Trong hành trình 550 năm, tinh thần canh tân, dấn thân khởi nghiệp luôn song hành với sự phát triển mạnh mẽ của vùng đất Quảng Nam
Vùng đất canh tân
Trong dân gian Quảng Nam, thuật ngữ hiện đại “khởi nghiệp” tất nhiên là không có nhưng tinh thần ấy hiện hữu rất nhiều, nhất là trong ca dao – dân ca, tục ngữ nói về nghề nghiệp, buôn bán. “Có chịu khó mới có mà sang/Không dưng ai dễ đem bà Hoàng lại cho”, câu nói của người Quảng toát lên niềm đam mê và cả sáng tạo. Triết lý chịu khó để sang của người Quảng có tính phổ quát, hay nói đúng hơn, người Quảng ý thức được sự thành công là cả một hành trình.
Quảng Nam, theo nghĩa rộng là “đất mở rộng về phương Nam, vâng mệnh vua để tuyên dương đức hóa”. Về lịch sử, tính từ khi có danh xưng Quảng Nam đến nay, vùng đất này đã trải qua 550 năm (Thừa tuyên Quảng Nam được minh quân Lê Thánh Tông thành lập năm 1471). Tuy có nhiều lần thay đổi địa giới, tên gọi nhưng giá trị vùng đất mở, canh tân vẫn luôn là giá trị nổi bật, là cốt lõi của văn hóa xứ Quảng.
Trong hơn 200 năm, trải qua 9 đời chúa Nguyễn, Hội An được xây dựng thành một đô thị cửa biển quan trọng vào bậc nhất của xứ Đàng Trong thời bấy giờ, nổi danh Cảng thị Hội An/Đại Chiêm Hải Khẩu. Tư tưởng canh tân của Dinh trấn Thanh Chiêm có vai trò hết sức quan trọng với sự thăng hoa của Hội An phố. Điển hình là chính sách ngoại thương thoáng mở, như “trú đông”, “lưu đông”, cho thương nhân nước ngoài cư trú vô thời hạn, được dựng làng, lập phố, có chế độ “tự quản riêng” như “phố Hoa”, “phố Nhật”. Chính từ tư tưởng canh tân và hội nhập đó, thành tựu văn hóa vô cùng lớn của Thanh Chiêm là trở thành cái nôi ra đời chữ Quốc ngữ ngày nay.
Nói theo ngôn ngữ hiện đại, Hội An là khu kinh tế mở đầu tiên ở nước ta. Ở đó, có cả những cơ chế quản lý đặc thù, những hình thức kinh tế mới, sự giao thoa kinh tế, văn hóa với quốc tế diễn ra mạnh mẽ… Từ Hội An xưa đến hình thành Khu Kinh tế mở Chu Lai ở Quảng Nam sau này là chặng đường dài hàng thế kỷ nhưng đó là sự tiếp nối của tư duy canh tân, tư duy mở. Từ ý tưởng ngày nào đến sự phát triển như bây giờ, Khu Kinh tế mở Chu Lai có bóng dáng của những kinh nghiệm Hội An xưa của các bậc tiền nhân.
Từ những phân tích trên, chúng ta có thể khẳng định, nói theo ngôn ngữ khởi nghiệp, trong lịch sử xứ Quảng đã có start-up Hội An, start-up Chu Lai để làm nên start-up xứ Quảng! Không phải ngẫu nhiên mà Quảng Nam chọn slogan “Quảng Nam – vùng đất mở cho khởi nghiệp sáng tạo”.
Phát huy truyền thống
Trong lịch sử, Quảng Nam có nhiều nhà canh tân nổi tiếng mà tư tưởng của họ luôn ở trong sự phát triển. Thời nhà Nguyễn, Thượng thư Phạm Phú Thứ là nhà canh tân. Khi làm Phó sứ trong Phái bộ Phan Thanh Giản sang Pháp, về nước, ông tiếp thu nhiều tiến bộ và có viết các sách: “Bác vật tân biên” (sách nói về khoa học), “Khai môi yếu pháp” (phương pháp khai mỏ), “Hàng hải kim châm” (cách đi biển)… Tương truyền, kiểu xe nước ngày nay còn thông dụng ở các tỉnh miền Trung (Quảng Nam, Quảng Ngãi…) là kiểu xe nước trâu kéo ở Ai Cập vào những thế kỷ trước, do ông vẽ mang về áp dụng vào thời ấy. Việc đem cái xe nước ở nước ngoài về áp dụng, gia tăng giá trị và mang lại hiệu quả to lớn trong sản xuất nông nghiệp thời bấy giờ, nói theo kiểu ngày nay là tinh thần khởi nghiệp rất đột phá, sáng tạo, mạnh mẽ và quyết liệt.
Thời cận – hiện đại, “bộ ba huyền thoại xứ Quảng” Huỳnh Thúc Kháng – Phan Châu Trinh – Trần Quý Cáp là những người khai mở lối học mới, học phải đi đôi với thực nghiệp. Việc chọn con đường “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” để cứu nước của các cụ là một lựa chọn mang tính cách mạng và có ý nghĩa thực tiễn cho đến tận ngày nay. Phong trào “thực học” này đã tạo nên một kiểu con người mới của một văn hóa mới trên đất Quảng, mà tên tuổi nhân sĩ đất Quảng tiêu biểu có thể kể là: Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Lê Cơ, Phan Thành Tài, Nguyễn Thành, Phan Thúc Duyện, Châu Thượng Văn, Mai Dị, Lê Đình Dương…
Trong thời đại mới, một nhân vật người Quảng Nam nổi tiếng không thể không nhắc đến là GS Hoàng Tụy (1927-2019), người khai sinh lý thuyết Tối ưu hóa toàn cục – một ngành toán học có nhiều ứng dụng trong vận trù học và kinh tế, công nghệ…
Ngày nay, Quảng Nam xác định mục tiêu xây dựng thương hiệu vùng đất trên nền giá trị văn hóa, như là điểm đến du lịch xanh, thân thiện với sản vật quê mình và là nơi có môi trường đầu tư hấp dẫn, giàu cảm xúc với tư duy kinh tế hội nhập, mở rộng giao thương. Xứ Quảng hướng đến bảo tồn, khôi phục, cải tiến, đổi mới sản phẩm truyền thống, sáng tạo sản phẩm mới thích ứng với đời sống đương đại, để nâng tầm và hội nhập sản phẩm địa phương.
Hành trình 550 năm của vùng đất học “Ngũ phụng tề phi” và “Lục phụng bất tề phi” cùng tinh thần canh tân, dấn thân khởi nghiệp luôn song hành với sự phát triển mạnh mẽ của Quảng Nam. Điều đó có ý nghĩa to lớn và là cội nguồn sức mạnh, lan tỏa để phong trào khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo tại Quảng Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ.