Ngày 20.7.2006, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 58/2006/NQ-HĐND về chiến lược phát triển KH&CN tỉnh Quảng Nam đến năm 2015, tầm nhìn 2020 đã xác định quan điểm xây dựng và phát triển hệ thống dịch vụ KH&CN góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xác định chỉ tiêu định hướng cụ thể: xây dựng Đề án quy hoạch mạng lưới cơ quan nghiên cứu, ứng dụng KH&CN với nhiệm vụ và giải pháp căn bản là đầu tư nâng cấp và xây dựng một số cơ quan nghiên cứu khoa học đáp ứng nhiệm vụ được giao; tạo lập môi trường pháp lý cho thị trường KH&CN hoạt động; phát triển các tổ chức tư vấn, môi giới, dịch vụ chuyển giao tiến bộ KH&CN.
Có thể nói đây là quan điểm có tính mở đường cho việc xây dựng và phát triển thị trường KH&CN. Song, trên thực tế, thị trường KH&CN Quảng Nam chưa định hình; thiếu, yếu và sự gắn kết ba nhân tố bên mua, bên bán và tổ chức dịch vụ trung gian, kết nối chưa như mong đợi của nghị quyết HĐND tỉnh, thể hiện trên cả việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ KH&CN – một lĩnh vực dành sự quan tâm của xã hội và cả đầu tư ngân sách chiếm tỷ trọng lớn. Để tạo sự đột phá tạo lập và phát triển thị trường KH&CN như một khâu cốt lõi của đổi mới tư duy kế hoạch KH&CN trong cách mạng 4.0, trong 5 năm đến, Quảng Nam cần tập trung vào những giải pháp hiệu quả.
Xây dựng mạng lưới tổ chức nghiên cứu – triển khai (R&D)
Đây là lực lượng bên “cung” để đáp ứng bên “cầu”, là những đòi hỏi bức thiết của xã hội, của doanh nghiệp, người dân. Chưa bao giờ, sản xuất và đời sống cần đến KH&CN như bây giờ, nghĩa là bên “cầu” dồi dào và đa dạng. Theo đánh giá của Nghị quyết số 17/2016/NQ-HĐND, ngày 19.7.2016 của HĐND tỉnh về Chiến lược phát triển KH&CN tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030, toàn tỉnh có 17 tổ chức KH&CN (10 tổ chức KH&CN công lập, 7 tổ chức KH&CN ngoài công lập), song cơ bản thiếu cả ba yếu tố nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và tham gia nghiên cứu khoa học; hoạt động cơ bản hành chính hóa. Cần nhanh chóng thực hiện Đề án đầu tư từ nguồn đầu tư phát triển KH&CN hàng năm, nhằm xây dựng các R&D đáp ứng yêu cầu nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, có thể điểm mặt các trung tâm quan trọng: Trung tâm KH&CN (tổng hợp), Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Sâm và dược liệu, Trung tâm Bảo vệ môi trường, Trung tâm Khuyến công và kỹ thuật công nghiệp. Bên cạnh đó, ban hành cơ chế khuyến khích xã hội hóa đầu tư phát triển các đơn vị R&D (trường đại học, cao đẳng, tư nhân…) bằng hình thức công – tư cơ sở vật chất hiện có (sau khi sắp xếp cơ quan, đơn vị), giao thực hiện nhiệm vụ KH&CN, tổ chức các sự kiện, diễn đàn khoa học… Hợp tác và kêu gọi Viện Hàn lâm KH&CN, các cơ quan khoa học trung ương, các đại học vùng, các trường đại học thành lập cơ quan đại diện/chi nhánh tại Quảng Nam; trước mắt là thành lập cơ quan cứu về dược liệu, nông nghiệp, lịch sử và văn hóa…
Tập trung xây dựng và phát triển bên “cung” đáp ứng yêu cầu hiện nay chính là xây dựng phần cốt lõi của thị trường KH&CN. Bên “cung” ở địa phương bao hàm cả việc làm chủ kỹ thuật, công nghệ và vai trò tổ chức dịch vụ, kết nối KH&CN – nghĩa là bao hàm cả tư vấn và triển khai ứng dụng kết quả trong thực tế theo yêu cầu của sản xuất và đời sống. Một nền khoa học mạnh, một địa phương có hoạt động KH&CN mạnh là nơi đó có một hệ thống cơ quan R&D đủ năng lực và hoạt động hiệu quả.
Gắn kết khởi nghiệp với phát triển doanh nghiệp KH&CN
Theo quy định tại Điều 58 Luật KH&CN năm 2013, doanh nghiệp KH&CN là doanh nghiệp thực hiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ KH&CN để tạo ra sản phẩm, hàng hóa từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN (bao gồm công nghệ sau ươm tạo, hàng hóa, dịch vụ và các hình thức khác) là kết quả của quá trình sản xuất hoặc cung ứng dịch vụ dựa trên việc áp dụng, ứng dụng hoặc phát triển kết quả KH&CN. Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dựa trên 3 trụ cột là sở hữu trí tuệ, công nghệ và mô hình kinh doanh mới để phát triển thành doanh nghiệp, mà về cơ bản là doanh nghiệp KH&CN.
Trong 15 năm qua, Quảng Nam chỉ có 1 doanh nghiệp KH&CN là thấp so với các tỉnh trong vùng (Quảng Ngãi có 6, Đà Nẵng 8, Bình Định 4, Quảng Trị 2…). Tập trung cơ chế hỗ trợ để phát triển doanh nghiệp KH&CN là nhiệm vụ rất quan trọng của thị trường KH&CN. Ngày 1.2.2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 13/2019/NĐ-CP về doanh nghiệp KH&CN, trong đó có nhiều chính sách ưu đãi như: miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; ưu đãi tín dụng; ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hoạt động sản xuất và kinh doanh; ưu tiên, không thu phí khi sử dụng máy móc, trang thiết bị tại các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, cơ sở ươm tạo công nghệ, cơ sở nghiên cứu KH&CN của Nhà nước; có kết quả được chuyển giao, ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn đã được cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN công nhận thì được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách. Trường hợp kết quả có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội và quốc phòng – an ninh, Nhà nước sẽ xem xét mua kết quả đó.
Kết nối và liên kết để phát triển sản phẩm
Năm 2011, Quảng Nam tổ chức Chợ công nghệ và thiết bị cấp quốc gia – TechMart Quang Nam 2011 và tham gia nhiều lần TechMart, TechDemo, TechFest cấp quốc gia, vùng, địa phương. Năm 2019, Quảng Nam tổ chức Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo cấp vùng gắn trưng bày kết quả KH&CN – TechFest Quang Nam 2019. Tổ chức xây dựng Chợ công nghệ ảo. Đó là những kết quả ban đầu, tuy nhiên, các công nghệ – thiết bị chưa như mong đợi. Để giới thiệu, kết nối và liên kết, Quảng Nam cần giao Sở KH&CN, các ngành, liên hiệp các hội KH&KT cùng các hội thành viên, các đơn vị R&D, các trường đại học, cao đẳng, hiệp hội doanh nghiệp tỉnh… bằng nhiều hình thức khác nhau tổ chức diễn đàn, hội thảo giới thiệu kết quả nghiên cứu, thiết bị và công nghệ theo nhu cầu của sản xuất và đời sống địa phương. Thống nhất chủ trương nghiên cứu hình thức đầu tư công – tư để hình thành một trung tâm – không gian giới thiệu – kết nối để trưng bày, giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thiết bị, sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đây là không gian sinh hoạt khoa học và khởi nghiệp trên nền tảng kết quả nghiên cứu khoa học. Thực chất, đây chính là điểm đa năng nhằm thực hiện chức năng chính của thị trường KH&CN là tổ chức, là nơi gặp gỡ, trung gian.
Bên cạnh đó, tỉnh thường xuyên công bố toàn văn kết quả nghiên cứu – triển khai trên địa bàn tỉnh (trừ các nghiên cứu thuộc các lĩnh vực bí mật nhà nước) để tạo cơ hội tiếp cận giữa bên “cung” và bên “cầu”. Đây là điều kiện bắt buộc của nghiên cứu từ ngân sách nhà nước, tránh tình trạng dai dẳng thường nghe nói đây đó lâu nay “nghiên cứu bỏ tủ”… Đồng thời, có cơ chế hỗ trợ kết nối, vinh danh các kết quả nghiên cứu từ nguồn ngân sách khác, doanh nghiệp, tư nhân…