng yêu thích
Lò gốm của Giang được rất nhiều khách hàng yêu thích

Với ý tưởng khá độc đáo này, Giang đã bước đầu thành công khi rất nhiều sản phẩm được đón nhận. Tuy nhiên, dịch Covid-19 ập đến khiến Giang và các đối tác choáng váng. Nhiều thành phố phong tỏa, việc sản xuất, vận chuyển khó khăn, đơn hàng lớn mất dần vì du lịch đóng cửa,… Với vốn liếng còn khá khiêm tốn, nếu không giỏi xoay thì dự án khởi nghiệp có nguy cơ đổ bể. 

Nhưng với sự kiên trì cùng nỗ lực, cùng sự ủng hộ của gia đình, cửa hàng gốm của Giang đã vượt qua được giai đoạn khó khăn này. Giang chia sẻ: “Để giữ được thương hiệu, giữ được cửa hàng, em phải cố gắng tới 200%, em hầu như toàn đi đêm từ Hà Nội sang lò gốm để tiết kiệm thời gian, vì ban ngày còn quản lý cửa hàng, kiêm luôn cả việc bán hàng trong khoảng thời gian không tìm được nhân viên ưng ý. Nhưng làm công việc mình yêu thích, kiếm được tiền thì không thấy mệt, sắp tới qua dịch Gốm Giang sẽ mở thêm cả ở miền Nam”. 

Sau một thời gian chạy đua với dịch bệnh, lò gốm của Giang đã đạt được một số thành tựu đáng nể, cô mở được 2 cửa hàng tại Hà Nội, một cửa hàng tại Thái Nguyên, lượng khách tăng dần đều.  

Chặng đường chông gai trước và sau đại dịch 

Hiện tại những sản phẩm của Nhung được rất nhiều người đón nhận
Sản phẩm của Nhung hiện đang được rất nhiều khách hàng lựa chọn

Nguyễn Nhung – một cô gái ở thế hệ 8x, khởi nghiệp ngay đúng thời điểm Covid-19 ập đến. Đầu năm 2021, Nhung cùng với một số người bạn bắt tay vào dự án có tên gọi HQ Care, cô muốn phát triển những sản phẩm chăm sóc sức khỏe. 

Sau nhiều tháng mò mẫm tìm đường, cuối cùng sản phẩm dung dịch uống bảo vệ sức khỏe cơ xương khớp của Huacomplex của Nhung và nhóm cộng sự cũng được Bộ Y tế thẩm định, cấp phép. 

Mọi thứ đều tốt nếu đại dịch Covid -19 không ập đến. Dịch bệnh đã khiến mọi dự án của Nhung trở nên khó khăn hơn, những người bệnh tuổi già gặp nhiều vấn đề về xương khớp cũng không đi khám. Kênh bán hàng chủ lực qua phòng khám của Nhung gần như tê liệt trong những tháng giãn cách. 

Không để mọi nỗ thực đều thành “công cốc”, Nhung đã tìm nhiều cách để có thể đưa công ty vượt qua đại dịch. Cô chia sẻ: “Để thích nghi với tình hình, tôi và cộng sự chuyển hướng truyền thông sản phẩm, đẩy mạnh kênh trực tuyến, từng bước xây dựng từ website với đầy đủ thông tin, đến fanpage với những bài viết khoa học và những thông tin hữu ích. Song song với đó tôi đào tạo nhân viên chuyên nghiệp, tận tâm với khách hàng…” 

Cho đến hôm nay, sản phẩm của Nhung đã được hàng ngàn người sử dụng với lượt phản hồi tích cực và tái sử dụng với tỷ lệ cao. 

Có thể nói, đại dịch Covid-19 chính là thử thách cực lớn đối với các doanh nghiệp, nhất là những người kinh doanh vừa khởi nghiệp, chính vì thế để vượt qua đại dịch, đòi hỏi những doanh nghiệp phải thật sự kiên trì và can đảm. 

Nguồn: Bộ Khoa học và Công nghệ – Cục thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia 

Tác giả: