TechFest Quảng NamTechFest Quảng Nam 2019Tin Quảng NamTin tức sự kiện

Sở hữu trí tuệ với sáng tạo khoa học và khởi nghiệp

Sáng 16.5 tại TP.Tam Kỳ, UBND tỉnh phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) tổ chức diễn đàn Trí thức khoa học công nghệ (KHCN) năm 2019 với chủ đề “SHTT với sáng tạo khoa học và khởi nghiệp”.

Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: VINH ANH
Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: VINH ANH

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật tỉnh Trần Văn Tân và Phó Cục trưởng Cục SHTT Lê Ngọc Lâm dự và chủ trì diễn đàn.

Chưa quan tâm

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân nhấn mạnh, trong hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, SHTT có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển của các nước trên thế giới, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của việc phát minh sáng tạo khoa học gắn với phát triển doanh nghiệp (DN). Vấn đề này Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Quốc hội đã sớm ban hành Luật SHTT tạo hành lang pháp lý cao nhất cho việc bảo vệ quyền SHTT của tổ chức cá nhân. Thủ tướng cũng khẳng định, Chính phủ cam kết bảo hộ tối đa quyền SHTT, sáng kiến và ý tưởng khởi nghiệp. “Tuy nhiên, trên thực tế nhiều tổ chức, cá nhân, nhà khoa học, nhà phát minh sáng chế chú trọng nghiên cứu sáng tạo, chế tạo phát triển DN, nhưng ít quan tâm đến SHTT. Vì vậy nhiều sản phẩm có chất lượng và thương hiệu lại mất trắng quyền SHTT của mình. Đây là thực trạng chung trong thời gian qua, là bài học quý luôn mang tính thời sự” – ông Trần Văn Tân nói.

TS.Lê Ngọc Lâm – Phó Cục trưởng Cục SHTT cho rằng, với 35 năm phát triển SHTT, đến nay phần lớn DN tại Việt Nam đã có ý thức về quyền SHTT và tiến hành đăng ký các quyền SHTT liên quan. Nhưng vẫn còn thực trạng các DN chỉ chú trọng vào nhãn hiệu, trong khi các đối tượng khác như sáng chế hay kiểu dáng công nghiệp chưa được quan tâm. So với nước ngoài, tỷ lệ đăng ký nhãn hiệu ở Việt Nam chiếm khoảng 70%, kiểu dáng công nghiệp khoảng 50%, còn đăng ký sáng chế chỉ trên dưới 10%. Tại Việt Nam, lượng đơn đăng ký nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp và sáng chế của Quảng Nam thuộc nhóm thấp. Ví dụ như, năm 2018, cả nước có 646 đơn đăng ký sáng chế nhưng Quảng Nam chỉ có 1 đơn; cả nước có 1.694 đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp thì Quảng Nam chỉ có 3 đơn; cả nước có 37.475 đơn đăng ký nhãn hiệu thì Quảng Nam chỉ có 162 đơn.

Bà Phan Á Kim – Phó Giám đốc Sở KHCN khẳng định, SHTT trên địa bàn tỉnh chủ yếu gắn liền với hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong hoạt động nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật và khởi nghiệp, quyền SHTT hầu như chưa được chú trọng. “Hơn 10 năm tổ chức triển khai các phong trào thi đua sáng tạo, có 156 giải pháp đạt giải hội thi sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh; 13 giải pháp đạt giải hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc; 289 giải pháp, mô hình đạt giải tại cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng, trong đó có 35 mô hình, sản phẩm đạt giải toàn quốc và 3 mô hình, sản phẩm đạt giải tại cuộc thi sáng tạo trẻ quốc tế và 3 công trình nghiên cứu đạt giải thưởng Phạm Phú Thứ về KHCN. Tuy nhiên, các giải pháp đạt giải chỉ dừng ở ý tưởng nghiên cứu, chưa trở thành sản phẩm thương mại” – bà Kim nói. Qua các ý kiến trao đổi tại diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân đề nghị Sở KHCN tổng hợp để tham mưu đề xuất UBND tỉnh ban hành các chủ trương, quyết sách phù hợp, góp phần tạo chuyển biến về nhận thức và kết quả về SHTT; khẩn trương rà soát lại những sản phẩm, sáng kiến, sáng chế, phát minh của tỉnh mà chưa đăng ký quyền SHTT, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể để xúc tiến triển khai; phối hợp với Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật tham mưu UBND tỉnh đưa vào dự thảo nghị quyết của HĐND cơ chế hỗ trợ cho các sáng tạo khoa học kỹ thuật, gắn kết giải pháp kỹ thuật với khởi nghiệp sáng tạo…

Cần sự hỗ trợ

Ông Đào Bội Thuyên, một nhà sáng chế đến từ huyện Hiệp Đức từng đạt giải tại hội thi sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh cho rằng, bản thân người đam mê sáng chế, sáng tạo rồi trở thành “nhà sáng chế” chủ yếu xuất phát từ đam mê sáng tạo và nhằm mục đích phục vụ cộng đồng nên ít quan tâm đến việc đăng ký bản quyền, dẫn đến nhiều thiệt thòi. Ông Thuyên kiến nghị: “Từ thực tế nói trên, tôi nghĩ tỉnh cần giao nhiệm vụ về Sở KH-CN trong việc triển khai lập thủ tục xin đăng ký bản quyền để hỗ trợ người có sáng chế, góp phần bảo hộ SHTT hiệu quả”.

Nhắc lại kết quả về số lượng tác giả/nhóm tác giả đạt giải tại các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, ông Nguyễn Văn Diệu – Phó Trưởng ban Văn hóa – xã hội, HĐND tỉnh cho rằng, qua các cuộc thi, hội thi đã xuất hiện nhiều sáng chế, giải pháp kỹ thuật hữu ích, nhưng vấn đề quan tâm là làm sao để phát triển những sáng chế, giải pháp đó ứng dụng vào thực tiễn hoạt động sản xuất. Vì vậy, tỉnh cần có cơ chế hỗ trợ hoàn thiện các sáng chế, sáng tạo khoa học kỹ thuật và đưa vào thử nghiệm trong sản xuất. Đồng thời có cơ chế hỗ trợ gắn kết các sáng chế, giải pháp kỹ thuật với khởi nghiệp nhằm cho ra đời các sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo.

Tác giả: